Tại sao Trung Quốc dừng kích thích kinh tế khi COVID-19 lắng dịu?

Hoài Thanh |

Bắc Kinh lo ngại gói kích thích tài chính lớn có thể khiến nền kinh tế chệch hướng, gây ra tình trạng quá nóng ở một số ngành như bất động sản.

Trung Quốc đã trải qua quý tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ những năm 1970. Hàng triệu việc làm đã mất và đại dịch COVID-19 đã kìm chân các doanh nghiệp trong thời gian hơn 3 tháng.

Vậy nhưng cho đến nay, các gói kích thích về tiền tệ và tài khóa của Trung Quốc thua xa về cấp độ so với các nền kinh tế lớn nhất thế giới khác, như Nhật Bản hay Mỹ - nơi mà gói kích thích lên tới 2.000 tỉ USD với các khoản tiền phát riêng cho người dân, tăng bảo hiểm thất nghiệp và mở rộng kênh vay vốn cho các ngành đang gặp khó.

Phản ứng của Bắc Kinh thậm chí còn kém hơn cả cách thức xử lý những đợt khủng hoảng kinh tế trước đây, ví như khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 hay suy giảm tăng trưởng hồi 2015.

Thay vào đó, nỗ lực nực của chính quyền chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính, như cắt giảm thuế, phí, gây sức ép với chủ thuê nhà giảm hoặc miễn tiền thuê nhà, ép các công ty hạn chế sa thải nhân công. Bắc Kinh đã bơm thêm thanh khoản và hệ thống tài chính, giảm lãi suất cho vay, cho phép chính quyền địa phương khởi công các dự án hạ tầng và phát phiếu mua hàng giảm giá ở một số thành phố để kích thích tiêu dùng.

Bất chấp những dự báo bi quan về hàng chục triệu việc làm bị mất, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài làm kiệt quệ xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay, đến thời điểm này, Bắc Kinh vẫn chưa dùng đến các giải pháp mạnh như chi tiêu lớn của chính phủ vào hạ tầng, hoặc cắt giảm mạnh lãi suất cho vay.

Lúc đầu, cũng có quan chức đặt câu hỏi liệu các biện pháp kích thích kinh tế có phát huy được hiệu quả không, khi mà người tiêu dùng đối diện với tình cảnh hạn chế chi tiêu vì COVID-19. Nay có dấu hiệu cho thấy kinh tế đang phục hồi mà chưa cần tới biện pháp mạnh.

Thế nhưng điều quan trọng nhất có thể là do nhà chức trách nhận thấy một gói kích thích lớn sẽ đẩy nền kinh tế phát triển nóng, đặc biệt là thị trường bất động sản vốn đã có biểu hiện tăng ảo với niềm tin phổ biến trong dân chúng Trung Quốc cho rằng nhà đất là kênh đầu tư an toàn, hàng thập kỉ qua giá cơ bản chỉ có tăng.

Tại sao Trung Quốc dừng kích thích kinh tế khi COVID-19 lắng dịu? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 4/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN


Không đâu mà tình hình lại rõ như ở siêu đô thị Thâm Quyến, nơi bất chấp suy giảm kinh tế lịch sử, chính quyền vẫn đang phải vật lộn để chống nạn đầu cơ bất động sản. Giá nhà tại đây đã tăng 5,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong số các thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Giới điều hành lo ngại, bởi giá nhà tại Thâm Quyến bùng nổ một phần là do chủ các doanh nghiệp lợi dụng nguồn tín dụng giá rẻ thời COVID-19, tìm cách lái các khoản vay nhẽ ra được dùng để hỗ trợ, vực dậy sản xuất của doanh nghiệp sang thị trường nhà đất. "Chúng ta phải nhất quyết sửa sai lầm trong việc để các khoản vay không đúng mục đích đổ vào thị trường bất động sản", ông Xiao Yuanqi, người đứng đầu bộ phận quản lý rủi ro tại Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, phát biểu hồi tháng trước.

Trong tháng 2 và tháng 3, giới điều hành chính sách chỉ can thiệp nhẹ về biên độ, bảo đảm thanh khoản khiêm tốn cho hệ thống tài chính, giảm nhẹ lãi suất cho vay trong khi tập trung vào đóng cửa quốc gia để ngăn ngừa dịch bệnh. Điều này đã khiến cho GDP của Trung Quốc trong quý 1 giảm 6,8% và là quý suy giảm đầu tiên kể từ năm 1976.

Ông Yu Yongding, một chuyên gia kinh tế và là cố vấn chính sách cho chính phủ Trung Quốc nhìn nhận, khi các nhà máy đóng cửa và chuỗi cung tê liệt, chính sách tài khóa và tiền tệ đều trở nên vô dụng. Trong điều kiện như thế, ngay cả khi người tiêu dùng muốn tiêu tiền, họ cũng không làm được.

Giờ đây, khi Trung Quốc cơ bản kiểm soát được COVID-19, câu hỏi đặt ra là: Liệu người tiêu dùng Trung Quốc có đủ sức để tạo ra bước phục hồi kinh tế mạnh mẽ mà không cần đến các gói kích thích kinh tế lớn?

Vài ngày qua, nhiều công ty của phương Tây, trong đó có nhãn hàng xa xỉ do thương hiệu LVMH (Louis Vuitton) quản lý và hãng đồ nội thất IKEA mừng vui khi nhận thấy chi tiêu dùng tại Trung Quốc tăng trở lại, tăng triển vọng doanh thu cho các tập đoàn này.

Doanh số bán hàng ô tô có tháng đầu tiên tăng trưởng so với cùng kỳ trong hai năm trở lại đây. "Rõ ràng là Trung Quốc đang thoát khỏi COVID-19 theo mô hình chữ V", ông J Juergen Stackmann, Ủy viên hội đồng quản trị tập đoàn Volkswagen AG chia sẻ với báo giới.

Thế nhưng hiện chưa rõ đà hồi phục này kéo dài trong bao lâu. Một số người cho rằng khi dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản, đã đến lúc Bắc Kinh cần tung các gói tài khóa để kích thích tiêu dùng nội địa. Điều này đặc biệt cần kíp, bởi xuất khẩu – khu vực vốn là đầu tàu truyền thống của kinh tế Trung Quốc nhưng giờ chiếm chưa đến 20% GDP, sẽ phải đối diện với sức ép lớn từ co hẹp thị trường tại các nước phương Tây.

Trong một bản phân tích gần đây gửi tới khách hàng, ông Julia Wang, chuyên gia kinh tế cao cấp về đại lục tại HSBC cảnh báo nợ hộ gia đình và nợ cầm cố tăng có thể sẽ làm giảm chi tiêu dùng. Ông kêu gọi Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế mạnh hơn để kích cầu tiêu dùng. Trong tháng 3, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2019, sau mức sụt giảm 20,5% trong giai đoạn tháng 1 và tháng 2.

Còn theo chuyên gia kinh tế vĩ mô Larry Hu – người đưa ra dự báo về tỉ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc có thể tăng gấp đôi, lên mức 9,4%, co hẹp về việc làm và triển vọng bất ổn kinh tế tự khắc sẽ đẩy giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh hành động quyết liệt hơn. Nếu tình hình tệ đi, như có đến 20 triệu người thất nghiệp mới, Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng gói kích cầu kinh tế.

Nhưng cũng có lý do để tin rằng nếu đà phục hồi được duy trì tốt, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không viện tới các biện pháp tài khóa lớn. Đó là bởi giới hoạch định chính sách lo sợ các biện pháp kích thích quy mô lớn hơn có thể sẽ đổ thêm quá nhiều tiền vào phục hồi kinh tế, xóa đi thành quả chiến dịch hơn một năm qua về giảm nợ công và nợ hộ gia đình.

Trung Quốc cũng là nước có mức tiết kiệm hộ gia đình cao. Một số nhà kinh tế tin rằng chính điều này đã ngăn cản việc chính phủ cấp thêm tiền vào mỗi công dân, vì đằng nào họ cũng chẳng chi tiêu nhiều. Theo ông Li-Gang- Liu, kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại tập đoàn Citigroup, xét tới yếu tố người tiêu dùng Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm phòng thân rất cao, sẽ có một lượng lớn tiền đổ vào tài khoản trong các ngân hàng và nằm chết tại đó.

Còn một lý do khác khiến giới lãnh đạo Trung Quốc ngại tung ra gói kích thích quy mô lớn: Đơn giản là họ đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2020 do những cú sốc đặc biệt lớn từ COVID-19. Tại cuộc họp trong tháng 4, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không còn nhắc tới cam kết thực hiện mục tiêu kinh tế cho năm nay.

Tại sao Trung Quốc dừng kích thích kinh tế khi COVID-19 lắng dịu? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại