Tại sao tên lửa phòng không Iran có thể gây ra thảm kịch bắn rơi máy bay Ukraine?

Anh Tú |

Liệu có phải Iran đã nhầm lẫn chiếc Boeing 737 của Ukraine với máy bay kẻ thù và chủ động bắn hạ nó hay Tehran đã để hệ thống phòng không của mình ở chế độ khai hỏa tự động?

Iran nhầm chiếc Boeing 737 của Ukraine là máy bay thù địch?

Đã xuất hiện những thông tin mới cho thấy chiếc máy bay Boeing 737 của Ukraine rơi ở Tehran hôm thứ Tư vừa qua là do bị một tên lửa của Iran bắn trúng.

Tuy vậy, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn liệu các lực lượng Iran đã nhầm chiếc Boeing 737 này với máy bay kẻ thù và chủ động bắn hạ nó hay Tehran đã để hệ thống phòng không của mình ở chế độ khai hỏa tự động.

Một số quan chức Mỹ ngày 9/1 cho biết, các hệ thống vệ tinh phát hiện tên lửa và các cơ quan tình báo khác của họ đã có thông tin chuyến bay 752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine đã bị bắn rơi bởi một tên lửa của Iran chỉ vài phút sau khi nó cất cánh từ Sân bay Imam Khomeini ở Tehran. Tất cả 176 hành khách trên chiếc máy bay Boeing 737-800 đều thiệt mạng.

"Nhầm lẫn là một điều hết sức kỳ lạ bởi chiếc máy bay không chỉ hoạt động ở độ cao vừa phải mà nó còn cất cánh từ sân bay ở Iran chứ không phải đáp xuống đây từ một quốc gia khác", David Deptula, Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu đồng thời cũng là sĩ quan lập kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc bình luận. "Làm sao điều này có thể xảy ra?".

Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran phóng 16 quả tên lửa tấn công các lực lượng quân sự Mỹ đang đóng quân ở Iraq.

"Sự việc diễn ra 5 giờ sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo xuống các địa điểm tại Iraq, vì vậy các kíp vận hành hệ thống tên lửa đất đối không lúc đó phải đang trong tình trạng cảnh giới cao và rất nhạy cảm", tướng Deputla nói thêm.

"Ai đó có thể tưởng tượng và đặt giả thuyết về một tình huống chiếc máy bay được xem là mục tiêu đang bay tới nhưng như thế thực sự cũng rất khó hình dung".

Tại sao tên lửa phòng không Iran có thể gây ra thảm kịch bắn rơi máy bay Ukraine? - Ảnh 2.

Nhân viên cứu hộ vận chuyển xác nạn nhân của chiếc máy Ukraine rơi ở Shahedshahr, Tây Nam Tehran, Iran, hôm 8/1/2020. Ảnh: AP

Hệ thống tên lửa Tor-M1 là thủ phạm?

Các lực lượng quân sự trên thế giới thường phải tuân thủ nghiêm ngặt các danh mục chỉ dẫn đặc biệt để xác định vật thể xuất hiện trên màn hình radar.

"Có những quy định thiết lập sẵn dùng cho mục đích xác định và xác thực đúng đắn vật thể bay", tướng Deptula lý giải. "Tuy nhiên, nên nhớ rằng khi có sự tham gia của con người, lại trong những hoàn cảnh căng thẳng và dễ mất kiểm soát, con người có thể mắc sai lầm".

Năm 1988, thủy thủ đoàn trên tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Vincennes của Hải quân Mỹ đã bắn nhầm một máy bay Iran di chuyển từ Tehran tới Dubai.

Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, Quân đội Mỹ cũng đã bắn rơi một chiếc chiến đấu cơ Tornado của Không quân Hoàng gia Anh khi hệ thống đánh chặn Patriot đã lầm đó là máy bay chiến đấu với một tên lửa dò bức xạ.

Tại sao tên lửa phòng không Iran có thể gây ra thảm kịch bắn rơi máy bay Ukraine? - Ảnh 3.

Hệ thống phòng không Raad (Khordad 3) của Iran. Ảnh: MW

Người điều khiển tổ hợp tên lửa đất đối không thường cố gắng xác thực thông tin của một máy bay nghi vấn trước khi khai hỏa. Do các máy bay thương mại đều trang bị hệ thống phát đáp gửi đi những thông tin riêng biệt về chiếc máy bay đó nên nhân viên điều khiển tên lửa sẽ phải phối kiểm thông tin này.

Nếu một chiếc máy bay không phát tín hiệu phản hồi, người điều khiển tên lửa đất đối không có thể kiểm tra giờ bay địa phương. Nếu không có lịch trình bay nào định sẵn, anh ta sẽ phải phân tích tiếp đặc điểm bay của chiếc máy bay.

"Liệu chiếc phi cơ đang bay tới ở độ cao thấp và với tốc độ nhanh hướng đến một khu vực hoạt động nhạy cảm nào đó hay không?" tướng Deptula phân tích. "Hoặc liệu nó có đang leo lên cao, tới độ cao trung bình ở tốc độ đặc trưng của một máy bay thương mại hay vector của nó là gì?".

"Có được bất cứ dữ liệu nào trong số các thông tin này bạn đều có thể đưa ra được dự cảm tốt về việc liệu đó có phải là máy bay thù địch hay bạn bè hoặc vẫn là một máy bay lạ".

Tại sao tên lửa phòng không Iran có thể gây ra thảm kịch bắn rơi máy bay Ukraine? - Ảnh 4.

Hệ thống phòng không Tor-M1. Ảnh: AP

Mỗi quốc gia đều đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt khi nào thì được phép khai hỏa tên lửa phòng không.

Theo Flightradar24 - chuyên trang theo dõi dữ liệu bay thì chuyến bay 752 của Hãng Hàng không Ukraine đang leo lên hướng Tây Bắc từ Tehran lúc đang ở độ cao khoảng 2.00 m và vận tốc 509,3 km/h thì mất liên lạc.

New York Times dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ cho biết, tên lửa từ hệ thống phòng không Tor-M1 (hay SA-15 theo mã định danh của NATO) đã bắn rơi chiếc máy bay. Theo Liên minh Ủng hộ Kế hoạch Phòng thủ Tên lửa thì Tor-M1 có thể khai hỏa ở chế độ tự động.

Một cựu quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ gọi vụ tai nạn là "sự thiếu năng lực không thể chấp nhận được""các hệ thống phòng không Iran về cơ bản đã không xác định điều gì mà chỉ khai hỏa tấn công".

Tuy nhiên, Trung tướng Deptula cho rằng "chúng ta thực sự không thể biết chắc chắn điều gì đã xảy ra cho tới khi có kết quả điều tra và những người có liên quan được thẩm vấn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại