Tại sao tên lửa diệt hạm Kinzhal của Nga là nguồn cơn đau đầu mới của tàu sân bay Mỹ?

Tiến Minh |

Tên lửa chống hạm siêu vượt âm Kinzhal của Nga đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với Hải quân Mỹ.

Tại sao Nga rất cần thế hệ tên lửa chống hạm mới

Sau khi Liên Xô tan rã, vũ khí chủ yếu của biên đội chống tàu sân bay trong không quân hải quân Nga là tên lửa chống hạm hạng nặng phóng từ trên không Raduga Kh-22 (NATO định danh là AS-4 "Kitchen") đã thực sự lạc hậu; được trang bị cho phi đội máy bay Tu-22M3.

Kh-22 có thể tích rất lớn, mặc dù tầm bắn đạt 800 km và từng là cơn ác mộng đối với biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ vào những năm của thập niên 1980; nhưng trong Thế kỷ 21 này, khi Kh-22 được phóng từ trên không, tốc độ tối đa của nó chỉ là 3 Mach.

Khi phóng ở cự ly 700 km xung quanh khu vực phòng ngự của tàu sân bay, nó sẽ để cho Hải quân Mỹ có thời gian chuẩn bị phòng thủ dài từ 12 đến 15 phút, như vậy khả năng sống còn của nó sẽ giảm nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, Kh-22 phải đối mặt với mạng lưới phòng thủ đánh chặn của tàu sân bay Mỹ vốn được nâng cấp và thay mới nhiều lần, điều đó khiến sức mạnh tiến công của loại tên lửa này bị suy yếu rất nhiều.

Còn loại Yakhont và Kalibr mới được đưa vào sử dụng chỉ có thể được coi là tên lửa chống hạm tầm trung, tầm bắn của nó nằm trong phạm vi phòng thủ của tàu sân bay Mỹ. Do đó, nhiệm vụ nghiên cứu phát triển một thế hệ tên lửa mới nhằm thay thế cho tên lửa chống hạm tầm xa hạng nặng Kh-22 là rất cấp bách.

Tính năng tối ưu của tên lửa chống hạm Kinzhal là gì?

Tên lửa chống hạm siêu vượt âm Kinzhal có tổng chiều dài khoảng 7,7 m; đường kính khoảng 1 m; phần thon dài của đầu đạn khoảng 3,4 m; thân đạn dài khoảng 3,4 m; phần chóp nón cụt lắp ở phần đuôi có chiều dài khoảng 0,9 m. Kích thước tổng thể về cơ bản giống như tên lửa đường đạn tầm ngắn Iskander tiên tiến nhất của Lục quân Nga.

Tại sao tên lửa diệt hạm Kinzhal của Nga là nguồn cơn đau đầu mới của tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 1.

Tên lửa Kinzhal nhìn rõ khối chóp nón cụt ở đuôi tên lửa, mục đích nhằm giảm lực cản xoáy khi bay với tốc độ siêu vượt âm.

Kinzhal không có cửa dẫn khí như những mô hình thử nghiệm siêu vượt âm khác, đầu đạn không có bánh lái điều khiển riêng; trên thân tên lửa không phân ra các tầng rõ rệt, tên lửa sử dụng một tầng nhiên liệu đẩy.

Đuôi tên lửa có bốn bánh lái điều khiển khí động học, thiết kế đối xứng hình chữ X. Bề mặt tên lửa hoàn toàn nhẵn, bánh lái được thiết kế với một đầu nhọn, như vậy có thể phán đoán nó có đặc tính tàng hình tương đối tốt.

Phần được sơn màu xám đen trên đỉnh đầu đạn là một chụp radar có đường kính khoảng 0,3 m, điều đó chứng tỏ tên lửa được dẫn đường bằng radar; phần đuôi lắp thêm chóp nón cụt nhằm giảm lực cản xoáy và tên lửa sử dụng công nghệ điều khiển khí động học tiên tiến.

Tại sao tên lửa diệt hạm Kinzhal của Nga là nguồn cơn đau đầu mới của tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp từ video cho thấy, tên lửa bay vẫn là một khối, không phân tách

Về phương thức bay tiến công, sau khi tên lửa được phóng khỏi máy bay, nó nhanh chóng ngóc lên ở giai đoạn tăng tốc, đạt đến điểm cao nhất của đường đạn và sau đó đi vào đoạn bổ nhào.

Sau khi đạt đến chiều cao và tốc độ nhất định, tên lửa vọt lên với sự quá tải lớn và tiếp tục cơ động, cuối cùng sẽ thực hiện tiến công lên đỉnh (nóc) mục tiêu tàu mặt nước với góc rơi lớn.

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở tên lửa Kinzhal đó là từ khi bắn đến khi chạm mục tiêu, đầu đạn của tên lửa không tách khỏi thân đạn.

Ưu điểm của việc không phân tách là ở giai đoạn hành trình cuối, tên lửa có thể lợi dụng bánh lái điều khiển ở phần đuôi tên lửa để thực hiện cơ động, chứ không cần thiết kế riêng một bánh lái điều khiển phức tạp trên đầu đạn; đồng thời cũng có thể tăng động năng va đập ở đoạn cuối, tăng hiệu quả xuyên thủng và sát thương.

Tại sao Kinzhal khiến chỉ huy hải quân Mỹ đau đầu?

Hiện lớp phòng thủ của biên đội tàu sân bay Hải quân Mỹ chủ lực là máy bay chiến đấu trên hạm F/A-18E/F. Nếu chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ đánh chặn trên không, khi không treo bình nhiên liệu phụ bên ngoài, bán kính tác chiến tối đa của nó chỉ hơn 1.000 km.

Nếu gắn thêm 6 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 và 3 thùng nhiên liệu phụ lớn, máy bay có thể bay tuần tra trong 2 giờ ở bán kính 300 km tính từ tàu sân bay.

Tính năng này hoàn toàn không thể ngăn chặn một cuộc tiến công kết hợp giữa máy bay Tu-22M3 và tên lửa Kinzhal. Ngay cả khi tiêm kích hạm hạng nặng F-14 vẫn còn trong biên chế, nó cũng bất lực khi đối mặt với loại tên lửa có tốc độ bay trên 6 lần tốc độ âm thanh, được phóng ở ngoài tầm 2.000 km.

Xét cho cùng, tên lửa Kinzhal là sản phẩm của thế kỷ mới, tốc độ tối đa đạt tới 10 Mach. Nếu tên lửa tiến công ở tốc độ 10 Mach, sẽ chỉ mất khoảng 11 phút để hoàn thành hành trình 2.000 km.

Tại sao tên lửa diệt hạm Kinzhal của Nga là nguồn cơn đau đầu mới của tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 3.

Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal tạo ra mối đe dọa không nhỏ với tàu sân bay Mỹ.

Lớp phòng thủ thứ hai của biên đội tàu sân bay Mỹ là các tàu hộ vệ trang bị tên lửa phòng không Standard-3 và Standard-6. Trong đó tên lửa Standard-3 có thể bảo vệ một khu vực rộng lớn, nhưng nó quá đắt để được trang bị với số lượng lớn. Còn tên lửa Standard-6 rẻ hơn, nhưng sử dụng công nghệ thấp hơn và khả năng đánh chặn cũng hạn chế hơn.

Tuy nhiên, do hai tên lửa này có thể tích quá lớn, nên mỗi tàu lớp Ticonderoga và lớp Arleigh Burke chỉ trang bị 16 quả.

Thông thường, hai tên lửa Standard-6 được phóng để đánh chặn một tên lửa chống hạm của đối phương, nhưng trong trường hợp tên lửa tập kích là tên lửa đường đạn của đối phương, cần phải sử dụng nhiều hơn ba quả tên lửa. Có thể tưởng tượng được áp lực lớn đến mức nào.

Khu vực phòng thủ cuối cùng là do tên lửa phòng thủ tầm ngắn RIM và hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx chịu trách nhiệm.

Đây là một trận đấu tay đôi, ở khu vực phòng thủ có bán kính vài ki-lô-mét cuối cùng này, thực sự không thể đối phó hiệu quả với tên lửa có tốc độ bay gấp 10 lần tốc độ âm thanh (10 Mach). Bởi vì, khi mà radar điều khiển hỏa lực chưa khóa được mục tiêu, thì tên lửa Kinzhal chỉ mất vài giây để bay qua vài ki-lô-mét cuối cùng.

Cuối cùng chính là lớp phòng ngự cứng của chính tàu sân bay. Thân tàu được chế tạo bằng các tấm thép cường độ cao, nhưng khi đối mặt với một đầu đạn bán xuyên giáp có trọng lượng hơn 300 kg, thì ngay cả đối với thiết giáp hạm thời Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng sẽ bị xuyên thủng, thậm chí bị cắt làm hai.

Hơn nữa, uy lực của khối thuốc nổ hiện đại không còn là uy lực của khối thuốc nổ 70 năm trước.

Thông thường, uy lực của khối thuốc nổ dùng cho một đầu đạn có trọng lượng như vậy đủ để dễ dàng cắt một tàu chiến 10.000 tấn với chiều rộng khoảng 25 mét thành hai mảnh.

Chỉ một quả tên lửa có thể đánh chìm hoặc gây trọng thương một tàu sân bay lớp 40.000 tấn hoặc tàu đổ bộ tiến công.

Đối với tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz 100.000 tấn, mặc dù một quả tên lửa kể trên sẽ không thể đánh chìm, nhưng cũng khiến nó bị mất sức chiến đấu, đây là điều không có gì phải nghi ngờ.

Điều khiến Hải quân Mỹ đau đầu nhất là, Nga đang có kế hoạch hiện đại hóa hơn 100 chiếc Tu-22M3 còn tương đối mới, dùng để trang bị tên lửa Kinzhal; kế hoạch mỗi năm cải tiến từ 20 đến 25 máy bay.

Lô Tu-22M3 đầu tiên đã bắt đầu lắp tên lửa Kinzhal và thực hiện một số lượng lớn các thử nghiệm. Tên lửa Kinzhal nặng 4 tấn, nhẹ hơn tên lửa chống hạm hạng nặng Kh-22.

Do đó, Tu- 22M3 có thể lắp tới bốn quả một lần, khi được nạp đầy đủ nhiên liệu, bán kính tác chiến tối đa của nó có thể đạt tới 2.000 km. Với tầm bắn lên tới 2.000 km của tên lửa Kinzhal, Nga đã thành công trong việc đẩy tuyến phòng thủ của mình ra xa tối thiểu 4.000 km.

Rõ ràng, Nga tiếp tục áp dụng phương thức tiến công kiểu "bầy sói" dưới thời Liên Xô. Nếu mỗi chiếc Tu-22M3 được trang bị 4 tên lửa Kinzhal, mỗi lần xuất kích khoảng 20 máy bay, mang được khoảng 80 tên lửa Kinzhal, sẽ khá dễ dàng để đối phó với một biên đội có hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại