Chiến trường Syria hiện là bãi thử nghiệm lớn đối với Quân đội Nga. Rất nhiều vũ khí, khí tài quân sự hiện đại bậc nhất của Nga đã được thử lửa và nâng cấp tại đây. Tuy nhiên, tới tận thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa mang "đồ gia bảo" là máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31 Foxhound (Chó săn cáo) tới tham chiến tại Syria. Điều này chắc chắn là có nguyên do.
Sinh ra để làm việc "nặng"
Bảo vệ lãnh thổ rộng lớn và thực hiện nhiệm vụ chiến thuật-chiến lược ngăn chặn máy bay ném bom, cảnh báo sớm tầm xa của đối phương chính là nhiệm vụ của máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31 Foxhound.
Xét về mặt kỹ thuật, thiết kế và trang bị của Mig-31 cũng được tối ưu cho nhiệm vụ nói trên và đặc trưng đơn nhiệm phù hợp tới chiến tranh tổng lực.
Động cơ phản lực hạng nặng giúp máy bay đạt tốc bay tối đa tới Mach 2,35, tầm hoạt động đạt tới 3.300km và thiết kế khí động dạng cánh delta giúp có thể bay siêu âm ở độ cao lớn. Thực tế, khi hoạt động ở độ cao trên 10km, hiếm máy bay chiến đấu nào có tốc độ bay vượt qua được Mig-31.
Tiêm kích MiG-31. Ảnh minh họa.
Để "săn mồi", Mig-31 được trang bị hệ thống radar hàng không mảng pha thụ động kích thước lớn Zaslon S-800 giúp phát hiện các mục tiêu bay cỡ lớn như máy bay ném bom ở khoảng cách 400km và máy bay chiến thuật ở cự ly 200km. Radar này có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu bằng tên lửa không đối không tầm xa.
Thiết kế nặng nề của Mig-31 phù hợp với chiến thuật: Nhìn thấy trước, tăng tốc tiếp cận, bắn hạ và thoát ly. Với các đối thủ chậm chạp như máy bay ném bom, cảnh báo sớm hay tiếp liệu trên không, Mig-31 thực sự là "sát thần".
Tuy nhiên, kích thước đồ sộ, cơ cấu khí động cánh dạng delta làm Mig-31 không phù hợp với không chiến quần vòng vốn cần khả năng linh hoạt của máy bay ở tốc độ thấp.
Dù gần đây, Nga đã giới thiệu các gói nâng cấp mới dành cho Mig-31 tăng cường khả năng đa nhiệm của máy bay. Tuy nhiên, rõ ràng "chó săn cáo" vẫn phù hợp với nhiệm vụ chính của mình là tiêm kích hạng nặng, săn đuổi các mục tiêu chiến lược của đối phương trên không hơn là hoán cải sang đa nhiệm.
Tiêm kích MiG-31. Ảnh minh họa.
Lý do không có mặt tại Syria
Về mặt thiết kế và thực hiện nhiệm vụ, Mig-31 không phù hợp với chiến trường Syria. Nhiệm vụ này phù hợp hơn với các máy bay tiêm kích chiến thuật đa nhiệm Su-30SM và Su-35S.
Không giống như Nga, lãnh thổ của Syria nhỏ hẹp hơn nhiều, lại có nhiều giới hạn về không phận với các quốc gia láng giềng do đang trong tình trạng chiến tranh. Các nhiệm vụ hộ tống máy bay cường kích, kiểm soát không phận tại Syria hoàn toàn có thể sử dụng các máy bay Sukhoi đa nhiệm mới với chi phí và hiệu quả tác chiến linh hoạt cao hơn.
Mặt khác, Syria đang đóng vai trò là bãi thử nghiệm, nơi quảng cáo vũ khí mới của Nga. Máy bay Mig-31 không còn nằm trong danh sách này và nó nên nhường vị trí cho những dòng vũ khí mới hơn, cần được thử lửa chiến trường hơn.
Điều này đã được chứng minh rõ ràng trong thực tế. Sau khi tham chiến ở Syria, hàng loạt khí tài quân sự của Nga, trong đó có xe tăng T-90, máy bay Su-35S, Su-30SM đang được nhiều quốc gia trên thế giới để mặt vì hiệu quả chiến đấu và bảo vệ tuyệt vời. Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch thay thế máy bay Mig-31 bằng máy bay tiêm kích hạng nặng mới.
Tiêm kích Su-35 Nga ở Syria.
Một điểm khác cần chú ý tới là hầu hết máy bay Mig-31 hiện có của Không quân Nga đều là máy bay cũ. Việc tham chiến tại Syria sẽ buộc các máy bay này chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ. Điều này ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, dù công tác kỹ thuật có được chuẩn bị kỹ tới đâu đi chăng nữa.
Ngoài các yếu tố trên, những nguy cơ đụng độ trên không phận Syria chưa căng thẳng tới mức Nga phải triển khai máy bay tiêm kích đánh chặn chuyên nghiệp như Mig-31 để ngăn ngừa.
Với những lý do trên, rõ ràng việc đưa Mig-31 tới Syria không khác gì "giết gà dùng dao mổ trâu".
MiG-31BM Nga phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 40km