Tại sao nhóm học giả Trung Quốc "cài cắm" ở Washington lại thất bại?

Tuệ Minh |

Trung Quốc đã và vẫn đang cố gắng để “lấy lòng” Mỹ, tuy nhiên nước này gần như thất bại hoàn toàn trong việc thu hút sự ủng hộ của Washington về vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh còn thiết lập một viện nghiên cứu tại Mỹ song chẳng ai chú ý đến tổ chức này.

Mặc dù Bắc Kinh chiếm một vị trí quan trọng và gây tranh cãi trong vụ tranh chấp trên Biển Đông, song Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Hoa Kỳ (ICAS), tổ chức tập hợp các chuyên gia Trung Quốc duy nhất có trụ sở tại Washington D.C, vẫn không thể thoát khỏi tình trạng tối tăm, ít được biết đến của mình.

Khi tìm kiếm trên trang Google, tổ chức này xuất hiện ở trang thứ ba, đứng sau Viện Kiểm toán Scotland, Hội đồng trình diễn hàng không quốc tế và Cộng đồng Inupiat Bắc Cực, một bộ tộc ở Alaska. Trang twitter của ICAS chỉ có 46 người theo đuôi.

ICAS gần như không được mấy ai biết đến ngoại trừ một số ít các nhà quan sát Trung Quốc trong giới chuyên gia, học giả Mỹ.

Thậm chí cả ông Patrick Ho, người điều hành Qũy Năng lượng Trung Quốc, một trong các chuyên gia Đại lục hoạt động tích cực ở Mỹ, cũng chưa bao giờ nghe đến ICAS.

“Tôi không biết liệu họ có danh tiếng gì không, có vẻ như những vị học giả này có tiểu sử không mấy nổi bật”, Bonnie Glaser, học giả Biển Đông, nhận xét.

Vào ngày 12/7 sắp tới, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA), một tòa án quốc tế có ảnh hưởng tại Hague, sẽ tuyên bố phán quyết cuối cùng của mình về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối công nhận phán quyết của PCA.

Thay vào đó, từ hơn một năm nay, nước này đã bắt đầu một cuộc chiến PR tại Washington, cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp tại đây rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là có cơ sở.

Bắc Kinh tin rằng việc “giáo dục” cho người Mỹ về Trung Quốc sẽ cải thiện được những hiểu lầm, đồng thời nâng tầm của Bắc Kinh trên trường quốc tế. ICAS, thành lập tháng 4/2015, là một phần trong chiến lược này.

“Nhiệm vụ của tôi là gửi một thông điệp rõ ràng về những tuyên bố và chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông”, bà Hong Nong, tiến sĩ ở ĐH Alberta (Canada), giám đốc ICAS, cho biết.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thành công trong việc xây dựng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với tuyên bố về Biển Đông của mình. Một lý do là sự yếu thế của nước này trong vụ kiện pháp lý.

Hầu hết các chuyên gia, ít nhất là những chuyên gia bên ngoài Trung Quốc, đều đồng ý rằng PCA sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Julian Ku, giáo sư luật hiến pháp ĐH Hosftra, nhận định: “Việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa án không chỉ là một sai lầm, mà còn là việc không thể chấp nhận được về mặt pháp lý”.

Một lý do khác là việc Bắc Kinh đã không hiểu được cơ chế hoạt động của các tổ chức tại Mỹ cũng như ý kiến của công chúng Hoa Kỳ.

Ngay khi Bắc Kinh chỉ trích thái độ của Washington thì nước này mới đi tìm hiểu về các thể chế và hệ thống truyền thông của Hoa Kỳ, song mọi việc dường như đã muộn.

Và đó chính là trường hợp của ICAS, một tổ chức vốn tồn tại để thu hút sự chú ý, gây ảnh hưởng lên các nhà lập pháp và tham gia đối thoại với Washington, lại có quá ít tác động lên vấn đề này.

Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), không cho rằng các học giả của ICAS là gián điệp.

“Tất nhiên mọi người sẽ nghi ngờ rằng họ đang đóng vai trò tình báo ở đây. Nhưng thực ra họ cũng không hiếu chiến đến vậy”, bà nói.

Thay vào đó, hầu hết các chuyên gia, các nhà quan sát cho rằng vấn đề của ICAS ở đây là tính không hiệu quả.

Nói một cách khác, ICAS không làm những việc mà một viện nghiên cứu cần phải làm, đó là tổ chức các sự kiện lớn với sự tham gia của những học giả tên tuổi, các chính trị gia nổi tiếng, xuất bản những nghiên cứu có tính ảnh hưởng, cũng như thách thức và cải thiện chính sách của chính phủ.

Từ khi thành lập đến nay, ICAS hiếm khi đưa ra một văn bản nào cũng như không tổ chức được một sự kiện lớn nào.

Jim McGann, nhà sáng lập Tổ chức học giả và Chương trình xã hội dân sự, ĐH Pennsylvania, cho rằng ICAS dường như “không được đầu tư nhiều và không được chú ý đúng mức”.

Thậm chí, cả những người ủng hộ ý tưởng về ICAS cũng phải “ngạc nhiên” về kết quả của tổ chức này.

“Tôi khá là ngạc nhiên trước cách thức hoạt động của ICAS. Tôi tưởng rằng đây là một lực lượng mà tôi nên hợp tác nhưng dường như nó đã đi chệch hướng”, một chuyên gia về Biển Đông tại Mỹ nhận xét.

Tầm quan trọng của lực lượng chuyên gia trong đời sống trí thức ở Washington đã trở thành một hiện tượng thời gian gần đây, mặc dù khái niệm này đã ra đời từ cuối thế kỷ 19.

Hàng loạt định nghĩa liên quan đến học giả, chuyên gia có thể được tìm thấy trong các cuốn tiểu thuyết, các mẩu quảng cáo, các bài báo từ những năm 1880 cho đến khoảng năm 1960.

Song phải đến bốn hay 5 thập kỷ trở lại đây, các viện nghiên cứu như Brookings, Qũy hòa bình quốc tế Carnegie hay Tập đoàn RAND mới trỗi dậy và trở thành “một công cụ hàng đầu liên kết với giới trí thức và chính trị trong đời sống người dân Mỹ”.

Ở Trung Quốc, từ năm 1949, khi Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giới học giả nước này mới chuyển đổi từ các viện nghiên cứu mang phong cách Xô Viết sang một thể chế kết hợp giữa nhà nước và bán tư nhân như ngày nay.

Sự khác biệt chính giữa giới chuyên gia Mỹ và Trung Quốc là vấn đề độc lập: Do học giả Trung Quốc có sự kết nối chặt chẽ với chính phủ, vì vậy họ bị hạn chế trong việc nói ra chính kiến của mình.

Trên trang web của ICAS, và cả tư cách cá nhân, bà Hong miêu tả mình là một học giả độc lập. Tuy nhiên, sự thật không hẳn như vậy.

Bà Hong phải tìm cách điều chỉnh các vấn đề học búa, làm thế nào để ca ngợi sự tự do trong khi vẫn trung thành với chính quyền Bắc Kinh nhạy cảm, làm thế nào để giữ sự độc lập tri thức trong khi vẫn kết nối với các nhà lập pháp Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, giám đốc ICAS đã dùng một từ “mới” để miêu tả tổ chức của mình, đó là “tự kiểm duyệt”.

Khi được hỏi về những lĩnh vực nhạy cảm như mức độ kiểm soát của ông Tập đối với quân đội Trung Quốc, bà Hong cho biết tổ chức của mình sẽ tránh đề cập đến, bởi đó là vấn đề “không an toàn”.

Tuy nhiên, bà Hong cũng khá cởi mở, ví dụ như, bà sẵn sàng thảo luận về việc tự kiểm duyệt, một điều hiếm thấy trong giới học giả Trung Quốc.

“Bà ấy có thể chỉ trích Trung Quốc và có ý kiến của riêng mình. Bà ấy không quá giáo điều như một số chuyên gia Trung Quốc khác. Song đôi tay của bà Hong lại bị trói chặt, cả về mặt kiến thức và tài chính”, chuyên gia Glaser nhận xét.

Ngân sách của ICAS do tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, Viện nghiên cứu quốc gia Biển Đông (NISCSS), tài trợ. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, quỹ này khi xuống tới ICAS thì không còn bao nhiêu.

Bà Hong ước tính ngân sách mỗi năm của ICAS chỉ khoảng 800.000 USD, một con số mà các tổ chức học giả khác cho là quá thấp. “Đôi khi chi phí cho các cuộc hội thảo rất đắt đỏ”, bà Hong phàn nàn.

Và khi đề cập đến các cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông, ICAS vẫn chưa thể tìm ra phương thức hiệu quả giữa những ý kiến độc lập cũng như những thông tin bị hạn chế.

Rốt cuộc, chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh tại Washington cho đến giờ đã thể hiện rõ sự thất bại và những tổ chức như ICAS vẫn chưa thoát khỏi vị trí “bù nhìn” trên đất Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại