Tại sao người ta lại nghiện cờ bạc một cách đáng sợ như vậy?

Trang Ly |

Ngay cả đến khi thua trắng tay, những "con nghiện cờ bạc" vẫn khát khao "đốt mình" vào những sới bạc bất kể ngày đêm. Vì sao vậy?

Trong bài báo tựa đề "Why gamblers get high even when they lose", cây viết Chris Baraniuk đi thẳng vào vấn đề: Nếu bạn cho rằng, cảm giác chiến thắng là "chất gây nghiện" của mọi con bạc thì bạn đã lầm. Ngay cả khi đã thua trắng tay, các con nghiện cờ bạc càng trở nên hào hứng hơn." - Vì sao vậy?

Mark Griffiths, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về hành vi nghiện ngập ở con người, thuộc trường Đại học Nottingham Trent (Anh) nhận định: "Ngay cả khi để thua trắng tay, những "con nghiện cờ bạc" vẫn khát khao "đốt mình" vào những sới bạc bất kể ngày đêm, bởi cơ thể họ khi ấy vẫn tiếp tục sản sinh loại hoóc-môn adrenalin có tác dụng kích thích hệ giao cảm và chất dẫn truyền thần kinh endorphins có khả năng giảm lo âu, tạo hưng phấn."

Sau cuộc khảo sát trên 5.500 con bạc, Mark Griffiths đưa ra kết luận: "Đối với mọi con bạc chơi trò đỏ đen, cảm giác chiến thắng và hốt đống tiền quả thực rất quan trọng, tuy nhiên, cái thứ gây nghiện cho con người ta chính là "vì nó thú vị"!, "

Vậy, tại sao nó lại thú vị? Tại sao cờ bạc, trò đỏ đen lại trở thành "chất gây nghiện" còn đáng sợ hơn sự được-mất, hơn-thua? Hay xem các nhà khoa học nói gì.

Lý giải dưới góc độ khoa học

Để lý giải vì sao một người có thể nghiện cờ bạc nặng, ta phải hiểu, quá trình gì đã xảy ra bên trong NÃO BỘ của họ.

Thảng hoặc, trong các cuộc tụ tập bạn bè, người thân, người ta tổ chức chơi vài ván bài "có mức độ" chỉ để vui vẻ, tạo cảm giác gần gũi, thậm chí chỉ để "giết thời gian" cùng nhau.

Tuy nhiên, đối với một số người, đánh bạc mang đến cảm giác thích thú, tuyệt vời giống như nghiện ăn, nghiện uống (rượu) và nghiện shoping... vậy. Và khi cái cảm giác "tốt đẹp, tuyệt vời" ấy được tăng lên hàng ngày, hàng tháng, thì sự thỏa mãn tinh thần dần trở thành sự phụ thuộc tinh thần.

Quá trình này xảy đến như thế nào?

Trong não bộ chúng ta có một loạt các mạch gọi là hệ thống khen thưởng. Chúng liên kết với các vùng khác nhau trong não, đặc biệt là các vùng trung tâm thú vị và tạo hưng phấn.

Và cái cảm giác khen thưởng/thích thú (nhận từ việc được người khác khen ngợi, từ quan hệ tình dục, hoàn thành nhiệm vụ và chiến thắng một trò chơi...) khiến bộ não phải gửi tín hiệu đó đến cơ thể thông qua chất dẫn truyền thần kinh dopamine, giúp chúng ta cảm nhận cảm giác hưng phấn, cảm thấy có động lực và cảm hứng tột độ (để tiếp tục làm việc gì đó).

Não bộ khi đó đã hình thành nên loại phản xạ đòi hỏi đôi tay phải chơi nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa để não bộ có cơ hội kích thích hệ thống tự khen thưởng của nó.

VẬY, đó chính là lý do giải thích vì sao một người cứ bị cuốn mãi vào cờ bạc. Bất kể ngày đêm, bất kể những hệ lụy sức khỏe và tài chính, họ "đốt mình" mãi trong các sới bạc chỉ để mong nhận được cảm giác khoan khoái, thích thú từ sâu bên trong.

Tại sao người ta lại nghiện cờ bạc một cách đáng sợ như vậy? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học cảnh báo, một khi đã đạt đến mức độ này (tức là lúc não bộ đòi hỏi kích thích hệ thống tự khen thưởng), các dây thần kinh trong não bị "biến dạng" đến mức làm thay đổi đáng kể cách thức não truyền gửi thông điệp hóa học. Để trở lại bình thường, người chơi buộc phải "cai nghiện" vài tháng, thậm chí là hàng năm trời.

Lý giải dưới góc độ tâm lý

Website Whatispsychology đã thống kê ra 4 nguyên nhân khiến một người nghiện cờ bạc nặng dưới góc độ tâm lý:

1. Mộng tưởng trên "núi tiền" của người khác

Một ngày, bất chợt họ đọc được bản tin một người trúng vé số với mức tiền khổng lồ mà cả đời họ mơ cũng không thể có, họ lập tức bị chú ý. Cái cảm giác "ngồi trên đống tiền từ trên trời rơi xuống" cứ xoáy sâu vào tâm trí họ, và họ nghĩ đến trò đỏ đen.

Họ đánh giá, mình cũng có thể nhận được cơ hội trời cho ấy nếu thử. Và rồi lao vào cờ bạc như con thiêu thân, không có điểm dừng.

2. Nghịch lý "Càng thua - Càng muốn thắng"

Cờ bạc là cảm giác không chịu thừa nhận và khuất phục với những tay nghiện đỏ đen nặng. Với họ, thua một ván bài chưa nhằm nhò gì. Họ quyết tâm gỡ gạc, càng thua càng gỡ gạc.

Các tay nghiền cờ bạc luôn tâm niệm, thắng thua là chuyện đương nhiên phải có của cờ bạc. Nếu không chịu thua "ít" thì sao có thắng "nhiều". Cứ thế, với kiểu tâm lý không chịu thua bằng mọi giá, họ càng lao vào các sới bạc, vét sạch tiền của, tài sản để ăn thua. Rồi đến khi trắng tay, bệnh tật, họ lại tự huyễn hoặc bản thân bằng một hứa sẽ chơi một ván lớn cuối cùng để thu cả vỗn lẫn lãi.

Nhưng, vòng tròn nghiện ngập cứ thế xoay vần, không thấy điểm dừng.

3. Ảo giác kiểm soát

Nhiều tay nghiện cờ bạc thường "ru mình" bằng một loại ảo tưởng mang tên kiểm soát. Họ nghĩ rằng, những lần "ném tiền" đầu tiên cho đối thủ "ăn" chỉ là "nghi thức" trước các ván đấu, và giả định rằng, điều này càng mở ra những cơ hội chiến thắng cho họ về sau.

Họ nghĩ mình giống như các nhà đầu tư để duy trì niềm tin rằng càng đầu tư thì kết quả càng mĩ mãn, ảo tưởng kiểm soát này tạo động lực cho các tay bạc lao vào không ngừng.

Tại sao người ta lại nghiện cờ bạc một cách đáng sợ như vậy? - Ảnh 4.

4. Nghịch lý Thua - Lỗ

Các nhà nghiên cứu tâm lý cho biết, người chơi thường có xu hướng "nhạy cảm" với khoản thua lỗ hơn so với khoản tiền thắng được, mặc dù chúng có giá trị như nhau. Hiểu một cách đơn giản, nỗi đau mà một cá nhân cảm thấy khi mất 100 đô la có thể lớn hơn niềm vui mà anh ta có được khi thắng 100 đô la đó.

Chính vì thế, sau khi thua một khoản, quyết tâm gỡ gạc lại bằng số tiền đã mất, thậm chí, ảo tưởng thu được nhiều tiền hơn thế, cứ thôi thúc họ trong các canh bạc.

Cho đến khi, những ván bạc khiến họ khánh kiệt, họ vẫn nuối hy vọng chơi những ván tiếp theo để gỡ lại những đồng tiền còm cõi. Họ không chấp nhận thua trắng tay!

Nghiện cờ bạc là hiện tượng không chỉ thuộc về cảm xúc của con người, nó còn được xét dưới tốc độ tâm lý, thậm chí, là có tính di truyền. Hệ quả dễ nhìn thấy nhất của thói nghiện cờ bạc là gây những hậu quả nặng nề về tài chính, tác động mạnh đến sức khỏe và tâm lý người nghiện cờ bạc, phá hủy các mối quan hệ của người chơi, thậm chí, cả sự nghiệp và cuộc sống của họ.

Thay vì ảo tưởng trên "núi tiền" của người khác, có lẽ nên tỉnh táo để biết được đâu mới là niềm hạnh phúc bền lâu của một con người.

Bài viết sử dụng các nguồn: BBC, Whatispsychology, Highspeedtraining

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại