Ông bà ta thường bảo: "Cờ bạc là bác thằng bần". Câu nói đó quả không sai, bởi đã có rất nhiều trường hợp dính vào con đường này bị tán gia bại sản, gia đình ly tán, "kiếp sống không nhà không người thân".
Hokage cũng nghiện cờ bạc như ai!
Biết là hại thế, nhưng đâu phải muốn dứt ra là dứt được. Gần đây, một nghiên cứu ở Anh Quốc đã đào sâu vào nguyên nhân vì sao nhiều người lại nghiện cờ bạc, và từ đó giúp chúng ta có những giải pháp triệt để giải quyết vấn đề này.
Nhóm đã xử lý số liệu từ một cuộc điều tra toàn quốc trên 3.025 người đàn ông Anh Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 64. Trong đó, 5% hiện đang gặp vấn đề về bài bạc và 7% thì... nghiện "kinh niên".
Kết quả cho thấy, khả năng những người này có một tuổi thơ quá nặng nề lớn hơn gấp 2 lần so với người thường.
Cụ thể, họ đã từng chứng kiến bạo hành gia đình, có tuổi thơ bị tổn thương về thể chất hoặc bị bắt nạt trong tuổi đang lớn. Họ cũng có khả năng cao gấp 3 lần phải chịu những chấn thương nguy kịch đến tính mạng khi còn nhỏ.
Bóng ma bạo hành tuổi thơ vẫn "ám" họ đến khi trưởng thành
"Cờ bạc từ lâu đã được coi là một công cụ giúp mọi người đối phó với căng thẳng, đặc biệt là phụ nữ." – theo tác giả nghiên cứu Jason Landon thuộc ĐH Kỹ thuật Auckland, New Zealand – "Thông thường mọi người sẽ cho rằng đàn ông chơi bài để cho vui, hoặc để chiến thắng, còn phụ nữ chọn nó như một cách trốn thoát thực tại".
Các nhà tâm lý học đã phân tích câu trả lời của những người tham gia cuộc điều tra, về lý do có khả năng khiến họ máu me cờ bạc đến vậy.
Kết quả cho thấy, 1 trong 4 "con bạc cưỡng chế" (nghĩa là họ nghiện và sẽ chơi dù tâm trạng có tốt hay xấu và thắng hay thua) đã từng chứng kiến bạo lực gia đình khi còn nhỏ. Tổng số những người như vậy trong cuộc điều tra chiếm 23%.
Có 10% người nghiện cờ bạc nặng từng phải chịu bạo hành về thể chất và tinh thần khi còn nhỏ.
Tuy rằng, lượng dữ liệu trong nghiên cứu vẫn còn khá hạn chế, nhưng nó cũng góp phần cho thấy có mối liên hệ giữa căng thẳng trong cuộc sống với những chứng nghiện bài bạc.
Theo Julia Poole, một nhà nghiên cứu tại ĐH Calgary, Canada, cho biết: Chúng ta không thể kết luận rằng những ai có tuổi thơ bất hạnh khi lớn lên sẽ thành một con nghiện cờ bạc. Khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, hành vi nhận thức và thay đổi hành vi của một người cũng ảnh hưởng rất nhiều.
"Điều này có nghĩa là việc điều chỉnh cảm xúc có thể sẽ giúp họ có chiến lược đối phó một cách hiệu quả với tình trạng của mình, và dần "cai nghiện" hẳn." - Poole nói.
Nguồn: HuffingtonPost