Giờ đây, smartphone đã trở nên quá phổ biến trong xã hội hiện đại, đến mức một đứa trẻ 10 tuổi hoặc ít hơn cũng có thể sở hữu một chiếc smartphone rồi. Chỉ có điều kèm theo đó, sự phụ thuộc vào smartphone cũng ngày càng lớn hơn.
Khi trở nên quá phụ thuộc, người ta gọi đó là nghiện. Và theo như một nghiên cứu mới đây, việc nghiện smartphone có thể gây tác động nghiêm trọng đến não bộ của những người đang trong độ tuổi vị thành niên. Nó khiến các em dễ dàng mắc phải các hội chứng tâm lý, bao gồm trầm cảm và rối loạn lo âu.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Hàn Quốc (Seoul) đã thực hiện một thử nghiệm trên 19 đối tượng dành phần lớn thời gian trong ngày để sử dụng smartphone và internet.
Kết quả cho thấy, việc dùng điện thoại quá lâu thực sự có hại cho não bộ, gây mất cân bằng hóa chất trong não, khiến con người ta bị rối loạn tâm lý.
Phương pháp được sử dụng được gọi là MRS - kỹ thuật quét não. Giáo sư Hyung Suk Seo - tác giả của nghiên cứu đã phải tính toán nồng độ acid gamma aminobutyric (GABA) - một dạng hóa chất làm chậm các tín hiệu trong não bộ. Toàn bộ quá trình diễn ra trong 9 tuần.
Kết quả, tỉ lệ giữa GABA và các loại chất truyền dẫn quan trọng khác (như creatine và glutamate - hay Glx) trở nên vượt trội ở những người nghiện internet và smartphone. Điều này chứng tỏ, smartphone gây ảnh hưởng lớn đến cách não bộ hoạt động.
Các nghiên cứu trước kia đã từng chỉ ra rằng GABA gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, khả năng vận động và rất nhiều chức năng khác của não. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy smartphone có thể làm giảm năng suất lao động của con người.
Và giờ đây, nó còn gây ra căng thẳng, lo âu, thậm chí là trầm cảm và các loại rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn.
Theo giáo sư, kết quả nghiên cứu cho thấy các bậc phụ huynh cần có chế độ kiểm soát tần suất sử dụng smartphone hợp lý và khoa học hơn cho con cái. Đặc biệt, không nên cho trẻ sử dụng smartphone khi còn quá nhỏ.
Nguồn: Daily Mail, Independent