Tại sao Mỹ không muốn Ấn Độ sở hữu S-400 Triumph?

TUẤN SƠN (tổng hợp) |

Thỏa thuận cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumph giữa Nga và Ấn Độ đang đi tới hồi chung kết. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang viện nhiều lý do khác nhau để cố gắng phá vỡ hợp đồng tỷ đô này giữa hai bên.

Washington có lý do để không muốn New Delhi không sở hữu S-400. Vì điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi địa chính trị và công nghiệp quốc phòng Mỹ tại Nam Á.

Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ quân sự Mỹ, Mac Thornberry từng khẳng định: "Cả chính quyền Washington và giới lập pháp Mỹ đều quan tâm tới tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. Không chỉ có Ấn Độ, mà bất kỳ quốc gia nào đặt mua S-400 đều ảnh hưởng tới chiến lược quân sự toàn cầu Mỹ."

Giới lập pháp Mỹ viện tới lý do các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và việc Ấn Độ đặt mua S-400 có thể vi phạm các quy định đó. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ. New Delhi không phải là thành viên NATO, không phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí hiện đại từ Mỹ, đặc biệt là F-35.

Rõ ràng, Mỹ không có quyền và không có khả năng để ngăn cản việc Ấn Độ sở hữu S-400. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược quốc phòng của Mỹ tại Nam Á.

S-400 là tín hiệu củng cố hợp tác Nga-Ấn trong lĩnh vực quốc phòng

"S-400 có thể là coi là vũ khí cấp chiến thuật hiếm hoi mang tính năng và ảnh hưởng của vũ khí cấp chiến lược. Chính vì thế, việc Ấn Độ đặt mua S-400 sẽ khiến quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga thêm thắt chặt.

Trong lịch sử quân sự thế giới, đã ghi nhận trường hợp Quân đội Liên bang Nam tư sử dụng tổ hợp tên lửa S-125 có tuổi đời hàng thập kỷ bắn rơi máy bay tàng hình của Mỹ. Đối với Ấn Độ, S-400 có thể là xương sống của hệ thống phòng không trong nhiều thập kỷ tới.

Rõ ràng, S-400 sẽ là rào cản khiến các loại vũ khí phòng không Mỹ không thể tiếp cận thị trường Ấn Độ", nhà phân tích quân sự quốc tế, Rakesh Krishnan Simha đánh giá.

Tại sao Mỹ không muốn Ấn Độ sở hữu S-400 Triumph? - Ảnh 1.

Việc Ấn Độ chọn mua các vũ khí phòng thủ cốt lõi từ Nga sẽ giúp củng cố hợp tác quốc phòng song phương. Ảnh: Binh sĩ Ấn Độ, Nga, Angola tại hội thi Army games-2015.

Một vấn đề khác nữa là việc Ấn Độ đặt mua S-400 có thể tạo ra hiệu ứng domino tới một loạt quốc gia khác. Điều này là tiền đề tạo ra thêm các hợp đồng hàng tỷ USD cho Nga.

"Việc Ấn Độ mua S-400 có thể tạo ra làn sóng đặt mua dòng vũ khí phòng thủ hiện đại này tại nhiều quốc gia. Làn sóng này ảnh hưởng tới cả các quốc gia có truyền thống hợp tác với Mỹ như Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Rakesh Krishnan Simha nhận định.

Với truyền thống là "khách hàng khó tính, nhưng trung thành", việc Ấn Độ sở hữu S-400 sẽ kéo theo hàng loạt hợp đồng hậu cần, bảo dưỡng và nâng cấp cho Nga trong nhiều thập niên tới.

Vũ khí ảnh hưởng đến thế cục ở Nam Á

Việc Ấn Độ sở hữu S-400 sẽ tạo ảnh hưởng lớn nhất tới quốc gia láng giềng là Pakistan và cán cân quân sự tại Nam Á. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Pakistan.

Tại sao Mỹ không muốn Ấn Độ sở hữu S-400 Triumph? - Ảnh 2.
Tại sao Mỹ không muốn Ấn Độ sở hữu S-400 Triumph? - Ảnh 3.

Tính năng vượt trội của S-400 khiến nó không còn là vũ khí phòng thủ, mà có nhiều đặc điểm của vũ khí tấn công.

"Dù là vũ khí phòng thủ nhưng tính năng chiến đấu vượt trội của S-400 biến nó thành dòng vũ khí có khả năng tấn công. Với S-400, Ấn Độ có thể thiết lập các khu vực nhận diện phòng không hay phòng thủ bao trùm cả không phận Pakistan và nhiều quốc gia khác.

Điều này rõ ràng tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới các đơn vị Không quân Pakistan và khả năng chiến đấu của quốc gia Nam Á này. Chỉ cần 3 tiểu đoàn S-400, Ấn Độ có thể bao quát gần như toàn bộ lãnh thổ Pakistan, trừ bang cực tây Balochistan", chuyên gia Rakesh Krishnan Simha cho biết.

Islamabad sẽ phản ứng ra sao khi "cuộc chơi" đã nằm trong tay Ấn Độ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Mỹ-Pakistan, khi Islamabad từ trước tới nay vẫn muốn dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để cân bằng cán cân quân sự với Ấn Độ.

"Mỹ rõ ràng không muốn Ấn Độ nắm sức mạnh vượt trội ở Nam Á. Dù quan hệ giữa hai bên đang rất nồng ấm, nhưng về lâu dài, Washington đánh giá New Delhi sẽ là đối thủ kinh tế của Mỹ ở quy mô toàn cầu", chuyên gia quân sự Nga Ekaterina Blinova đánh giá.

Với S-400, Ấn Độ sở hữu vũ khí chống công nghệ tàng hình

"Trên thế giới hiện nay, tổ hợp S-400 được xếp vào danh sách vũ khí có khả năng phát hiện và ngăn chặn được các phương tiện bay được trang bị công nghệ tàng hình.

Như vậy, việc S-400 được phổ biến trên toàn cầu sẽ làm bộc lộ các điểm yếu chết người của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Mỹ", chuyên gia Rakesh Krishnan Simha nhấn mạnh.

Các chuyên gia quân sự cùng chung nhận định, một trong yếu tố làm nên sức hút của S-400 chính là khả năng chống lại vật thể bay áp dụng công nghệ tàng hình. Ngoài ra, tổ hợp vũ khí phòng không Nga cũng có ưu thế về giá thành và không ràng buộc các yếu tố chính trị.

Tại sao Mỹ không muốn Ấn Độ sở hữu S-400 Triumph? - Ảnh 4.

S-400 có đủ khả năng khiến F-35 của Mỹ phải lộ mình và mất đi ưu thế của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5.

"Các máy bay chiến đấu tân tiến nhất của Mỹ đang gây làn sóng tranh luận trong cộng đồng chuyên gia quân sự quốc tế vì quá nhiều vấn đề như: Thiếu sức mạnh, vũ trang ít ỏi và quan trọng hơn là không có khả năng tàng hình hoàn toàn trước vũ khí của đối phương.

Nếu S-400 được trang bị đại trà, nó sẽ làm bộc lộ những điểm yếu của máy bay F-35 vốn được kỳ vọng thay thế hoàn toàn các dòng máy bay chiến đấu hiện có của Quân đội Mỹ", chuyên gia Ekaterina Blinova đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại