Để nghiên cứu vấn đề này, các nhà khoa học đã phân tích số liệu của hơn 730.000 người tham gia quân đội Na Uy từ năm 1970 đến 2009. Các số liệu này được thu thập vì khi vào quân đội, những người lính tương lai phải trải qua một cuộc kiểm tra tiêu chuẩn về trí thông minh.
Theo nghiên cứu này, những thanh niên sinh ra năm 1991 có số điểm IQ thấp hơn 2,5 điểm so với những người sinh năm 1975 và thấp hơn 3 điểm so với thế hệ 1962.
Sự giảm sút trí thông minh này đi ngược lại với xu hướng được gọi là “Hiệu ứng Flynn” khi con người ngày càng thông minh hơn trong suốt thế kỷ 20. Trong quá trình này, chỉ số IQ mỗi thập kỷ lại tăng đều đặn 3 điểm.
Theo báo Sputnik, một số nhà khoa học từng cho rằng sự suy giảm chỉ số IQ là do những người thông minh thường có ít con hơn. Chính vì thế, theo giả thuyết này, số lượng người có trình độ tri thức thấp ngày càng tăng, và do vậy làm cho IQ chung của nhân loại giảm dần.
Tuy nhiên, hai nhà khoa học Ole Rogeberg và Bernt Bratsberg đã chỉ ra những nguyên nhân có thể có của hiện tượng ngược dòng với Hiệu ứng Flynn để phản bác giả thuyết trên.
Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học Na Uy, chỉ số IQ suy giảm trong nội bộ các gia đình. Nghĩa là, bố mẹ có chỉ số thông minh hơn con cái khi ở cùng lứa tuổi. Điều này bác bỏ nguyên nhân di truyền.
Tiến sỹ Rogeberg cho rằng những thay đổi của chỉ số IQ có thể có liên quan đến cách dạy dỗ con cái. Ví dụ, trẻ em ngày càng ít đọc sách và học toán. Những tác động của môi trường, chế độ dinh dưỡng và luyên tập thể thao cũng có thể có vai trò quan trọng.
Các tác giả của nghiên cứu này cũng cho rằng có thể lớp trẻ không “ngu” hơn bố mẹ nhưng có thể định nghĩa về trí thông minh đã thay đổi khi loài người bước vào kỷ nguyên số. Trong khi đó, những phép thử trí thông minh vẫn không thay đổi: vẫn tiếp tục đặt trọng tâm vào chỉ số thông minh nhờ giáo dục cơ bản, tư duy toán học và tư duy ngôn ngữ.
Vì thế, các nhà khoa học lưu ý rằng những phương pháp đo IQ đang áp dụng hiện nay đã được xây dựng từ nửa thế kỷ trước. Theo Rogeberg, những số liệu về IQ những thập kỷ qua là không đáng ngại, nếu như nguyên nhân của sự “ngu” dần của loài người chỉ là do phép đo IQ đã lỗi thời.
Robin Morris, giáo sư tâm lý thần kinh của học viện King's College ở London, cũng cho rằng không có lý do gì phải lo ngại về chỉ số IQ đang giảm. Ông nói: “Tôi tin rằng sự đảo ngược của Hiệu ứng Flynn là có thật, nhưng tôi thấy cần thận trọng khi phổ quát hóa những số liệu của chỉ một nghiên cứu”.
Các tác giả người Na Uy cũng trấn an khi kết luận rằng cần phải tiến hành thêm những nghiên cứu để xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi về trí thông minh của các thế hệ trẻ.