Chúng ta đã nói quá nhiều về những bí quyết kiểm soát chi tiêu để tiết kiệm, làm giàu, vì phần lớn người trẻ đều có thói quen "vung tay quá trán", kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Vậy những người thuộc phần thiểu số kia là người như thế nào hay chưa?
Đó có thể là những bạn trẻ vốn đã có sẵn bản tính cần kiệm trong máu, vì phải lớn lên và trưởng thành từ sự nghèo khó; nhưng cũng có thể là kiểu người dù kiếm được tiền nhưng lại chẳng thiết tiêu.
Một thế hệ trẻ làm việc "như trâu" vì… không biết làm gì khác
Hơn 6 tháng qua, tất cả những gì mà Emi làm hàng ngày là "sấp mặt" ở công ty từ 9h sáng đến 8h tối, rồi về nhà, nằm sõng soài trên giường. Không ít hôm, vì quá mệt, Emi còn chẳng kịp tắm mà đi ngủ luôn với bộ quần áo đã mặc đi làm từ ban sáng. Thèm ngủ hơn thèm ăn, thế nên cũng chẳng có gì lạ khi có những ngày, Emi chỉ ăn mỗi bữa trưa.
Không có áp lực nào khiến Emi phải vắt sức mình để cày cuốc như thế. Đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, hẹn hò yêu đương, mua sắm xả hơi,... Những việc mà người trẻ thường làm, Emi chẳng ham. Tất cả những gì Emi làm chỉ là dốc sức kiếm tiền và để tiền nằm yên một chỗ. Ngoài những khoản bắt buộc phải chi như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, đi lại, Emi gần như không tiêu gì khác mỗi tháng.
Cũng có những lúc, Emi cảm thấy cuộc đời mình thật vô định và nhạt toẹt. Đồng nghiệp thân cho rằng Emi đang bị burn-out (hội chứng kiệt sức vì làm việc quá sức trong thời gian dài). Bác sĩ tâm thần cũng khuyên Emi nên giảm thời gian làm việc. Emi cũng nghe theo, xin nghỉ làm 3 ngày. Sau một giấc ngủ đẫy mắt từ 9h tối hôm trước đến 12h trưa hôm sau, Emi lại… bật máy tính và tiếp tục làm việc, vì chẳng biết làm gì khác.
Ở Hàn Quốc, Emi không phải là người trẻ duy nhất rơi vào trạng thái này.
Tháng 5/2023, cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến Job Korea tiến hành một cuộc khảo sát với 855 người lao động trong độ tuổi 25-32. 48,5% người tham gia khảo sát coi mình là người nghiện công việc. Trong số những người tự nhận mình "nghiện công việc", 47,5% cho biết họ thường xuyên tăng ca vì thích làm việc hơn nghỉ ngơi.
Nhìn vào Emi, chắc hẳn bạn sẽ thấy vảng vất đâu đó hình ảnh một người bạn thân của mình, hoặc là chính bản thân mình. Ngày nào cũng than "trời ơi lắm việc quá mệt chết đi mất", nhưng bảo nghỉ làm vài ba ngày đi thì lại chần chừ, đắn đo vì nghỉ làm để làm gì thì cũng chẳng rõ?
Triết lý Tomi-ism và 4 yếu tố làm nên sự giàu có
Quay trở lại với Emi - Một người làm việc "như trâu" nhưng lại chẳng thiết tha tiêu tiền dù có tiền, và cũng không hạnh phúc, tại sao cô ấy lại rơi vào tình cảnh khó hiểu như vậy?
Triết lý Tomi-ism có thể lý giải tình cảnh của Emi một cách vô cùng logic và dễ hiểu.
Nếu bạn chưa biết, Tomi-ism là một triết lý định nghĩa lại sự giàu có , không dựa vào tiền bạc mà tập trung vào sự cân bằng trong 4 yếu tố: Tài chính, các mối quan hệ (gia đình, bạn bè), sức khỏe (thể chất, tinh thần) và các thú vui, đam mê trong cuộc sống.
Trong triết lý Tomi-ism, một người có thể nghèo nhiều thứ chứ không chỉ nghèo mỗi tiền: Nghèo quan hệ, nghèo sức khỏe, nghèo sở thích,...
Giả sử, bạn có 50 tỷ trong tài khoản nhưng lại ốm đau triền miên hoặc hiếm khi nào cảm thấy vui vẻ, yêu đời, bạn sẽ không được coi là một người giàu có, theo triết lý Tomi-ism. Ngược lại, bạn sống cuộc đời rất vui vẻ, hạnh phúc nhưng nếu chẳng may, bạn gặp tai nạn và phải phẫu thuật hết 100 triệu, nhưng tài khoản của bạn chẳng đủ để thanh toán viện phí, bạn cũng không được coi là một người hạnh phúc.
Giờ thì thử tự hỏi bản thân 4 câu hỏi này xem sao:
Mình có đủ tiền để lo cho bản thân nếu không may thất nghiệp 3-4 tháng hoặc khi ốm đau, bệnh nặng?
Lúc buồn, có ai để mình tâm sự không?
Mình có đang thực sự khỏe mạnh về thể chất và cả tinh thần?
Có việc gì mà mình yêu thích, đam mê đến mức chỉ cần thực hiện là tâm trạng từ dưới đáy bay vút lên 9 tầng mây?
Thành thật với chính mình thử xem, bạn sẽ biết ngay bản thân có đang là một người giàu có hay không. Dù đáp án sau cùng bạn tìm thấy là gì, hãy nhớ rằng tiền không phải là yếu tố duy nhất làm nên sự giàu có, và nghèo cũng có muôn kiểu nghèo chứ đâu phải chỉ ít tiền, thiếu tiền mới là nghèo.