Tại sao các mẫu máy bay chiến đấu tương lai sẽ có phi công con người?

Lê Ngọc |

Thiết kế của các máy bay chiến đấu tương lai chứng minh năng lực không quân không chỉ phụ thuộc vào công nghệ và sự đổi mới, mà còn phụ thuộc vào con người, trong đó có kíp bay bằng xương bằng thịt.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những thiệt hại liên tục và bi thảm về người, mức độ ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 chỉ có thể trở nên rõ ràng hơn vào năm 2021, và chi tiêu quốc phòng sẽ không ngoại lệ.

Việc hủy bỏ, cắt giảm và trì hoãn các chương trình đều có khả năng xảy ra khi các quốc gia cố gắng khắc phục thiệt hại về kinh tế. Các lực lượng không quân sẽ không thoát khỏi áp lực, nhưng đừng mong đợi những phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo bị gác lại hoàn toàn.

Và theo chuyên gia Douglas Barrie thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đừng mong đợi các dự án máy bay chiến đấu trong tương lai sẽ loại bỏ phi hành đoàn con người.

Hiện có ít nhất 8 dự án máy bay chiến đấu chiến thuật đang được triển khai - hai ở Mỹ, ba ở châu Âu và ba ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bất kể chúng đang giai đoạn phát triển nào, buồng lái của tất cả các dự án này đều được cân nhắc chi tiết và nghiêm túc, chưa có dấu hiệu nào cho thấy kỷ nguyên của máy bay chiến đấu có kíp lái đã kết thúc.

Một số chương trình tiếp tục giữ lại ghế phóng với một hoặc nhiều phi công bên trong trong các thiết kế hiện đang được nghiên cứu. Rõ ràng, năng lực không quân không chỉ phụ thuộc vào công nghệ và sự đổi mới, mà còn phụ thuộc vào con người.

Tại sao các mẫu máy bay chiến đấu tương lai sẽ có phi công con người? - Ảnh 2.

Tempest - máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đang được phát triển cho Không quân Hoàng gia Anh có thể không phải là giải pháp toàn diện mà giới quân sự đang tìm kiếm. Nguồn: theaviationist.com

Ngoài ra còn có một phần của chủ nghĩa bảo thủ mà khi đi cùng với khoản đầu tư cần thiết sẽ dẫn đến việc chấp nhận rủi ro, đặc biệt nếu dự án là trọng tâm của lực lượng chiến đấu trong tương lai của không quân.

Điều quan trọng hơn trong cuộc tranh luận có và không có kíp lái người là tốc độ tiến triển của các phương án không người lái chậm hơn so với dự đoán của nhiều người. Đã có rất nhiều khởi đầu sai lầm trong việc phát triển và đưa vào trang bị các phương tiện bay chiến đấu không người lái cao cấp.

Các phương tiện bay không người lái đơn giản hơn được trang bị vũ khí không đối đất đã được áp dụng rộng rãi và liên tục.

Quyền tự chủ, chứ không phải tự động hóa vẫn là một mục tiêu đầy thách thức và là vấn đề kỹ thuật, pháp lý và đạo đức vẫn phải được xác định rõ ràng. Các hệ thống không có con người trong trung hạn sẽ được bổ sung, thay vì thay thế hoàn toàn các nền tảng có tổ lái.

Môi trường an ninh ngày càng tồi tệ kết hợp với nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia "ngang sức ngang tài" hoặc không thua kém nhiều cũng đang củng cố mối quan tâm đến các khả năng của không quân cao cấp.

Một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hậu công nghiệp sẽ liên quan đến hoạt động động học và phi động học xuyên suốt các lĩnh vực, với khả năng cạnh tranh và hoạt động trên không (và trong không gian) là yếu tố cơ bản dẫn đến kết quả.

Năng lực đảm bảo ưu thế trên không vẫn là phương châm của chiến tranh kiểu "phương Tây". Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không phản ánh ưu thế về không quân hoặc sự thống trị trên không đã được hình dung trong quá khứ.

Thay vào đó, nó sẽ dựa trên khả năng duy trì ưu thế trên không trong một không gian nhất định trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành/thực hiện một nhiệm vụ hoặc hoạt động như một công cụ tác chiến.

Môi trường không quân dễ dàng trong các cuộc chiến gần đây có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh trong một cuộc xung đột ngang hàng, sẽ bị thay thế bằng cuộc chiến với tỷ lệ tiêu hao cao.

Khoảng cách về năng lực giữa Mỹ và các đối thủ cạnh tranh đã thu hẹp - đặc biệt là trong trường hợp Trung Quốc, vốn đang bị Washington coi là "mối đe dọa đang nổi".

Không quân và Hải quân Mỹ hiện đang xem xét nhu cầu về máy bay chiến đấu đa năng thế hệ tiếp theo khi coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực tác chiến tiềm năng.

Tầm quan trọng của bán kính chiến đấu có thể sẽ tăng lên và cùng với mục đích mang được nhiều vũ khí hơn bên trong - điều có nghĩa là nền tảng sẽ không nhỏ hơn, và có thể lớn hơn so với thế hệ hiện tại.

Một hàm ý của điều này là chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Mỹ có thể không sản xuất một nền tảng kiểu Lockheed Martin F-16 hoặc F-35 được sử dụng như một sản phẩm xuất khẩu.

Châu Âu cũng có những thách thức riêng tại đấu trường này. Thất bại trong việc đoàn kết nguồn lực kinh phí và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ-quốc phòng đã khiến châu Âu phải theo đuổi ba chương trình (nếu tính cả Thổ Nhĩ Kỳ) phát triển máy bay chiến đấu.

Pháp và Vương quốc Anh, bất chấp ý tưởng mới của thỏa thuận hợp tác quốc phòng Lancaster House năm 2010, vẫn không thể bắt tay điều chỉnh các yêu cầu quốc phòng - không quân và công nghiệp.

Pháp đang dẫn đầu dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới với Đức và Tây Ban Nha là đối tác, trong khi Anh đang theo đuổi dự án máy bay thế thệ thứ sáu Tempest với sự hợp tác của Ý và Thụy Điển.

Cả hai dự án đều được lồng trong các chương trình Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (Future Combat Air System - FCAS) rộng lớn hơn, bao gồm cả các hệ thống và vũ khí không có người điều khiển.

Liệu các chương trình R&D đa quốc gia hiện tại của châu Âu có thể mang lại thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo hay không cũng đang là một dấu hỏi không hề nhỏ, nhưng điều không còn nghi ngờ là sẽ có phi hành đoàn trong buồng lái.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại