Tại sao Albert Einstein cho rằng xã hội đang nhầm lẫn giữa bảng điểm với trí thông minh cũng như giá trị của một con người?

Huyền Băng |

"Tất cả mọi người trên thế giới đều thông minh, nhưng nếu bạn đánh giá sự thông minh của 1 con cá qua khả năng leo cây của nó thì con cá đó sẽ cả đời tin rằng mình là con cá ngốc nghếch" - Albert Einstein.

Vào thập niên 1950, việc không quá thông minh không phải là vấn đề lớn với cuộc sống của nhiều người. Chỉ số thông minh (IQ-Intelligence Quotient) khi đó không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình, sống như thế nào và người khác đánh giá bạn ra sao.

Để được đánh giá tốt trong công việc thời đó dù là làm văn phòng hay ở công xưởng thì sự chính trực, đạo đức nghề nghiệp và khả năng thích nghi mới là điều các sếp cần chứ không phải bằng cấp. Nói cách khác, những ứng viên phỏng vấn thời đó được đánh giá dựa trên việc liệu họ có kỹ năng mềm hay không, có xông xáo hay không, rồi đến ngoại hình, nền tảng gia đình và sức khỏe.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi bước sang thập niên 2010. Những người có bằng cấp, tự cho là thông minh hơn bắt đầu chế giễu những người kém thông minh hơn họ. Các công ty, nhà tuyển dụng cũng ưu tiên nhân viên có bằng cấp và được đánh giá là thông minh hơn.

Sống trên đời phải có 1 tấm bằng?

Mặc dù việc bắt nạt kẻ yếu hay trù dập lẫn nhau trong công việc đã bị xã hội lên án, nhưng có vẻ việc coi thường những người kém thông minh lại chẳng có vấn đề gì. Các vụ việc phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo được giới truyền thông lên án mạnh mẽ nhưng các chương trình tạp kỹ, điện ảnh lại lấy việc chế giễu người kém thông minh ra làm trò đùa.

Theo nghiên cứu vào năm 1979 của National Longitudinal Survey of Youth, chỉ số IQ tỷ lệ thuận với việc có được cơ hội việc làm cao hơn trong ngành tài chính. Trong khi đó, những nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng việc có 1 điểm IQ cao hơn tương đương với việc tăng thu nhập thêm hàng trăm USD. Đây quả là thông tin đáng buồn với hơn 80 triệu người Mỹ có chỉ số IQ thấp hơn 90.

Dần dần, khi xã hội bắt đầu ngộ nhận trí thông minh của con người tương đương với trình độ giáo dục, số bằng cấp mà anh ta có thì thu nhập cũng bắt đầu phân hóa. Trong khoảng 1979-2012, khoảng cách thu nhập của 1 gia đình có 2 người đi làm với bằng đại học với gia đình chỉ có bằng phổ thông đã lên tới 30.000 USD theo tỷ giá hiện nay.

Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người bị nhận định kém thông minh thường có khả năng mắc nhiều bệnh tật hơn, dễ bị vào tù hơn cũng như chết sớm hơn.

Ngày nay, các công ty tuyển dụng nhân sự cũng ngày càng chú trọng vào trí thông minh của người lao động hơn. Bên cạnh những tiêu chuẩn như chăm chỉ, có tham vọng, tử tế... thì thông minh, nhanh nhạy cũng được các công ty thêm vào tiêu chí tuyển dụng.

Công ty CEB là một trong những doanh nghiệp tuyển dụng lớn nhất thế giới với hơn 40 triệu hồ sơ được nộp vào đây mỗi năm. Theo hãng, số người nhận được việc làm khi đã qua các bài kiểm tra kỹ năng đã tăng gần gấp đôi trong khoảng 2003-2013. Nói cách khác, giờ đây công ty muốn tuyển những nhân viên đã có kỹ năng mềm cũng như vượt qua các bài kiểm tra IQ hơn là những người không có.

Thậm chí, giờ đây nhiều hãng chỉ chấp nhận phỏng vấn những ứng viên thuộc top 5% sinh viên giỏi, hoặc tốt nghiệp từ những trường nổi tiếng, hay có kết quả SAT (có đính kèm chỉ số IQ) cao.

Đúng là nhiều công việc đòi hỏi sự thông minh, nhanh nhạy nhưng có một thức tế rằng đó không phải là một lợi thế chắc chắn cho hiệu quả công việc. Giáo sư Chris Argyris của HBR nhận định rất nhiều người thông minh lại hóa ra là nhân viên tệ hại bởi họ không chịu được sự chỉ trích hay thất bại.

Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy chính trí thông minh cảm xúc, khả năng giao tiếp, nhận thức... mới là những yếu tố phản ánh chính xác hiệu quả công việc sau này hơn là có bao nhiêu bằng cấp, có chỉ số IQ cao bao nhiêu.

Tại sao Albert Einstein cho rằng xã hội đang nhầm lẫn giữa bảng điểm với trí thông minh cũng như giá trị của một con người? - Ảnh 2.

Trong xã hội ngày nay, tấm bằng đang bị hiểu nhầm thành thước đo thông minh của con người

Ngày nay, nhiều vị trí công việc như quản lý cửa hàng cho đến trợ lý điều hành đã yêu cầu ứng viên phải có bằng đại học, trong khi những công việc này không quá khó khăn để thích nghi cho những người ít được giáo dục hơn.

Trên thực tế, việc yêu cầu bằng đại học này có lẽ là hệ quả của sự dư thừa sinh viên tốt nghiệp, khi mà nhiều cử nhân phải đi làm trái ngành, thậm chí những nghề bình thường để trang trải cuộc sống. Hệ quả là nhiều công ty cho thêm yêu cầu bằng đại học vào tiêu chuẩn cho các công việc không quá khó để nhận được người có trình độ hơn là tập trung vào những tiêu chí đánh giá chính xác năng lực của nhân viên.

Tồi tệ hơn, nhiều công việc không cần bằng cấp ngày nay đang bị thay thế dần bởi toàn cầu hóa và khoa học kỹ thuật. Việc làm trong các nhà máy sản xuất bị chuyển sang những nước có chi phí nhân công rẻ hơn hoặc bị thay thế bằng những máy móc tự động hóa.

Nước Mỹ hiện có khoảng 15 triệu người lao động trong các nhà hàng và làm nghề lái xe taxi, nhưng có lẽ những lao động phổ thông này sẽ sớm biến mất trước sự phát triển của công nghệ xe tự động, của ứng dụng đặt bàn trực tuyến hay của những robot bồi bàn đang được dần hoàn thiện.

Trái ngược lại, tầm quan trọng của bằng cấp, trí thông minh đã được nâng lên tầm cao mới. Nghiên cứu của các chuyên gia trường đại học Iowa-Mỹ cho thấy giờ đây tiêu chuẩn tìm người yêu, lấy vợ của nhiều người là thông minh trước hết, sau đó mới đến những yếu tố như tài chính, ngoại hình, khả năng giao tiếp, sức khỏe...

Bạn không tin ư? Vậy bạn có cho rằng 1 người khù khờ, không có bằng cấp cao và chậm hiểu sẽ dễ kiếm được người yêu hay không?

Thế nào là thông minh?

Chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để định nghĩa “thông minh”. Đó có thể là khả năng giao tiếp, khả năng tư duy, tốc độ ghi nhớ...

Tuy nhiên, một thực tế chắc chắn là không có ai thông minh trên mọi phương diện theo mọi tiêu chuẩn. Nói cách khác, bất kỳ người nào cũng “thông minh” ở một mặt nào đó và điều này chả liên quan gì đến bằng cấp hay chỉ số IQ.

Tại sao Albert Einstein cho rằng xã hội đang nhầm lẫn giữa bảng điểm với trí thông minh cũng như giá trị của một con người? - Ảnh 4.

"Tất cả mọi người trên thế giới đều thông minh, nhưng nếu bạn đánh giá sự thông minh của 1 con cá qua khả năng leo cây của nó thì con cá đó cả đời nghĩ rằng mình là con cá ngốc nghếch"

Tổ chức College Booard, nơi chịu trách nhiệm kỳ thi SAT có liên quan đến chỉ số IQ nhận định các học sinh cấp 3 không đủ điều kiện vào đại học nếu họ không thể đạt 500 điểm trong mỗi phần thi SAT. Nguyên nhân là những học sinh có mức điểm dưới 500 thường không đủ sức đạt học lực khá cho chương trình đại học 4 năm.

Việc xác định tỷ lệ đạt SAT cao ở Mỹ là khá khó khăn do nhiều bang không bắt buộc. Tuy nhiên, tại những bang Delaware, Idaho, Maine, District of Columbia (DC)... nơi có 90% học sinh thi SAT và được thi miễn phí thì kết quả lại khá thú vị. Theo đó, DC có 33% học sinh đạt trên 500 điểm, còn Maine có 40%.

Nói cách khác, chỉ có 1/3 số học sinh cấp 3 tại Mỹ là đủ tiêu chuẩn học đại học nếu theo đánh giá của College Board cũng như xứng đáng có được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong xã hội.

Trên thực tế, việc thiếu phổ cập giáo dục hay đói nghèo là nguyên nhân chính khiến nhiều người không thể có bằng đại học. Trong khi đó, nhiều trường hiện nay quá chú trọng vào những ngành văn phòng mà bỏ qua những lớp dạy nghề, dạy thợ vốn đang thiếu nhân lực.

Có những người giỏi, được cho là thông minh trong ngành tài chính kế toán, nhưng cũng có những nhân tài trong ngành thợ điện. Vậy người nào là người thông minh hơn? Nếu nhân tài kế toán là thông minh hơn vậy liệu anh ta có thể trở thành thợ điện giỏi sau 1 thời gian làm?

Suy cho cùng, mỗi con người khi sinh ra có tiềm năng khác nhau, môi trường sống khác nhau và chưa chắc những người thông minh trong lĩnh vực này đã giỏi trong lĩnh vực khác. Bởi vậy, việc tuyển một người thông minh giỏi kế toán vào làm thợ điện có khi lại thành tai họa.

Tại sao Albert Einstein cho rằng xã hội đang nhầm lẫn giữa bảng điểm với trí thông minh cũng như giá trị của một con người? - Ảnh 6.

"Không phải tôi thực sự thông minh, chỉ là tôi trăn trở với vấn đề lâu hơn mà thôi"

Thêm vào đó, việc tuyển các nhân viên trí tuệ cao có thể kèm theo rủi ro bất ổn nội bộ khi những con người này thường khó nhận ra lỗi lầm của mình, hiếu thắng và không dễ làm việc nhóm. Trái ngược lại, những người không có bằng cấp cao lại ý thức được sai sót, ít kiêu ngạo, dễ tiếp thu ý kiến cũng như làm việc nhóm tốt hơn. Chắc hẳn nhiều công ty đã trải qua cảm giác thuê các giáo sư, tiến sĩ về làm việc nhưng kết quả lại chả ra đâu vào đâu.

Vào năm 1958, nhà xã hội học người Anh Michael Young đưa ra quan niệm “Chế độ nhân tài” (Meritocracy) để ám chỉ một thể chế tàn khốc, hoang tưởng và gượng ép. Theo đó, chế độ nhân tài cho rằng quyền lực và vị trí xã hội của một cá nhân nên được đánh giá dựa trên trí tuệ và khả năng của một người thay vì những đức tính của con người đó.

Trớ trêu thay, con người giờ đây đang tổ chức nên một xã hội y hệt như thế, khi trí thông minh, bằng cấp, chỉ số IQ nói lên giá trị của một con người thay vì những thứ khác. Bố mẹ, trường học và rất nhiều người đều dạy con cái rằng nếu chúng không học hành, chúng sẽ trở nên nghèo hèn, làm những công việc bình thường như quét rác hay công nhân.

Trong khi đó, họ lại quên rằng nhiều người sinh ra đã để trở thành một người quét rác giỏi, một công nhân giỏi và giá trị bản thân họ đáng được trân trọng không kém so với những ngành nghề và con người khác.

* Nguồn: The Atlantic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại