Thiên tài Albert Einstein là nhà vật lý được cả thế giới biết đến và ghi danh vào sử sách vì những cống hiến vĩ đại cho lịch sử phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, có vẻ như ông không hề thành công trong cuộc sống cá nhân của mình đặc biệt khi nhắc đến cậu con trai út Eduard Einstein.
Người vợ đầu tiên của ông là Mileva Maric. Hai người gặp nhau ở trường đại học, bà Mileva hơn chồng 4 tuổi, là người duy nhất học vật lý tại học viện Bách khoa Zurich. Sau khi kết hôn, cặp đôi có 3 người con: Lieserl sinh năm 1902, không rõ tung tích, Hans Albert và Eduard Einstein. Trong mấy đứa con, Einstein có vẻ ưu ái cậu con trai út hơn cả.
Albert Einstein và người vợ đầu tiên chụp hình năm 1912.
Nói về sự nhanh nhạy, khả năng tư duy thì Eduard cũng là người gần với bố nhất. Ngay từ nhỏ, Eduard đã bộc lộ tư chất thông minh và năng khiếu âm nhạc. Cậu bé tỏ ra đam mê với thơ ca, piano và tâm thần học. Vào năm 6 tuổi, Eduard đã đọc Shakespeare và sau này đọc hết tác phẩm của Kant, Schopenhauer, Platon.
Cậu bé ước mong lớn lên sẽ trở thành nhà tâm lý học lỗi lạc. Con trai út của Einstein tôn thờ Sigmund Freud - cha đẻ trường phái Phân tâm học nhiều đến mức treo chân dung của ông trong phòng ngủ. Điều duy nhất mà Albert Einstein luôn lo lắng cho cậu con trai này chính là thể chất yếu ớt. Từ bé, Eduard đã hay ốm vặt. Khi gia đình tổ chức đi chơi hay cắm trại, Eduard thường không được tham gia do sức khỏe không cho phép. Một lần viết cho đồng nghiệp, Albert Einstein nói: "Tôi đến tuyệt vọng vì tình trạng của nó."
Einstein và Mileva Maric cuối cùng đường ai nấy đi vào năm 1919 khi ông Einstein đệ đơn ly hôn vợ rồi vội tái hôn cùng tình nhân của mình, Elsa. Hai cậu con trai đều ở cùng mẹ. Dù người cha nổi tiếng vẫn hỗ trợ tài chính cũng như giữ quan hệ gần gũi thân thiết, sự đổ vỡ này để lại những tổn thương tâm lý khó chữa lành đối với cả Hans Albert lẫn Eduard.
Eduard được bố chiều chuộng, kỳ vọng sẽ trở thành "bản sao" của ông
Thành tích ở trường của Eduard cực kì xuất sắc. Năm 1929, cậu tốt nghiệp trường trung học chỉ dành cho những thiếu niên xuất sắc nhất. Tiếp theo đó, cậu thi đỗ vào Học viện Bách khoa Zurich - nơi cha mẹ từng theo học, quen biết rồi yêu nhau. Tuy nhiên, Eduard luôn cảm thấy áp lực nặng nề vì danh tiếng quá lớn của cha mình. Trong một buổi tự phân tích tâm lý bản thân, Eduard viết: "Đôi lúc, thật khó khăn khi có người cha như vậy vì bạn sẽ thấy bản thân không quan trọng".
Thậm chí, anh chàng này từng có lúc suy sụp đến mức cố tự sát. Đó là khi anh vừa chia tay người bạn gái của mình. Đến năm 1930, ở độ tuổi 20, chàng trai trẻ không ngờ được chẩn đoán tâm thần phân liệt. Đành bỏ dở việc học, Eduard chuyển vào viện tâm thần để chữa bệnh. Đây quả thật là cú sốc trời giáng đối với Einstein bởi bản thân ông luôn đặt kỳ vọng rất lớn đối với cậu con trai út. Không thể chấp nhận sự thật chua xót, Einstein đổ lỗi rằng Eduard bị di truyền gene xấu từ nhà ngoại, không có cách nào cứu vãn được.
Eduard (trái) bên anh trai Hans Albert
Sau khi phát bệnh, Eduard tỏ ra chán ghét người bố thiên tài của mình. Mặc dù vậy, Albert vẫn dành sự quan tâm hết mực cho con, là người đứng ra chi trả mọi chi phí điều trị. Ông cũng tích cực viết thư trao đổi với con về cuộc sống và thơ ca.
Một lần về bệnh viện thăm Eduard, Albert mang theo cây đàn violin yêu thích của con. Âm nhạc từng là cầu nối giữa hai bố con khi ngôn từ không đủ để diễn đạt cảm xúc của họ. Tuy nhiên, nhìn vào bức ảnh hôm đó, có vẻ như cuộc trò chuyện giữa hai cha con chẳng mấy vui vẻ. Họ trông gượng gạo hết mức. Albert tay thì giữ đàn, mắt nhìn đi hướng khác với vẻ mặt bất lực còn Eduard nhìn xuống sách, mặt nhăn nhó.
Albert không được gặp con trai nữa sau khi rời Zurich. Năm Đức Quốc Xã lên nắm quyền, ông dẫn theo cậu con trai cả di cư sang Mỹ sinh sống, Eduard không thể theo cha vì tình trạng tâm thần không ổn định.
Cuộc đời Eduard dường như rơi vào ngõ cụt khi bị chẩn đoán tâm thần phân liệt ở tuổi 20
Các nhà lịch sử cho rằng những phương pháp điều trị tâm thần thời bấy giờ đã khiến bệnh tình Eduard ngày càng nặng. Hans Albert thì khẳng định em trai bị tổn thương vĩnh viễn về nhận thức và trí nhớ do liệu pháp sốc điện. 30 năm ra rồi lại vào viện, người duy nhất chăm lo cho Eduard chính là mẹ mình. Dù ông Einstein vẫn trợ cấp từ xa, bà Mileva cuối cùng phải bán nhà để trả viện phí tốn kém. Năm 1948, bà Mileva qua đời, Eduard chuyển hẳn tới Bệnh viện Tâm thần Burghölzli.
Quặn lòng trước cảnh đứa con yêu quý giờ đây điên dại lại chẳng có ai thân thích ở bên, Albert Einstein từng giận mình đến nỗi thốt lên những lời đầy chua xót: "Nếu biết trước, tôi đã không để thằng bé đến với cuộc đời này".
Eduard qua đời vì đột quỵ ở tuổi 55. Ông được chôn cất ở nghĩa trang Hönggerberg, Zurich. Không lâu trước khi mất, Eduard từng nói với một nhà báo: "Có người cha thiên tài chẳng giúp ích gì cho tôi cả".
Nguồn: All That Interesting