Cặp đôi tăng Nga với pháo Mỹ
Theo một số nguồn tin, đầu những năm 1990, quân đội Bosnia đã lai ghép thành công pháo chống tăng tự hành Hellcat của Mỹ với xe tăng T-55 của Nga, tạo ra một loại xe tăng mới.
Một số nguồn tin không chính thức cho biết, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Quân đội Tiệp Khắc vẫn sử dụng một số ít pháo chống tăng tự hành Hellcat do Mỹ sản xuất cho tới năm 1990.
Xe tăng T-55-Hellcat
Trong cuộc chiến tranh ở Bosnia (1992), ít nhất một khẩu Hellcat đã được Quân đội Serbian sử dụng, sau đó bị thu giữ bởi Bosnia. Chúng đã được lai ghép tháp pháo Hellcat 76 mm vào khung thân xe tăng T-55, tạo nên mẫu tăng mới.
Tuy nhiên, cỗ xe tăng kỳ lạ này chưa bao giờ được đưa vào sử dụng chiến đấu. Và đến nay cũng không ai rõ về số phận nguyên mẫu duy nhất "dòng tăng T-55-Hellcat".
M18 Hellcat là một trong số ít pháo chống tăng tự hành thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 được trang bị tháp pháo có thể xoay được.
Vì đa số pháo chống tăng tự hành thời kỳ này đều gắn pháo dính liền vào thân xe, không có tháp. Khoảng 2.500 chiếc M18 Hellcat đã được nhà máy General Motors sản xuất cho Quân đội Mỹ tham chiến tại châu Âu từ 1943 tới 1944.
Tuy nhiên, việc lai ghép 2 trường phái vũ khí khác nhau này cũng đã được người Việt thực hiện khá hoản hảo.
Pháo Mỹ với xe tải Nga
Hệ thống vũ khí độc đáo vừa mới ra đời chính là pháo tự hành 105 mm được Xí nghiệp Liên hợp Z751 (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng Việt Nam) nghiên cứu chế tạo sử dụng pháo Mỹ lắp lên thân xe Ural-375Đ của Nga.
Xe có các bậc thang lên, xuống thiết kế theo kiểu gập và mở, giúp các pháo thủ dễ dàng cơ động khi triển khai và tác nghiệp.
Xe Ural-375Đ đã được diezen hóa nên có công suất cao, độ bền lớn và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với chạy động cơ xăng, nhưng vẫn giữ được tính năng làm việc và độ bền của hệ thống lái, hệ thống khung gầm...
Việc lắp đặt pháo 105mm lên xe Ural-375Đ là một trong những ý tưởng đột phá, không chỉ tận dụng, phát huy ưu thế của các loại khí tài cũ đã được trang bị mà còn tăng khả năng cơ động của các khẩu đội pháo, giúp cho việc phòng tránh đánh trả đòn tiến công của địch bằng vũ khí công nghệ cao khả thi hơn.
Đặc biệt, sau khi lắp đặt và thử nghiệm thực tế, số lượng pháo thủ trong khẩu đội rút và giảm hơn so với trước đây 4 người, đồng thời giảm được thời gian thao tác chiến đấu và tăng độ bền đối với các cơ cấu của pháo do không phải vận hành dưới mặt đất.
Hệ thống khung pháo được cố định chắc chắn trên thùng xe thay vì cơ động bằng bánh lốp như nguyên bản, càng pháo giảm giật cũng được bỏ đi.
Pháo tự hành 105 mm có tầm bắn tối đa hơn 11km và được dùng tiêu diệt các mục tiêu trong và ngoài công sự, chế áp hỏa lực đối phương, tạo điều kiện cho lực lượng khác chiếm lĩnh trận địa khi tấn công.
Xe thiết giáp Mỹ và súng chống tăng Nga
Ngoài pháo tự hành 105 mm, Việt Nam cũng tích hợp thành công súng chống tăng SPG-9T2 (có nguồn gốc Nga do Việt Nam sản xuất) lên xe bọc thép M113 do Mỹ sản xuất.
Hồi giữa năm 2014, tại trường bắn K3 - Quân khu 9, sản phẩm súng chống tăng SPG-9T2 được lắp đặt lên xe thiết giáp M113 nâng cấp đã tiêu diệt thành công mục tiêu.
So với các loại súng phóng lựu vác vai chống tăng như B-40, B-41 thì SPG-9T2 có ưu điểm là tầm bắn vượt trội (tầm bắn hiệu quả 800 m, tầm bắn tối đa 1.300 m).
Súng chống tăng SPG-9T2 có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như: đạn chống tăng tiêu chuẩn sử dụng liều nổ lõm PG-9, PG-9N.
Đạn nổ phá mảnh chống bộ binh OG-9V hoặc đạn chống tăng tadem sử dụng đầu nổ lõm 2 lần PG-9NT có thể tiêu diệt các loại xe tăng hiện đại được trang bị giáp phản ứng nổ. SPG-9T2 có thể lắp đặt lên các loại xe quân sự như xe bọc thép, xe bán tải,... nhằm tăng cường tính cơ động.
Thông số kỹ thuật cơ bản của súng chống tăng SPG-9T2: Khối lượng: 47,6 kg và 59 kg khi có giá 3 chân; Chiều dài: 2,1 m; Cỡ nòng: 73 mm (nòng trơn); Tốc độ bắn tối đa: 6 phát/phút; Sơ tốc đầu nòng: 300 - 700 m/s.
Khẩu đội của SPG-9T2 gồm 2 người; Kính ngắm: kính ngắm quang học PGO-9 với khả năng phóng đại 4 lần và kính ngắm PGN-9IR phục vụ cho bắn đêm.