Trong một cuộc chiến tranh, châu Âu là ưu tiên chiến lược của Mỹ. Đông Á được xếp vào hàng thứ yếu, mặc dù Mỹ đồn trú một lực lượng đông đảo binh sĩ ở khu vực này và là "chiếc ô an ninh" cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan/Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11/2021. Ảnh: Bloomberg
Nhưng trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, các ưu tiên chiến lược của Mỹ đã bị đảo lộn. Ngày nay, chiến lược an ninh của Mỹ đang bị chi phối bởi điều mà Washington coi là "mối đe dọa từ Trung Quốc", và Đông Á đã thay thế châu Âu trở thành chiến trường chính của cuộc cạnh tranh địa chính trị thế giới. Do đó, tác động an ninh từ sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng.
Đó là nhận định được ông Minxin Pei, Giáo sư Khoa Chính trị thuộc trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ) và là thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ, đưa ra trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (aspistrategist.org.au) ngày 11/1.
Đáng chú ý nhất, theo ông Pei, các đối thủ của Mỹ đang lợi dụng sự chú ý của Mỹ về Trung Quốc để tiến hành phép thử đối với quyết tâm của Washington. Ví dụ, Iran đã có lập trường cứng rắn hơn liên quan đến các cuộc đàm phán đang bế tắc về việc khôi phục Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018. Các nhà lãnh đạo Iran dường như đang đặt cược rằng Tổng thống Joe Biden sẽ khó có thể sử dụng vũ lực và sẵn sàng sa lầy vào một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông trong bối cảnh Washington đang tăng cường kiềm chế Bắc Kinh.
Những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine dường như cũng dựa trên những tính toán tương tự. Có thể ông Putin cho rằng giờ đây Nga “tự do” hơn rất nhiều để khôi phục ảnh hưởng của Moskva trong khu vực lân cận, bởi vì Mỹ không đủ khả năng để phân tán lực lượng khỏi trọng tâm chiến lược của mình vào Trung Quốc.
Các động thái gần đây của Iran và Nga minh họa một cách sinh động tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Mỹ. Để tăng khả năng đạt được một kết quả thuận lợi trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ phải duy trì mục tiêu chiến lược và tránh các xung đột thứ yếu có thể làm chệch hướng chính sách và nguồn lực của mình. Việc Chính quyền Tổng thống Biden rút hoàn toàn khỏi Afghanistan năm 2021 nêu bật quyết tâm của Washington trong vấn đề đó.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về Iran và Nga ở mức độ nào vẫn cần phải theo dõi, nhưng dự báo Mỹ sớm hay muộn cũng sẽ gặp phải các phép thử tương tự ở những nơi khác. Một số cường quốc khu vực sẽ có xu hướng tăng cường áp lực với các nước láng giềng yếu hơn vì họ cho rằng việc Mỹ xoay trục sang Đông Á sẽ khiến khả năng can thiệp quân sự của Mỹ giảm đi.
Chắc chắn, việc Mỹ tập trung vào Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến từng khu vực khác nhau, với tác động ít hơn nhiều đến an ninh khu vực ở Mỹ Latinh và châu Phi so với Trung Đông. Tại Mỹ Latinh và châu Phi, chính sách của Mỹ trong những năm tới có thể sẽ nhấn mạnh vào cạnh tranh kinh tế, công nghệ và ngoại giao với Trung Quốc.
Tác động an ninh lớn nhất của việc Mỹ chuyển hướng chiến lược sang Đông Á sẽ được thể hiện rõ ở Trung Đông, khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ về nhu cầu an ninh. Việc tập trung vào Trung Quốc sẽ làm giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này. Trong khi Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ cho các đồng minh và đối tác quan trọng nhất của mình, thì toàn bộ Trung Đông sẽ chấp nhận thực tế là không có Mỹ với tư cách là "người đảm bảo an ninh".
Nói một cách tổng thể hơn, nếu Mỹ duy trì chiến lược tập trung vào Trung Quốc, chắc chắn ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ sẽ bị suy giảm. Các quốc gia mất đi nguồn tài trợ của Mỹ có thể sẽ ít “nể nang” hơn đối với Mỹ.
Nhưng sự suy giảm vị thế toàn cầu của Mỹ cũng có thể mang lại những lợi ích đáng kể - cho cả Mỹ và phần còn lại của thế giới. Mục tiêu chiến lược nhằm vào Trung Quốc sẽ khiến Mỹ ít có khả năng tiến hành các cuộc chiến tranh “không cần thiết”. Điểm nổi bật của Mỹ trong phần lớn thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong 3 thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hàng năm Mỹ đều sử dụng lực lượng vũ trang của mình ở nước ngoài. Đặc biệt, nước này đã chịu tổn thất lớn về nhân lực và vật lực trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.
Ở những nơi khác, định hướng địa chính trị mới của Mỹ sẽ buộc các nước cho đến nay vẫn dựa vào sự bảo vệ và hỗ trợ của Mỹ phải học cách “tự lực cánh sinh”. Ví dụ, một số quốc gia Trung Đông đã tìm cách thiết lập các lại quan hệ và thúc đẩy hòa bình để chuẩn bị cho sự rút lui của Mỹ (quan hệ giữa một số quốc gia vùng Vịnh và Israel đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây).
Ở châu Âu, “quyền tự chủ chiến lược” có thể chủ yếu là sự ngụy biện cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng khi Mỹ ngày càng thể hiện rõ với các đồng minh châu Âu rằng khu vực này là ưu tiên thứ yếu, họ sẽ phải biến tuyên bố trên của mình thành hành động.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng tuyên bố Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” của thế giới. Điều này được cho là đúng đối với hầu hết thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Trong kỷ nguyên cạnh tranh Mỹ - Trung, Mỹ có thể là cường quốc không thể thiếu đối với Đông Á, nhưng với các khu vực khác thì có lẽ không. Khi thực tế mới này diễn ra, phần còn lại của thế giới sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi. Điều đó có thể dẫn đến xung đột quân sự nhiều hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến hòa bình hơn.