Căng thẳng trước đối thoại
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin dẫn đầu phái đoàn Nga. Dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.
Vấn đề trọng tâm của cuộc đàm phán là nội dung 2 bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Bộ Ngoại giao Nga đưa ra vào tháng 12-2021. Theo đó, Nga muốn loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông châu Âu, trước hết là ở Ukraine, mà Nga cho là có nguy cơ đe dọa an ninh Nga; không triển khai tên lửa tầm trung, tầm ngắn và giảm các cuộc tập trận quân sự.
Trước cuộc gặp, cả 2 bên đều phát những cảnh báo cứng rắn. Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngay trước thềm hội nghị ngày 9-1, ông Sergey Ryabkov cho rằng, phương Tây nên đơn phương từ bỏ việc mở rộng NATO và đóng cửa cơ sở hạ tầng quân sự đã được tạo ra. Thứ trưởng Sergei Ryabkov cảnh báo, Mỹ và NATO có thể đối mặt với tình hình an ninh nghiêm trọng hơn nếu không chú trọng đối thoại với Nga về các cam kết an ninh.
Về phần mình, phát biểu trong chương trình “State of the Union” của kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng trước mắt có hai con đường. Thứ nhất là đối thoại và ngoại giao để cố gắng giải quyết một số khác biệt và tránh đối đầu. Con đường còn lại là sự đối đầu và hậu quả sẽ rất lớn nếu Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine. Ông Blinken không mong đợi có bước đột phá, song hy vọng sẽ tìm thấy một số điểm chung trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang diễn ra.
Cần sự “có đi có lại”
Đánh giá về cuộc đối thoại an ninh Nga - Mỹ, Giáo sư Sven Biscop của Trường Đại học Ghent (Bỉ), chuyên gia Trường Cao đẳng Quốc phòng và An ninh châu Âu, nhận định rằng cả Nga và Mỹ đều cần nhượng bộ trong các cuộc đàm phán song phương tại Geneva.
Theo chuyên gia này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nhất trí đã đến lúc “bắt đầu đàm phán nhanh chóng” để đạt tiến triển trong các vấn đề vũ khí chiến lược Mỹ - Nga, quan hệ NATO - Nga và an ninh ở châu Âu, liên quan chủ yếu đến Ukraine.
Giáo sư Sven Biscop nhận định, cuộc hội đàm sẽ giúp định hình quá trình đàm phán nếu cả hai bên đều sẵn sàng làm việc nghiêm túc và kỹ càng. Tuy nhiên, với lập trường khác biệt, các vấn đề đang được thảo luận sẽ không được giải quyết trong vài ngày hoặc vài tuần.
Trả lời hãng thông tấn ABC ngày 9-1, ông Antony Blinken cho rằng, cuộc đàm phán này có thể giúp khôi phục các hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Có thể có nhiều cơ sở để gia hạn Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2019 như những thỏa thuận về việc triển khai các lực lượng thông thường ở châu Âu, về phạm vi và quy mô của các cuộc tập trận mà nếu được tuân thủ theo cách có đi có lại - tức Nga thực hiện tốt các cam kết của mình - sẽ có cơ sở để giảm căng thẳng, tạo ra sự minh bạch hơn…”.
Theo kế hoạch, sau cuộc hội đàm Nga - Mỹ tại Geneva, Hội đồng Nga - NATO sẽ họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12-1 và cuộc tham vấn trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ diễn ra ở Vienna (Áo) vào ngày 13-1.