T-90 và "Khắc tinh của T-90" trước cơ hội về một mái nhà chung

Hải Dương |

Xe thiết giáp diệt tăng tự hành AFT-10 của Trung Quốc từng được gọi bằng biệt danh "Khắc tinh của T-90" nhờ khả năng tung đòn tấn công ngoài tầm đáp trả của chiếc xe tăng Nga.

Tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh Iraq 2018, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đã mang tới quốc gia Trung Đông này nhiều sản phẩm rất đáng chú ý với hy vọng sẽ giành được sự quan tâm của nước chủ nhà để tiến tới đặt mua với số lượng lớn.

Quá khứ cũng như hiện tại, lực lượng vũ trang Iraq có trong biên chế khá nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất, tiêu biểu là các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59/69.

Trước khi Lục quân Iraq quyết định đặt hàng 73 chiếc T-90S/SK của Nga thì đã có nhiều ý kiến cho rằng VT4 của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Hoa Bắc - NORINCO mới là ứng viên số 1. Sự thất bại trong thương vụ trên không làm phía Trung Quốc nản lòng, họ đã mang tới triển lãm lần này một phương tiện rất đặc biệt.

T-90 và Khắc tinh của T-90 trước cơ hội về một mái nhà chung - Ảnh 1.

Xe thiết giáp diệt tăng tự hành thế hệ mới của Trung Quốc

Tại vị trí trung tâm của khu trưng bày vũ khí Trung Quốc là chiếc xe thiết giáp diệt tăng tự hành với kết cấu tương đối lạ, nó mang các container phóng kiêm bảo quản của tên lửa chống tăng HJ-10 nhưng lại đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh lốp VN1 (bản xuất khẩu của ZBL-09) chứ không sử dụng khung ZBD-04 như vẫn thường gặp.

Sự thay đổi trên được cho là bởi khung gầm bánh lốp có độ cơ động tốt hơn khi di chuyển trên địa hình sa mạc, chi phí khai thác và bảo trì cũng nhẹ nhàng hơn so với đặt trên xe bánh xích, ngoài ra phương tiện này còn được bổ sung hệ thống điều hòa không khí để làm việc tốt hơn tại vùng khí hậu nóng.

Sản phẩm trên đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới chức quân sự nước chủ nhà, mở ra triển vọng để nó có thể nhanh chóng gia nhập biên chế lực lượng vũ trang quốc gia Trung Đông này, nhất là khi vũ khí trên sở hữu tính năng kỹ chiến thuật rất độc đáo đi kèm mức giá "chấp nhận được".

T-90 và Khắc tinh của T-90 trước cơ hội về một mái nhà chung - Ảnh 2.

Xe thiết giáp diệt tăng AFT-10 phóng tên lửa HJ-10 trong một cuộc diễn tập

Sức mạnh của phương tiện diệt tăng trên nằm ở tên lửa chống tăng HJ-10, đây là phiên bản thu nhỏ của tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-501G với trọng lượng rút gọn chỉ bằng một phần ba.

Dễ dàng nhận thấy HJ-10 có rất nhiều nét tương đồng với tên lửa chống tăng không đường ngắm Spike NLOS (Non Line Of Sight) do Israel chế tạo, hiện chưa rõ đây là một sản phẩm sao chép hay Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất từ nhà nước Do Thái.

Tên lửa HJ-10 có chiều dài 1.850 mm; đường kính 165 mm; trọng lượng phóng 50 kg; mang đầu đạn nổ lõm hai tầng nặng ~10 kg, xuyên được trên 1.000 mm giáp đồng nhất sau giáp phản ứng nổ ở tư thế "đột nóc", tầm bắn tối đa 10 km.

Nhờ công nghệ dẫn đường quang học/hình ảnh, HJ-10 có thể khóa mục tiêu trong khi đang lấy đường ngắm hoặc sau khi phóng (Lock on after launch), nó nhận dữ liệu và nhận dạng mục tiêu trong thời gian thực bằng đường truyền tín hiệu thông qua cáp quang kết nối giữa đạn với bệ phóng.

Đối tượng tiêu diệt của HJ-10 ngoài các loại xe tăng, xe thiết giáp hay lô cốt, công sự của đối phương thì lúc cần thiết nó còn tiêu diệt được cả trực thăng bay thấp.

Sử dụng tên lửa chống tăng HJ-10 phóng đi từ xe thiết giáp vừa giải quyết được hiệu quả chiến đấu khi nó nằm ngoài tầm đáp trả của xe tăng đối phương, lại vừa tối ưu hóa hiệu quả kinh tế khi chi phí rẻ hơn nhiều so với huy động trực thăng vũ trang.

Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, viễn cảnh T-90 sát cánh cùng "Khắc tinh của T-90" trong đội hình tác chiến hỗn hợp của Quân đội Iraq là điều đặc biệt thú vị.

Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của xe thiết giáp diệt tăng AFT-10

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại