Syria tung hành động với Trung Quốc: Đối kháng đòn trừng phạt Mỹ

An Bình |

Syria đã chính thức tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) xuyên lục địa của Trung Quốc với hy vọng duy trì một kênh đầu tư sinh lợi vào một quốc gia bị tàn phá nặng nề trong hơn một thập kỷ nội chiến.

Trong một buổi lễ hôm thứ Ba, Chủ tịch Cơ quan Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế Syria Fadi al-Khalil và Đại sứ Trung Quốc tại Syria Feng Biao đã ký một biên bản ghi nhớ.

Một bản tin do hãng thông tấn Ả Rập chính thức của Syria công bố và được chính quyền Syria chia sẻ cho biết động thái tham gia BRI lần này sẽ mở rộng cơ hội hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia đối tác tham gia trong sáng kiến trên một số lĩnh vực, bao gồm trao đổi hàng hóa, công nghệ và vốn, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân giữa các nước và giao lưu văn hóa.

Theo Newsweek, Trung Quốc đã đưa khoảng 150 quốc gia, khoảng hơn 3/4 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tham gia sáng kiến BRI. Hầu hết trong số đó đã ký biên bản ghi nhớ. Khoảng 32 tổ chức quốc tế cũng tham gia vào mạng lưới các dự án hứa hẹn thương mại và đầu tư trên toàn cầu này.

Sáng kiến này lấy tên từ Con đường Tơ lụa cổ đại từng chạy qua châu Á, trong đó Trung Đông đóng vai trò là ngã tư nối tới châu Phi và châu Âu.

"Syria là một trong những quốc gia nền tảng của Con đường Tơ lụa cổ đại, đặc biệt là các thành phố Aleppo và Palmyra, và do đó chúng tôi sẽ hồi sinh con đường này thông qua việc tham gia sáng kiến này", ông Khalil nói, đồng thời lưu ý rằng thỏa thuận này sẽ góp phần "tăng cường mối quan hệ hợp tác trong quan hệ hữu nghị hai nước chúng ta."

Syria tung hành động với Trung Quốc: Đối kháng đòn trừng phạt Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch Cơ quan Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế Syria Fadi al-Khalil và Đại sứ Trung Quốc tại Syria Feng Biao ký biên bản ghi nhớ ngày 12/1. Ảnh: Chính quyền Syria.

Nhắc lại điều này, ông Feng cho biết hiệp ước sẽ "xác định các mục tiêu của chúng tôi và hướng dẫn các dự án của chúng tôi nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và tăng cường sự hài hòa" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cùng các chính sách của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời "tăng cường Sự tham gia của Trung Quốc vào công cuộc tái thiết kinh tế của Syria".

Tín hiệu hợp tác sớm

Việc Syria chính thức tham gia BRI đã được dự đoán trước vì Bắc Kinh đã sớm xuất hiện với tư cách là một trong những bên ủng hộ chính trị của ông Assad khi cuộc xung đột nội bộ Syria lần đầu tiên nổ ra vào năm 2011. Trung Quốc và Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây chống lại nhà lãnh đạo Syria.

Mối quan hệ của Bắc Kinh với Damascus vẫn tiếp tục ngay cả sau khi các cường quốc khác trong khu vực cắt đứt quan hệ và một cuộc nổi dậy được Mỹ cùng các nước đối tác hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, phe nổi dậy sau đó đã thất bại khi các lực lượng cực đoan trong khu vực trỗi dậy, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS).

Trong khi Trung Quốc không cung cấp hỗ trợ quân sự công khai cho chính phủ Syria như Nga và Iran, Bắc Kinh đã hỗ trợ Damascus đầu tư ở quy mô thấp và hỗ trợ nhân đạo, cũng như đã thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc để giúp tái thiết đất nước.

Những khoản viện trợ như vậy thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi nền kinh tế của Syria sụp đổ trong những năm gần đây và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới, thậm chí ngày càng cứng rắn hơn sau những cáo buộc về tội ác chiến tranh của ông Assad.

Các dấu hiệu về một thỏa thuận Trung-Syria tiềm năng đã sớm xuất hiện vào năm ngoái khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Damascus vào tháng 6 năm ngoái và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm cho Tổng thống Assad vào tháng 11. Các quan chức của cả hai nước cũng đã nhiều lần bày tỏ sự đoàn kết với quan điểm của nhau về các vấn đề toàn cầu lớn, bao gồm cả các tranh chấp với Washington.

Không còn lựa chọn nào ngoài tăng cường quan hệ với Syria

Trong bối cảnh ông Assad vẫn nắm chắc quyền lực bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột kéo dài, một số cường quốc trong khu vực đã tiến hành xây dựng lại quan hệ với Syria, bao gồm Bahrain, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Những bên ủng hộ lâu năm của Damascus là Moscow và Tehran cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với chính quyền Syria.

Sau khi Khalil và Feng ký biên bản ghi nhớ, Syria cũng đã tiếp đón các phái đoàn từ cả Nga và Iran vào thứ Tư.

Bản thân ông Assad đã tiếp Bộ trưởng Bộ Xây dựng Thành phố và Đường bộ Iran Rostam Qassemi, kiêm người đứng đầu Ủy ban Kinh tế chung Iran-Syria. Nhà lãnh đạo Syria đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các dự án mới nhằm đạt được lợi ích chiến lược chung của Syria và Iran và liên kết các lĩnh vực kinh doanh ở cả hai quốc gia".

Theo thông báo từ văn phòng tổng thống Syria, "cuộc hội đàm cũng đề cập đến các cách thức để mở rộng các lĩnh vực làm việc song phương trong khu vực công và tư nhân, đồng thời khuyến khích đầu tư chung với mục đích tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực phục vụ lợi ích của hai dân tộc thân thiện".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại