Nga "quên" hai phe quan trọng
Theo Sputnik News, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Caucasus-Trung Đông (Nga) Stanislav Tarasov cho rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Mỹ lần này dường như "thiếu sót" ngay từ khâu đầu tiên.
Ông nhấn mạnh là Moskva đã phạm phải sai lầm lớn khi có sự phân loại ban đầu trong thỏa thuận. Tarasov lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đều có liên quan đến cuộc xung đột ở Syria, cùng với cả Nga và Mỹ.
"Nếu không có sự tham gia của hai nước này [Iran và Thổ Nhĩ Kỳ], thỏa thuận gần như vô giá trị," ông khẳng định.
Thế lực thứ ba
Chuyên gia Nga nhắc lại rằng thỏa thuận đình chiến đã bị phá vỡ bởi cuộc tấn công của Mỹ vào các vị trí của quân đội Ả Rập Syria (SAA) gần Deir ez-Zor cùng với sự hỗ trợ của các máy bay không người lái của Anh.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây lại khăng khăng cho rằng chính cuộc tấn công nhằm vào đoàn viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc hôm thứ 2 mới là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ thỏa thuận.
Điều thú vị hơn là sau đó Washington lại thú nhận rằng Mỹ đã tấn công vào các vị trí của SAA hôm thứ 7, nhưng lại gọi đó chỉ là một "tai nạn".
Theo Tarasov, tình hình phức tạp như hiện tại chính là do sự can thiệp của một "thế lực thứ ba" vào tiến trình hòa bình ở Syria. Và ông tin rằng "thế lực thứ ba" đó chính là Lầu Năm Góc, vốn can dự vào Syria nhằm cản trở nỗ lực của các nhà ngoại giao Mỹ.
"Mặc dù các cuộc chiến ngoại giao [tiếp tục diễn ra] ở Hội đồng Bảo an, Mỹ vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng đáng tin nào về việc đoàn viện trợ nhân đạo [gần Aleppo] bị tấn công bởi các máy bay Nga hay các lực lượng chính phủ Syria có liên quan đến cuộc tấn công."
Ông nhấn mạnh rằng những diễn biến đó càng làm tăng khả năng về sự tồn tại của một "thế lực thứ ba" ở Syria.
Tarasov tin rằng lý do thực tế đằng sau chính sách không nhất quán của Mỹ đó là nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama sắp kết thúc. Trong bối cảnh này, sẽ rất khó để theo đuổi một thỏa thuận toàn diện và bền vững với một chính quyền "sắp mãn nhiệm".
Trong bất kỳ trường hợp nào, dù người kế nhiệm của ông Obama là ai, Hillary Clinton hay Donald Trump, đều sẽ phải xem xét lại chính sách của Mỹ về Syria, vị chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Mục tiêu cơ bản của các cường quốc bên ngoài vẫn là chia rẽ nhóm phiến quân "ôn hòa" với các nhóm thánh chiến cực đoan trên thực địa ở Syria.
Quan điểm của Nga và Mỹ về việc phân loại nhóm phiến quân nào là khủng bố dường như vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong thời gian tới.