Chuyên gia Mỹ: Đàm phán Nga-Mỹ ở Syria chỉ tốn thời gian

Linh Nguyễn |

Nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Fred Kaplan nhận định, lý do đằng sau sự sụp đổ của đàm phán hòa bình ở Syria là do Mỹ và Nga có những mục đích trái ngược nhau.

Vào thứ Hai (3/10), Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đàm phán với Nga về tình hình Syria đã đổ vỡ. 

Không lâu sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh ngừng thực hiện Thỏa thuận sử dụng và quản lý plutonium (PMDA), do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton ký kết năm 2000.

Trên hết, Vladimir Putin muốn giữ Syria làm căn cứ chính trị - quân sự, cũng là căn cứ duy nhất của Nga không thuộc Liên bang Xô viết cũ.

Ông Putin có thể làm được điều này mà không cần giữ lại đương kim Tổng thống Syria Bashar al-Assad - các học giả Nga đều cho rằng Assad rất phiền toái - nhưng lại không tìm được "người kế vị" xứng đáng.

Hơn nữa, Kremlin lo rằng nếu miễn nhiệm Assad, Nhà nước Hồi giáo (ISIS) hoặc các nhóm tương tự sẽ tấn công đánh chiếm Damascus.

Ưu tiên của Obama không nằm ở Syria

Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama theo đuổi nhiều động cơ tại Syria. Obama từng tuyên bố "Assad phải từ chức", dù sau đó ông sửa lại thành mong muốn đạt được sự chuyển giao chính trị dần dần.

Nhưng Obama cũng muốn "làm suy yếu và rồi tận diệt" ISIS. Nói cách khác, Mỹ theo đuổi một cuộc thay đổi chế độ ở Syria, nhưng ông cũng chọn lựa giữa các phe chiến đấu cho cùng một mục đích - ủng hộ các nhóm "ôn hòa" và cực lực phản đối phe thánh chiến.

Tổng thống Mỹ muốn đạt được tất cả mục tiêu - giải quyết được Assad, hỗ trợ một nhóm nổi dậy, và tiêu diệt nhóm còn lại - mà không cần gửi lực lượng quân đội Mỹ (ngoài các nhóm Đặc nhiệm nhỏ), chỉ vì ông không coi Syria là lợi ích quan trọng đối với Mỹ, do đó không muốn bị cuốn vào một cuộc nội chiến phiền phức.

Vấn đề ở chỗ, việc thỏa mãn tất cả những động cơ nói trên có thể là bất khả thi.

Chuyên gia Mỹ: Đàm phán Nga-Mỹ ở Syria chỉ tốn thời gian - Ảnh 1.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AP

Nga là "cửa ra" sáng nhất cho Mỹ

Obama tỏ ra khá miễn cưỡng trong việc đặt ra một ưu tiên chiến lược, vì hành động đó yêu cầu Mỹ phải chọn đứng về một phe.

Nếu mục tiêu là loại bỏ Assad, Mỹ sẽ cần đứng về phía một số nhóm thánh chiến ít thù hận hơn như al-Nusra thay vì ISIS. Nhưng nếu mục tiêu là diệt trừ ISIS, Mỹ lại cần đứng sang phe Nga hoặc Iran, hoặc tiếp tục kéo dài sự cai trị của Assad.

Ngay cả Obama cũng hiểu rằng, hai mục tiêu nói trên đều sai về mặt đạo đức và mạo hiểm về mặt chiến lược, thậm chí có thể hủy hoại Mỹ.

Xung đột ở Syria còn có một khía cạnh "khó nhằn" nữa. Mặc dù lực lượng của Assad có thể loại trừ ISIS và các phe cực đoan khác, chính quyền của Assad lại là thỏi nam châm thu hút chính các phe cực đoan.

Khi Assad còn nắm quyền, các nhóm như ISIS sẽ còn tồn tại. Mặt khác, nếu Assad bị hạ bệ, ISIS sẽ bành trướng.

Nga - "đồng minh" chống khủng bố duy nhất có khả năng bắt Assad "vâng lời" - gần đây đã khẳng định mục tiêu đầu tiên và duy nhất của nước này lại là bảo vệ Assad.

Vậy Obama hoặc người kế nhiệm ông cần làm gì trong tình huống này? Vài cá nhân thúc giục ông Obama đánh bom đường băng của quân đội Syria, nhưng đây sẽ là hành vi khiêu chiến đối với Syria mà có thể dẫn đến xung đột với các nước bảo hộ Assad như Nga và Iran.

Một luồng ý kiến khác, trong đó có Hillary Clinton và Donald Trump, đã đề nghị triển khai vùng cấm bay do không quân Mỹ quản lý, nhằm bảo vệ người dân Syria trước máy bay tiêm kích Nga và Iran.

Thế nhưng, triển khai kế hoạch này đồng nghĩa với việc đầu tư lực lượng rất lớn cả trên không và dưới mặt đất. Mỹ cũng sẽ phải bắn hạ máy bay vi phạm vùng cấm bay (có thể kích động thêm tình trạng bạo lực); và cần tới sự tham gia của nhiều quốc gia, một điều hiện tại đang nằm ngoài tầm với.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại