Đất nước Bolivia xinh đẹp nằm sát ranh giới phía Nam của bang Amazonas của Brazil - một trong những nơi xảy ra cháy rừng dữ dội nhất, trên lãnh thổ của họ cũng có một phần rừng Amazon; Bolivia cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khói bụi phát ra từ đám cháy rừng.
Có thể tưởng tượng ra mức độ ô nhiễm không khí tại Bolivia ra sao, khi ta thấy São Paulo cách đám cháy tới cả ngàn kilomet mà khói bụi vẫn đen kịt trời.
Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales đã nhờ cậy tới sự giúp đỡ của một trong những “chuyên gia” chữa cháy hàng đầu: chiếc máy bay Boeing 747 Supertanker. Nó có thể mang theo 70.000 lít nước hoặc chất chống cháy, lần đầu tiên “tham chiến” là hồi năm 2009 tại Tây Ban Nha, trong một vụ cháy lớn ở Cuenca.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có một chiếc Supertanker duy nhất còn hoạt động. Hiển nhiên một nhân vật lớn như vậy sẽ phải xuất hiện ở đám cháy đang được quan tâm nhất thời điểm hiện tại.
Tập đoàn quản lý chiếc phi cơ chữa cháy cỡ lớn, Global SuperTanker đã chính thức gửi chiếc Boeing 747-400 tới Amazon hôm cuối tuần vừa rồi. Theo những gì Global SuperTanker tuyên bố, chiếc máy bay lớn đã thực hiện thành công ba chuyến chở nước chữa cháy, và đang chuẩn bị cho chuyến thứ tư.
Công sức và công dụng của nó thì rõ rồi. Nhưng Supertanker từ đâu tới?
Chiếc máy bay cứu hỏa sinh ra trong thảm cảnh: đó là mùa cháy năm 2002 tại Mỹ. Sau khi hai chiếc máy bay cứu hỏa khác là Lockheed C-130 Hercules và Consolidated PB4Y-2 Privateer gặp nạn khiến 5 người thiệt mạng, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu lắp đặt một chiếc máy bay cứu hỏa thế hệ mới.
Tổ chức Evergreen International Aviation là đơn vị đầu tiên phát triển những chiếc phi cơ cứu hỏa cỡ lớn, họ lên kế hoạch biến 4 chiếc Boeing 747-200 thành Supertanker, và có thành công đầu tiên vào ngày 19 tháng Hai năm 2004: chiếc Boeing 747 (số hiệu N470EV) trở thành Supertanker và lần đầu tiên lên không.
Nhưng tới tháng Sáu năm 2006, Evergreen đã tiêu tốn tới 40 triệu USD vào dự án này, đang phải chờ Cục Quản lý Hàng không Liên Bang FAA cấp phép, bên cạnh đó phải chờ hợp đồng chữa cháy từ một bên nữa. Đến tháng Mười năm 2006, họ mới có được giấy phép “lắp đặt và tháo dỡ“ hệ thống xả nước cho các Supertanker.
Theo thông tin chính thức từ Evergreen, chiếc Supertanker được trang bị hệ thống xả nước bằng áp lực, có thể đưa nước chữa cháy xuống dưới với tốc độ ngang ngửa tốc độ rơi của nước mưa. Supertanker có thể bay ở độ cao chỉ 120-240 mét, với tốc độ 260 km/h để xả nước chữa cháy.
Hệ thống phun nước tiên tiến, kết hợp với khả năng chứa nước khổng lồ cho phép Supertanker liên tục xả nước cứu hỏa suốt 4,8 km, với bề rộng của “cơn mưa nhân tạo” lên tới 46 mét.
Supertanker có thể bay với tốc độ tối đa 970 km/h, cho phép nó có mặt ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ trong 2,5 tiếng và xuất hiện ở bất cứ vùng trời nào trên Trái Đất trong thời gian dưới 20 tiếng. Nó “trú ngụ” tại sân bay Sacramento McClellan, tọa lạc ở California.
Tới năm 2013, Evergreen gặp vấn đề tài chính, không thể tiếp tục chăm sóc cho Supertanker. Cuối 2013, Evergreen chính thức ngừng hoạt động, họ ký một bản hợp đồng mới, cho phép bên thứ ba, Jet Midwest Aviation, tháo dỡ Supertanker để làm đồ phế thải.
Nhưng tới tháng Tám năm 2015, Global SuperTanker Services (tổ chức thừa kế những di sản của Evergreen Supertanker Services để lại) đã mua toàn bộ thiết bị cũ cũng như mọi tài sản trí tuệ từng thuộc dự án Supertanker của Evergreen (chỉ trừ bộ khung của chiếc 747-100).
Hệ thống chữa cháy đã được lắp vào khung của chiếc Boeing 747-400, biến nó thành chiếc Supertanker duy nhất còn hoạt động.
Lịch sử dài (và đầy trắc trở) của Supertanker không thể làm lu mờ những chiến công trong quá khứ của chiếc máy bay cứu hỏa: nó đã xuất hiện ở Iraq, Chile, Israel để dập những đám cháy lớn nhất nhì lịch sử. Nó cũng góp công lớn trong vụ cháy lớn tại California hồi năm ngoái và giờ, lại một lần nữa Supertanker giúp sức trong vụ cháy rừng Amazon.
Giữa những lời khen cho những đơn vị cứu hỏa mặt đất, bạn cũng hãy ngước lên không để chiêm ngưỡng kỳ quan của ngành cứu hỏa: chiếc Supertanker với khả năng mang theo 70.000 lít nước tới cứu lá phổi xanh của Trái Đất.