Ông Viên Đề Bao lần đầu tiên gặp gỡ tình yêu của đời mình, bà Lý Đan Ni, vào năm 1953 tại trường Y tỉnh Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc.
Bà Đan Ni sinh ra ở Bắc Kinh, là một cô gái xinh đẹp mang hai dòng máu Trung Quốc - Pháp. Ở độ tuổi 24 xuân sắc, Đan Ni đã trở thành cô giáo trẻ dạy tiếng Nga nhất trường Y Chiết Giang, với khả năng nói thông thạo 4 thứ tiếng Trung, Anh, Nga, Pháp.
Bao khi ấy là một lớp trưởng gương mẫu với thành tích học tập luôn nằm đầu bảng. Ông vừa tốt bụng, thông minh, lại hòa đồng nên được các bạn trong lớp và giáo viên hết lòng quý mến.
Càng tiếp xúc nhiều với nhau, cả Đan Ni và Bao đều cảm thấy đối phương rất tâm đầu ý hợp, rồi cả hai dần dà nảy sinh tình cảm từ lúc nào không hay.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012, ông Bao nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy bà Đan Ni: “Bà ấy mặc một bộ đồ giống hệt như nữ thần lướt đi trong làn gió. Bọn con trai chúng tôi cứ thộn hết cả mặt ra vì không thể rời mắt khỏi nàng”.
Ông Bao là con trai của một mục sư ở Hạ Môn. Vì đã quá tuổi kết hôn theo tục lệ trong làng nên ông đã phải gật đầu đồng ý một hôn sự do gia đình sắp xếp.
Mặc dù vào thời điểm đó, việc hẹn hò giữa giáo viên và học sinh là một sự cấm kỵ nhưng tình cảm của ông Bao và cô giáo dạy tiếng Nga xinh đẹp vẫn không thể dập tắt.
Ngoài những lúc gặp ở trường họ đều dành rất nhiều thời gian để ở cạnh nhau, cùng nhau đi dạo rồi ông Bao lại tiễn bà Đan Ni về tận nhà. Gia đình bà thấy ông hiền lành, chất phác nên cũng rất quý mến và ủng hộ cho mối quan hệ của hai người.
Trong một buổi đi dạo ở Hàng Châu, ông Bao đã hát một bài bày tỏ tình cảm với bà Đan Ni. Cô giáo mặt đỏ lựng e ấp cũng hát đáp lại một bài bằng tiếng Nga. Vì không thể hiểu hết lời bài hát, về đến nhà, ông Bao đã vội chạy ngay vào phòng lôi từ điển ra tra.
“Lời bài hát của bà ấy như thế này: Cánh đồng bên dòng sông, hoa dâu tây đua nở. Một chàng trai trẻ đã lấy đi trái tim tôi, nhưng tôi không thể nói với anh ấy. Tôi không thể tiết lộ trái tim mình…”, ông Bao kể lại. “Và đó là lúc tôi hiểu được tình cảm của bà ấy dành cho mình”.
Tuy nhiên, ông Bao cũng không thể nào quên được mình là đàn ông đã có vợ, mình cần phải có trách nhiệm với người vợ ở quê nhà. Tình yêu với bà Đan Ni say đắm bao nhiêu thì ông Bao lại bị giằng xé giữa hạnh phúc và mặc cảm tội lỗi bấy nhiêu.
Đến năm 1954, trước khi theo trường học chuyển về Thành Đô, ông Bao thu hết can đảm thú nhận với bà Đan Ni tất cả mọi chuyện, và ông cũng mong rằng bà sẽ tìm được hạnh phúc với một người đàn ông khác tốt hơn ông.
“Tôi cảm giác được rằng ông ấy giấu diếm chuyện gì đó nhưng rồi tôi cũng chẳng mấy để tâm”, bà Đan Ni kể.
Phải mất nhiều ngày sau bà Đan Ni mới vượt qua được cơn sốc đó. Bà vẫn còn rất yêu ông, nhưng bà cũng không thể ích kỷ, giành lấy hạnh phúc trên nỗi đau khổ của một người phụ nữ vô tội khác. Vậy là họ chia tay nhau.
Năm 1956, gia đình bà Đan Ni di dân sang Pháp. Tuy rằng không thể trở thành bạn đời của nhau, hai ông bà vẫn xem nhau như những người bạn tri kỷ. Họ thường xuyên thư từ qua lại trong suốt nhiều năm trời.
Những năm tháng bỡ ngỡ trên vùng đất mới, chính nhờ sự ủng hộ từ những là thư của ông Bao, bà Đan Ni mới có thể tiếp tục mạnh mẽ cố gắng. Ông Bao thường kể cho bà nghe về cuộc sống gia đình mình, về sự hạnh phúc khi ông được làm bố…
Cho đến giai đoạn Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc bùng lên mạnh mẽ, những lá thư liên tục bị trả lại khiến cho họ từ mất liên lạc. Suốt từng đó năm, vậy mà bà Đan Ni vẫn luôn ôm ấp hình bóng của ông Bao trong tim chưa từng thay đổi.
Bà nói: “Tôi không thể mở lòng với ai cả. Trong lòng tôi chỉ có tình cảm đối với ông ấy là chân thành và sâu sắc nhất, không ai có thể sánh được”.
Cuối cùng đến năm 2010, sau khi kể lại câu chuyện tình yêu thời trai trẻ và những hối tiếc trong cuộc đời cho một người con dâu, ông Bao đã được cô động viên tìm cách để liên lạc lại với người bạn tri kỷ thất lạc.
“Tôi thật sự xúc động khi nghe ông kể lại câu chuyện đó. Mẹ chồng của tôi cũng đã mất từ năm 1994 rồi vậy nên tôi đã khuyên ông hãy viết thư lại cho bà Đan Ni”, con dâu của ông Bao chia sẻ.
Ông Bao lúc bấy giờ đã 82 tuổi. Mặc dù thỉnh thoảng ông vẫn thường đến thăm những nơi chốn ông bà từng lui tới ở Hàng Châu, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có thể nối lại liên hệ với người tri âm.
Lời đề nghị của cô con dâu như đã đánh thức những kỷ niệm và tình cảm từ sâu kín trong lòng ông. Vậy là ông Bao đã thức nhiều đêm liền để viết 5 lá thư gửi về địa chỉ nhà cuối cùng của bà Đan Ni.
"Con dâu nói với tôi rằng người Pháp thường rất ít chuyển nhà, vì vậy tôi đã viết 5 lá thư, trong đó có lá bằng tiếng Trung gửi cho Đan Ni và một lá thư khác bằng tiếng Anh gửi cho người thân của bà ấy để phòng hờ trường hợp chẳng may bà ấy đã qua đời.
Trong thư tôi tự giới thiệu là một sinh viên cũ đồng thời là bạn của Đan Ni, và tôi muốn biết hiện giờ Đan Ni đang ở đâu".
“Tại sao lại là 5 lá thư? Bởi vì nếu sai địa chỉ, tôi nghĩ người đưa thư sẽ rất tò mò vì sao lại gửi nhiều lá thư như vậy, và có thể anh ta sẽ mở thư ra và giúp tôi tìm lại Đan Ni".
17 ngày sau khi gửi lá thư đầu tiên, ông Bao rưng rưng xúc độc khi nhận được hồi âm từ cố nhân. “Cám ơn trời, bà ấy vẫn còn sống!”
Bà Đan Ni suốt bao nhiêu năm nay vẫn sống độc thân với tình yêu dành cho ông Bao chưa từng phai mờ. Hai ông bà tiếp tục gửi thư trao đổi thường xuyên như ngày xưa.
Đến tháng 5 năm 2010, ông Bao mời bà về Hạ Môn chơi và nói là tùy bà muốn sống với ông đến cuối đời hay chỉ qua thăm thôi cũng được. Ngày bà trở về, ông Bao và gia đình đón bà ở sân bay. Trên tay ông ôm 55 đóa hồng đỏ tặng bà, tượng trưng cho 55 năm họ xa cách.
Không muốn phí phạm thêm một giây phút nào nữa, ông Bao cầu hôn bà Đan Ni trong sự ủng hộ nhiệt liệt của gia đình. Bà Đan Ni, 83 tuổi, hạnh phúc gật đầu đồng ý, gương mặt ửng hồng cũng giống cô Đan Ni tuổi đôi mươi năm xưa.
ọ làm thủ tục kết hôn ngày 21 tháng 9, một ngày trước Tết Trung Thu – tết đoàn viên theo truyền thống của người Trung Quốc. Sau đó, lễ cưới của ông bà được tổ chức long trọng vào ngày 26/9/2010.
Hơn 5 thập kỷ mới được đoàn tụ, đầu tóc của ông bà đã bạc trắng, ông còn phải sử dụng máy trợ thính để giao tiếp nhưng tình cảm của họ vẫn thắm thiết như chưa từng chia xa.
Bà nói: "Cái gì đã qua thì cũng qua rồi, chúng tôi muốn được bên nhau đến hết cuộc đời này. Tôi thì mắt kém còn Bao thì lãng tai. Tôi làm đôi tai cho anh ấy và anh ấy là đôi mắt của tôi".
Hai ông bà dọn về cùng sống tại nhà người con trai thứ 3 của ông Bao. Ngày ngày, ông bà đưa nhau đi dạo, ông lại ngâm nga hát bài hát họ yêu thích Ngày chúng ta còn trẻ, giống như những ngày xưa...
Vào ngày 19/10 vừa qua, ông Bao, 90 tuổi, đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ấm áp của người phụ nữ mà ông yêu thương nhất. Ông bà đã có 7 năm bên nhau thật hạnh phúc.
"Ngày chúng ta còn trẻ. Một buổi sáng tháng 5 tuyệt vời. Em nói với anh rằng em yêu anh. Ngày chúng ta còn trẻ..."
(Nguồn: chinadaily, scmp)