Con trai giàu có đưa mẹ đi khám răng
Có một người đàn ông giàu có đưa mẹ già đến phòng khám răng. Vì tuổi đã cao, răng cụ cũng đã rụng gần hết nên bác sĩ gợi ý cụ nên lắp một hàm răng giả cho tiện trong việc sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên người mẹ nhất định chỉ mua loại rẻ nhất cho dù bác sĩ đã ra sức giới thiệu rằng, mua loại đắt một chút chất lượng sẽ tốt, dùng sẽ bền hơn, dễ chịu hơn.
Người con trai đứng nghe, không có bất cứ phản ứng gì, chỉ mải tập trung vào việc gọi điện thoại chứ chẳng hề nghe bác sĩ nói.
Về sau, không thuyết phục được sự dứt khoát của bà cụ, bác sĩ đành đồng ý với đề nghị mua hàm răng rẻ tiền nhất của "vị thượng đế khó tính".
Run rẩy móc chiếc túi vải nhỏ từ trong túi áo ra, bà cụ lật giở từng lớp, từng lớp giấy bọc, cuối cùng bà mới lấy được tiền ra đặt cọc cho bác sĩ và hẹn một tuần nữa sẽ quay lại lắp răng giả.
Ảnh minh họa.
Xong việc, người con trai đưa mẹ ra khỏi phòng khám. Những tiếng xì xào bàn tán, chê trách người con trai bắt đầu xuất hiện, rằng nhìn anh ta ăn mặc bảnh bao lịch sự, hút sì gà đắt tiền... vậy mà không nỡ bỏ tiền ra mua cho mẹ một hàm răng giả tốt...
Thế nhưng đúng lúc đó, người con trai bà cụ đột nhiên quay lại, nói với bác sĩ: "Bác sĩ, phiền anh cứ lắp cho mẹ tôi hàm răng giả tốt nhất, mọi chi phí tôi sẽ trả, đắt rẻ không thành vấn đề nhưng bác sĩ đừng nói gì với mẹ tôi. Mẹ tôi là người rất tiết kiệm, tôi không muốn bà không vui".
Lời bình sau mẩu chuyện ngắn
Mẩu chuyện trên dù rất ngắn nhưng đã có thể truyền đạt đến bạn đọc hai thông điệp rất rõ ràng:
Thứ nhất, chớ vội đánh giá một ai đó qua bề ngoài, thậm chí là cả hành động, vì đôi khi, họ buộc phải hành động khác hoặc trái với mong muốn của bản thân.
Hãy cho người khác thêm một chút thời gian, cũng là để cho chính bản thân chúng ta một chút không gian để quan sát, nhìn nhận vấn đề. Hãy đừng vội vàng, có thể chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều tốt đẹp hơn từ họ so với những suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu.
Thứ hai, câu chuyện là bài học thâm thúy, sâu sắc về lòng hiếu thảo, đạo làm con ở đời. Hãy biết đền đáp công ơn của bố mẹ, có thể chẳng phải việc gì đó quá to tát, chỉ cần những hành động thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ mà thôi.
Nhân đọc đến câu chuyện này, tôi bất giác nhớ lại một câu chuyện khác của một cô gái trẻ người Trung Quốc mà cá nhân tôi tin rằng những người làm con sau khi đọc xong sẽ phải ngẫm nhiều hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình.
Nhờ mẹ đánh thức và cảnh tượng khiến người con phát khóc
Tôi lên giường cũng đã là 11h đêm. Khi đó, bên ngoài cửa sổ, tuyết rơi nhẹ. Tôi co mình lại trong chăn, với tay với chiếc đồng hồ hẹn giờ mới biết nó đã ngừng chạy từ khá lâu. Hết pin mất rồi!
Trời lạnh thế này, tôi không muốn ra khỏi nhà chút nào. Để "chữa cháy", tôi gọi điện thoại cho mẹ: "Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi. Mai công ty con có cuộc họp, con phải đi sớm, 6h sáng mai mẹ đánh thức con dậy nhé."
Ở đầu dây bên kia, giọng mẹ có chút khàn khàn, chắc bà đã đi ngủ từ sớm: "Ừ, được rồi, ngủ đi con ngoan."
Sáng sớm hôm sau, điện thoại rung đúng lúc tôi đang mơ một giấc mơ đẹp. Bên ngoài, trời tối om. Ở đầu dây bên kia, mẹ nói: "Con gái, mau dậy đi, hôm nay có cuộc họp đấy."
Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, mới có 6h kém 15 phút. Bất giác, tôi trở nên cáu kỉnh: "Mẹ, con đã bảo mẹ gọi lúc 6h cơ mà. Con muốn ngủ thêm một chút mà giờ đã bị mẹ đánh thức dậy rồi."
Đầu dây bên kia đột nhiên im ắng, mẹ không nói gì thêm, tôi cũng cúp máy.
Ảnh minh họa.
Dậy đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân xong, tôi ra khỏi nhà. Trời thật lạnh, tuyết rơi rộng khắp, trời đất một màu ảm đạm. Đứng chờ xe buýt, tôi liên tục xoa tay, cử động hai chân cho ấm người.
Đứng cạnh tôi khi đó là hai người lớn tuổi tóc đã bạc trắng. Tôi nghe thấy tiếng ông lão nói với vợ: "Bà xem cả đêm bà ngủ không ngon giấc, giục tôi dậy từ rõ sớm, giờ thì phải đứng đây đợi lâu thế này đây."
Đúng rồi, chuyến xe đầu tiên còn 5 phút nữa mới đến cơ mà.
Cuối cùng, chiếc xe cũng xuất hiện. Tôi bước lên xe. Tài xế là một thanh niên còn khá trẻ. Đợi tôi lên xe, anh ta liền đóng cửa cho xe chạy.
Tôi vội nói: "Này anh ơi, bên dưới còn có hai người cao tuổi, trời lạnh thế này, họ cũng đợi lâu lắm rồi, sao anh không đợi họ lên mà đã cho xe chạy?"
Người thanh niên đó trả lợi giọng điệu rất hào hứng: "Không sao đâu, họ là bố mẹ của tôi đấy! Hôm nay là lần đầu tiên tôi lái xe buýt, họ đến xem tôi làm việc thế nào!"
Đột nhiên tôi cảm thấy cay mắt, nước mắt sau đó cứ thế rơi. Bố gửi tin nhắn đến: "Con gái, mẹ nói mẹ không tốt, cả đêm mẹ ngủ không được ngon giấc nên dậy sớm. Mẹ lo con bị muộn giờ."
Sau tin nhắn của bố, tôi nghĩ ngay đến câu ngạn ngữ của người Do Thái: Khi bố mẹ cho con cái thứ gì đó, con cái cười. Khi con gái cho bố mẹ một thứ gì đó, bố mẹ khóc.