Những năm 1966 - 1967, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng biển Nam Định. Ở đây có những cửa sông đổ ra biển: Cửa biển Ba Lạt, cửa sông Ninh Cơ...
Đây là những điểm kiểm tra của máy bay Mỹ khi bay ra đánh miền Bắc và là nơi trút bom, đạn còn lại trước khi hạ cánh xuống hạm tàu. Vùng biển Hải Thịnh (huyện Hải Hậu, Nam Định) lại nằm ngay cửa sông Ninh Cơ, nên thường bị oanh tạc của máy bay địch.
Xóm làng tan nát! Cây cối, nhà cửa tan hoang. Bà con sống trong những túp lều hoặc lấn sâu vào lòng đất. Nhân dân ở đây gái cũng như trai, trẻ cũng như già đều là những chiến sĩ vừa sản xuất, vừa đánh giặc.
Khẩu súng phòng không bắn rơi máy bay F-4 của dân quân xã Hải Thịnh (huyện Hải Hậu) được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Ảnh Văn Nhuận.
Trung đội dân quân của xã Hải Thịnh được trang bị các khẩu súng máy 12,7mm và hỏa lực trung liên, đại liên. Các khẩu đội thay nhau trực chiến cả ngày lẫn đêm. Trời chạng vạng tối là các phân đội hò nhau di chuyển, ngụy trang trận địa để bảo đảm an toàn bí mật.
Là địa điểm xung yếu, quan trọng nên quân khu tăng cường cho Hải Thịnh một đơn vị pháo phòng không, một trung đội gồm hai khẩu đội pháo 122mm nằm trong Tiểu đoàn Pháo bờ biển 66 do Trung đội trưởng Phạm Quang Tuấn chỉ huy.
Sáng sớm ngày 15/1/1966, từng tốp máy bay Mỹ vào đánh phá Nam Hà. Khi trở về, theo thông lệ, tốp máy bay tới vùng trời Hải Thịnh, hai chiếc tách đội lao xuống trút nốt số bom còn lại. Chớp thời cơ chúng hạ thấp độ cao để thả bom, pháo phòng không lập tức khai hỏa, cùng lúc các khẩu đội súng máy 12,7mm của dân quân xã Hải Thịnh lên tiếng.
Mấy mũi lao lửa rạch trời bay lên xoắn lấy chiếc F-4 Phantom (mệnh danh Con ma). Không thấy lửa bùng lên, mà chiếc F-4 tan ra từng mảnh vụn, rơi lả tả xuống đất, xuống biển. Chiếc máy bay thứ hai và cả tốp hốt hoảng, tháo chạy ra biển. Bà con Hải Thịnh rời khỏi công sự, hò reo vang trời, rủ nhau đi thu gom xác máy bay Mỹ mang về Ủy ban xã.
Các chi tiết của hiện vật vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh Văn Nhuận.
Hình ảnh cô dân quân miền biển Hà Thị Nhiên chớm tuổi đôi mươi, trẻ trung, xinh đẹp, vai đeo súng, dáng vóc khỏe mạnh, nghiêng người kéo mảnh xác chiếc F-4 ngay trên mép nước biển. Bóng cô đổ dài trên bãi biển.
Hình ảnh cô được nhà nhiếp ảnh Quang Văn thu ngay vào ống kính. Sau đó, bức ảnh đã đoạt Huy chương vàng tại triển lãm ảnh quốc tế tại Béc-lin tháng 3/1970 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Với những cố gắng không biết mệt mỏi, dân quân xã Hải Thịnh lại lập công xuất sắc. Sáng ngày 14/3/1968, lợi dụng sương dày đặc, một chiếc cường kích A-6A Intruder (mệnh danh Kẻ xâm nhập) từ biển hạ độ cao xuống 500m, luồn vào cửa sông Ninh Cơ thả thủy lôi.
Nhưng hành động của địch không qua mắt được các chiến sĩ tổ trực chiến đã bao ngày đêm kiên trì bám trận địa, các khẩu đội 12,7mm cùng bộ binh đồng loạt nhả đạn: Chiếc A-6A bị trúng đạn, nâng độ cao, bốc cháy ngun ngút, lao về phía Tây nam Hòn Mê (Thanh Hóa). Ngày 12/4/1968, quân và dân xã Hải Thịnh lại lập chiến công mới, bắn cháy thêm một máy bay Mỹ.
Hiện vật thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh tư liệu.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 3/3/1973, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Thịnh (xã Hải Hậu) được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Hiện nay, một khẩu súng phòng không 12,7mm của dân quân xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu lập thành tích bắn rơi máy bay Mỹ được trưng bày tại khu trưng bày trong nhà Bảo tàng Quân khu 3 (số đăng ký BTQK3: 367-KL-234) là một hiện vật tiêu biểu thường thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu.