Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Kênh CNN cho biết đây là số tiền Sudan đền bù cho các nạn nhân và gia đình những cá nhân chịu ảnh hưởng bởi vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya năm 1998, vụ tấn công tàu USS Cole năm 2000 cũng như trường hợp sát hại một nhân viên Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Khartoum.
Ngoại trưởng Blinken nêu rõ: “Việc nhận đền bù cho những nạn nhân này là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao. Chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ họ tìm giải pháp cho bi kịch tồi tệ đã xảy ra”.
Sudan đền bù hàng trăm triệu USD để được Mỹ xóa tên khỏi danh sách những quốc gia bảo trợ khủng bố. Do nằm trong danh sách này nên Sudan chịu nhiều hạn chế về xuất khẩu.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã bỏ Sudan ra khỏi danh sách sau tháng 10/2020 - khi Khartoum chuyển 335 triệu USD tới một tài khoản ủy thác, đồng thời chấp thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Số tiền sẽ nằm trong tài khoản ủy thác cho đến khi Sudan đạt được quyền miễn trừ quốc gia đồng nghĩa với việc không bị kiện tại tòa án liên bang. CNN dẫn nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số tiền 335 triệu USD đã được chuyển từ tài khoản ủy thác vào ngày 11/3.
Ngoại trưởng Blinken ngày 31/3 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển đến quốc hội chứng nhận khôi phục quyền miễn trừ quốc gia cho Sudan chiểu theo Đạo luật Thỉnh cầu Nghị quyết Sudan có hiệu lực từ tháng 12/2020.
Ông Blinken hoan nghênh nỗ lực của Sudan và nói: “Mối quan hệ Mỹ-Sudan có thể khởi đầu một chương mới. Chúng tôi kỳ vọng mở rộng mối quan hệ song phương và tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ chuyển giao do người dân dẫn đầu để mang lại tự do, hòa bình cùng công lý tới nhân dân Sudan”.
Trong vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) năm 1998 do al Qaeda tiến hành, đã có trên 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Khi đó, Sudan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Omar al-Bashir đã chấp thuận để Osama bin Laden tạm trú.
Tháng 10/2000, tàu USS Cole bị tấn công khi ở ngoài khơi Yemen để tiếp liệu khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 39 người khác bị thương. Năm 2014, tòa án Mỹ kết luận Sudan đã hỗ trợ al Qaeda thực hiện vụ tấn công này.
Đến năm 2008, một nhân viên của USAID có tên John Granville đã bị ám sát tại Khartoum.