Sức mạnh vượt trội của Ai Cập trước đối thủ xây siêu đập thủy điện trên sông Nile

Đăng Nguyễn |

Giới chức Ai Cập và Ethiopia đều đưa ra tuyên bố cứng rắn sau khi Ethiopia khẳng định nước này sẽ chặn dòng sông Nile để tích nước cho hồ thủy điện mới mà không cần sự cho phép của các nước láng giềng.

Sức mạnh vượt trội của Ai Cập trước đối thủ xây siêu đập thủy điện trên sông Nile - Ảnh 1.

Ethiopia từng "nổi đóa" khi Ai Cập mua hai tàu sân bay trực thăng của Pháp.

Trả lời phỏng vấn với AP hồi tuần trước, Ngoại trưởng Ethiopia Gedu Andargachew khẳng định nước này vẫn sẽ chặn dòng sông Nile để tích nước cho đập Đại Phục Hưng trị giá 4,6 tỉ USD, dù Ai Cập có đồng ý hay không.

“Chúng tôi cần phải tận dụng khoảng thời gian mùa mưa sắp tới để tích nước cho hồ thủy điện, đàm phán được hay không giờ không còn quan trọng”, ông Andargachew nói.

“Chúng tôi tự trả số tiền khổng lồ xây đập, nếu chờ thêm thì con đập sẽ bị trì hoãn ngày chính thức phát điện. Chúng tôi không xin Ai Cập bất cứ thứ gì”, ông Andargachew nói thêm, nhấn mạnh rằng Ethiopia đã chủ động đề xuất kéo dài thời gian tích nước để giảm bớt ảnh hưởng đến Ai Cập ở vùng hạ lưu.

Ông Andargachew nói Ai Cập đang phóng đại mức độ nghiêm trọng của đập Đại Phục Hưng và cảnh báo quân đội Ethiopia sẽ đáp trả mọi hành động thù địch của Ai Cập nhằm vào con đập.

Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Ethiopia, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi, người mang hàm Nguyên soái, ám chỉ hành động quân sự để đối phó với mối đe dọa trong khu vực, bao gồm vấn đề nội chiến Libya và căng thẳng với Ethiopia

Ông Sisi nói với lực lượng không quân: Hãy sẵn sàng cho các nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới, thậm chí vượt ra ngoài biên giới, nếu cần thiết”.

Sức mạnh vượt trội của Ai Cập trước đối thủ xây siêu đập thủy điện trên sông Nile - Ảnh 2.

Ai Cập là khách hàng đầu tiên mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp.

“Quân đội Ai Cập rất mạnh, một trong những lực lượng đáng gờm nhất ở châu Phi. Đội quân này không đưa ra lời đe dọa, không gây hấn nhưng khi cần thiết sẽ làm mọi cách để ngăn chặn mọi mối đe dọa với quốc gia”, ông Sisi nói.

Theo tờ Daily News Egypt, Ai Cập sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội hoàn toàn so với Ethiopia. Nhưng Cairo đang không còn nhiều lựa chọn vì Ethiopia đã xây gần xong con đập, chỉ cần chờ tích nước để đưa tổ máy phát điện vào hoạt động trong năm nay.

Ngoài ra, Ai Cập đang lo ngại bất ổn ở Libya nhiều hơn, quốc gia có chung đường biên giới phía tây với Ai Cập.

Theo thống kê của Global Fire Power, quân đội Ai Cập xếp thứ 9 trong danh sách cường quốc quân sự toàn cầu. Ngược lại, Ethiopia chỉ xếp thứ 60.

Không quân Ai Cập sở hữu tới 1.054 máy bay quân sự, bao gồm 215 chiến đấu cơ, 59 máy bay vận tải, 388 máy bay huấn luyện và 294 trực thăng.

Ethiopia chỉ sở hữu 86 máy bay, trong đó có 24 chiến đấu cơ, 9 máy bay vận tải và 33 trực thăng.

Ở trên đất liền, Ai Cập có 4.000 xe tăng, 10.000 xe bọc thép, 1.000 pháo tự hành và 2.189 pháo kéo, trong khi quân đội Ethiopia chỉ có 400 xe tăng và 650 khẩu pháo.

Sức mạnh vượt trội của Ai Cập trước đối thủ xây siêu đập thủy điện trên sông Nile - Ảnh 3.

Quân đội Ai Cập sở hữu sức mạnh "không có đối thủ" ở châu Phi.

Hải quân Ai Cập sở hữu hai tàu sân bay trực thăng, 4 tàu ngầm, 9 khinh hạm và 50 tàu tuần tra cùng nhiều tàu quân sự khác. Ai Cập là quốc gia châu Phi duy nhất sở hữu tàu sân bay trực thăng mua của Pháp.

Ngược lại, vì là quốc gia bao quanh bởi đất liền, Ethiopia không có hải quân.

Ngân sách quốc phòng hàng năm của Ai Cập lên tới 11,2 tỉ USD còn Ethiopia chỉ là 350 triệu USD.

Quân đội Ai Cập hiện có 920.000 binh sĩ, bao gồm 480.000 quân dự bị. Ethiopia chỉ có 162.000 quân và không có quân dự bị.

Lợi thế duy nhất của Ethiopia trước Ai Cập là yếu tố địa hình. Ethiopia có vùng đệm là quốc gia Sudan, không trực tiếp giáp biên giới Ai Cập.

Các chiến đấu cơ Ai Cập muốn tấn công đập Đại Phục Hưng cần phải vượt qua không phận Sudan. Các tàu chiến Ai CẬp cũng có thể xuôi theo Biển Đỏ để tới vị trí phóng tên lửa tấn công Ethiopia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại