Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 nhưng không phải tàng hình

Tiến Thành |

Hàn Quốc vừa thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm với tiêm kích thế hệ 5 KF-21 Boramae phiên bản 2 chỗ ngồi.

Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 nhưng không phải tàng hình - Ảnh 1.

Tiêm kích KF-21 Boramae thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm.

Chuyến bay thử nghiệm được thực hiện hôm 20/2, chiếc KF-21 Boramae phiên bản 2 chỗ ngồi cất cánh từ sân bay thử nghiệm Sacheon của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 300km về phía nam.

"Chuyến bay kéo dài 34 phút, tốc độ trung bình hơn 400km/h đã hoàn thành mọi mục tiêu đề ra trước đó", tuyên bố của nhà sản xuất Hàn Quốc.

Nhiều tính năng của dòng chiến đấu cơ này vẫn được Hàn Quốc bảo mật nhưng theo đánh giá của tờ Defense News, KF-21 Boramae là dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 có nhiều điểm tương đồng với F-35 của Mỹ.

Nhưng điều làm nên sự khác biệt của KF-21 so với tiêm kích thế hệ 5 Mỹ là chúng không được ưu tiên cho tính năng tàng hình. Chính vì vậy, KF-21 (cả bản 1 và 2 chỗ ngồi) đều không được thiết kế khoang vũ khí trong thân như F-22 và F-35.

Tất cả vũ khí chúng mang theo đều được gắn ở mấu treo dưới bụng và hai bên cánh. Khi làm nhiệm vụ đánh chặn, KF-21 có thể mang theo 8 tên lửa thông minh Meteor, điều này cho thấy Hàn Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Á sử dụng vũ khí tối tân này.

Khi làm nhiệm vụ đánh đất, KF-21 sử dụng tên lửa hành trình phóng từ đường không Cheon Ryong (ALCM) do Hàn Quốc tự phát triển. Ngoài ra, KF-21 còn có thể mang theo hầu hết các loại bom đạn hiện có trong Không quân Hàn Quốc.

Tờ Defense News cho rằng, không chỉ có khả năng thay thế hàng trăm máy bay chiến đấu trong các phi đội của Hàn Quốc, chiến đấu cơ KF-21 còn hứa hẹn là mặt hàng quân sự có tiềm năng xuất khẩu lớn bởi giá của nó dự kiến thấp hơn nhiều so với tiêm kích F-35.

Hiện Thái Lan, Philippines, thậm chí Iraq có thể trở thành khách hàng hàng đầu của dòng máy bay này. Bởi cả 3 quốc gia trên đều vận hành những loại máy bay chiến đấu tương tự như những loại mà KF-21 sẽ thay thế trong phi đội của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ba quốc gia này cũng là khách hàng mua máy bay tấn công hạng nhẹ của Hàn Quốc.

Dữ liệu từ Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đã tăng cao hơn 210% so với 5 năm trước đó, đưa quốc gia này chiếm 2,7% thị phần của thị trường vũ khí toàn cầu.

Hàn Quốc có kế hoạch tự xây dựng năng lực giám sát, trinh sát, khả năng tác chiến điện tử, tăng cường hệ thống phòng không, chế tạo các loại vũ khí dẫn đường mạnh mẽ, xây dựng hệ thống vệ tinh định vị độc lập và đảm bảo năng lực chiến tranh không gian.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu gia nhập danh sách 7 quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không toàn cầu vào năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại