Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết bên lề Triển lãm IDEX 2023 tại Abu Dhabi rằng nước ông muốn mua tiêm kích Rafale của Pháp để thay thế những chiếc MiG-29 được chuyển giao từ Nga.
Như chính ông Vucic đã giải thích, sau tháng 2 năm 2022, việc mua các bộ phận máy bay do Liên bang Nga sản xuất trở nên bất khả thi và Serbia muốn có tiêm kích sẵn sàng chiến đấu để đảm bảo an ninh cho chính mình, tờ Bloomberg cho biết.
Như ấn phẩm Mỹ lưu ý, giá trị tiềm năng trong hợp đồng giữa Belgrade với Tập đoàn Dassault của Pháp có thể lên tới tổng cộng 3 tỷ Euro. Một "danh mục đơn đặt hàng" gần đúng đã được công bố vào tháng 4 năm 2022 - tối thiểu 12 máy bay.
Tiêm kích đa năng Rafale do Tập đoàn Dassault của Pháp sản xuất.
Thoạt nhìn, tiêm kích Rafale có vẻ"không đáng đồng tiền bát gạo" đối với Serbia. Mặc dù quốc gia này có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thêm 0,7 tỷ USD, lên mức 2,2 tỷ USD, nhưng số tiền này sẽ chủ yếu dành cho việc mua thêm 200 đơn vị xe bọc thép, cung cấp hệ thống robot và tăng lương cho quân nhân.
Nhưng có vẻ như trong câu chuyện này, Serbia chỉ đơn giản là tìm thấy một lý do chính đáng để thay đổi trọng tâm từ Nga sang Pháp về mua sắm vũ khí mà không để lại bất kỳ hậu quả cụ thể nào.
Ví dụ, vào tháng 10 năm 2021, Bộ Quốc phòng Serbia đã đồng ý với Tập đoàn Airbus về việc giao 2 máy bay vận tải C295 và có thể mua thêm trực thăng đa dụng H245.
Số liệu của Military Balance 2022 chỉ ra rằng Lực lượng vũ trang Serbia có tổng cộng 14 máy bay chiến đấu MiG-29, trong đó có 3 chiếc thuộc phiên bản huấn luyện MiG-29UB.
Những tiêm kích này không được đánh giá cao so với chiến đấu cơ phương Tây sản xuất, hay thậm chí là so với chính những chiếc MiG-29 mà Quân đội Nga đang sử dụng.
Nếu được bổ sung tiêm kích Rafale, sức mạnh của Không quân Serbia chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, đây cũng là tiền đề nhằm giúp quốc gia vùng Balkan này hội nhập sâu hơn với châu Âu.