Nhưng không phải mọi thứ diễn ra dễ dàng như cách người Đức nghĩ. Các lực lượng Đức Quốc Xã đã sửng sốt trước một loại chiến tăng mới toanh của Liên Xô, T-34, đã tấn công quân Đức hệt như "một quái vật thời Tiền Sử".
Chiến tăng T-34 trở thành thứ gây khiếp hãi cho các vũ khí của quân Đức khi chúng hủy diệt xe tăng quân thù dễ như bỡn. Chỉ huy tăng Panzer, tướng Heinz Guderian đã tỏ ra cay đắng khi nhìn thấy sự tổn thất nặng nề do T-34 gây ra, và nhận ra rằng cuộc chơi đã thay đổi, vũ khí mới của người Liên Xô đã bỏ xa 2 loại tăng mà người Đức đặt hết hy vọng vào là Panzer III và Panzer IV. Tướng Guderian từng viết: "Cho đến thời điểm đó, chúng tôi từng vỗ ngực kiêu hãnh với ưu thế tăng của mình, giờ thì cục diện đã đảo ngược. Còn đâu những chiến thắng giòn giã, thần tốc nữa khi tất cả mờ dần".
Những chiếc chiến tăng thép có khổ hình đồ sộ với pháo, súng đã giúp khép lại số phận của nền Đệ tam đế chế, và 80 năm sau đó, tăng T-34 vẫn tiếp tục tung hoành trên sa trường. Nhưng với trọng lượng nặng tới 26 tấn cũng là một nghịch lý với tăng T-34, một số chuyên gia vũ khí cũng cảnh báo rằng T-34 không gì khác là một cái bẫy chết chóc được chế tạo vội vàng. Sự thật có lẽ nằm ở khoảng giữa đâu đó.
"Quái vật sắt" trên sa trường
Nhiều năm trước khi nổ ra Chiến dịch Barbarossa, loại chiến tăng T-26 của Liên Xô đã vượt mặt các loại chiến tăng Đức và Ý trong suốt cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Nhưng cũng từ đó chúng đã bộc lộ ra những nhược điểm không thể chấp nhận được.
Vấn đề lớn nhất là loại tăng T-26 quá dễ bị diệt bằng các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ, cũng như dễ bị nổ tung bởi các loại vũ khí ứng biến như các loại chai cháy (Molotov cocktail). Ngay từ năm 1937, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Kliment Voroshilov đã viết nhận xét về tăng T-26: "Những loại tăng này dù không gặp thất bại nhưng cũng dễ tổn thất nặng nề".
Chiến tăng T-34 được sản xuất tại Nhà máy máy kéo Chelyabinsk trong suốt Đại chiến thế giới II.
Không nao núng, các nhà lập kế hoạch quân sự của Hồng quân đã vạch ra những thông số kỹ thuật cho một loại tăng hạng trung mới mẻ nặng 26 tấn, nó sẽ là loại tăng chạy nhanh, linh động và cũng dễ bảo vệ. Chiến tăng mới cũng sẽ lắp đặt một khẩu pháo lớn hơn so với tăng T-26, tăng khả năng cơ động cho tăng khi đánh chiếm các công sự cũng như diệt tăng địch.
Đó là một khái niệm mang tính cách mạng. Trước đây, các loại tăng thường là những chiến xa nhanh hoặc thiết giáp hạm nhưng chúng cũng mỏng manh, vì thế mà khi kết hợp tốc độ, cơ chế bảo vệ và hỏa lực thì sẽ là một thách thức khổng lồ, cũng như đòi hỏi một thiết kế đổi mới hơn. Lãnh tụ Stalin đã ký lệnh bắt đầu sản xuất tăng mới từ tháng 4 năm 1940, và đến tháng 6 năm đó, những chiếc tăng T-34 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất.
Diện mạo nổi bật của loại tăng T-34 là các bề mặt góc cạnh của nó. Thay vì là những cái hộp kim loại như các loại tăng ban đầu, T-34 đã được thiết kế cẩn thận hơn với mặt giáp nghiêng đối với đạn pháo đang bay tới. Việc thiết kế theo góc nghiêng sẽ có 2 tác động: 1) Nó làm tăng độ dày của lớp giáp chống đạn pháo xâm nhập; 2) Góc xiên cũng dễ khiến đạn bắn vào bị nảy ra.
Người Liên Xô cũng thiết kế một loại thép mới để tạo thành áo giáp cho tăng T-34. Theo đó phải mất nhiều năm, các nhà nghiên cứu ở nhà máy Mariupol (Ukraine) mới cho ra đời loại hợp kim đặc biệt MZ-2, loại hợp kim này kết hợp với độ cứng và độ dẻo cùng khả năng bị nén mà không thể bị vỡ nhằm phát huy uy lực của lớp giáp tăng. Sự kết hợp giữa thép và độ trượt của giáp đã tạo ra hiệu quả đặc biệt.
Một sĩ quan Đức hồi đó kinh ngạc cho biết: "Một khẩu đội pháo 37mm đã khai hỏa tới 23 lần nhắm thẳng vào một chiếc tăng T-34 duy nhất chỉ nhằm làm kẹt vòng tháp pháo của tăng".
Trong khi các loại tăng khác được trang bị loại pháo cỡ nòng 50mm (2-inch) có thể bắn ra những quả đạn nặng 2,7kg, thì tăng T-34 lại trang bị loại pháo F-34 có cỡ nòng tới 76mm (3-inch), nó bắn ra loại đạn xuyên giáp nặng tới 6kg có thể chọc thủng loại giáp thép dày 5cm ở khoảng cách 0,57 dặm. Tăng T-34 cũng bắn loại đạn nổ tầm cao F-354 có thể đánh sập các tòa nhà và hầm trú ẩn.
Trong khi người Đức tung ra các loại tăng mới như "Hổ" (Tiger) với cơ chế bảo vệ hạng nặng, thì người Liên Xô đã trang bị cho tăng T-34 bằng một tháp pháo khá lớn và thậm chí pháo lớn như loại pháo ZiS-S-53 có cỡ nòng lên tới 85mm, loại pháo này hoạt động hiệu quả trong suốt cuộc chiến và lâu hơn nữa.
Mặt khác, ngoài trang bị vũ trang chính, tăng T-34 cũng trang bị thêm 2 khẩu súng máy (1 nằm trong thân tăng, cái còn lại được lắp đặt cùng với pháo lớn) có tác dụng vô hiệu hóa bộ binh địch ở cự ly ngắn hơn.
Những chiếc tăng T-34 sau này có trang bị cổng súng lục ở hai bên của tháp pháo nhằm lâm trận với địch ở cự li thật sự gần. Khía cạnh thứ 3 của tăng T-34 là tính cơ động với động cơ V12 8,3 lít 500 mã lực khiến cho nó đạt tốc độ di chuyển 34 dặm/ giờ.
Khả năng chạy trên địa hình cũng rất quan trọng, tăng T-34 có thể chạy tốt ở bùn sâu hoặc tuyết, trong khi loại tăng Panzer của Đức thường bị sa lầy, điều này đã góp phần làm nên chiến thắng "chiến trường bùn" thu, đông của Nga.
Chỉ huy chiến tăng T-34 từ Đại chiến thế giới II.
Thêm nữa, tăng T-34 được thiết kế như một chiếc xe có chi phí thấp và được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Vào thời điểm quân Đức xâm lược Liên Xô, quân đội Xôviết đã có khoảng 1.000 tăng mới T-34, và hàng ngàn tăng mới sẽ nhanh chóng xuất xưởng.
Tăng T-34 là xương sống của Hồng quân trong trận chiến Kursk hoành tráng vào năm 1943, đó cũng là loại chiến tăng lớn nhất lâm trận từ trước tới nay. Trước cuộc chiến, người Đức đã bẻ gãy các phòng tuyến Liên Xô và nhanh chóng quây bọc Hồng quân như cách họ đã từng thành công trước đó. Nhưng lần này, người Liên Xô đã phản công thần tốc.
Khi hạ lệnh "Stal! Stal! Stal!" ("Thép! Thép! Thép!"), Tướng Pavel Rotmistrov đã ra lệnh cho Quân đoàn tăng cận vệ số 5 tác chiến ở đầu cầu Prokhorovka nơi có những chiến tăng hạng nặng của Đức trấn giữ.
Một sĩ quan Đức nhớ lại: "Trước mặt tôi tầm từ 150m đến 200m nhanh chóng xuất hiện khoảng 15, rồi 30, 40 chiếc tăng. Cuối cùng không tài nào đếm xuể". Tại đó, các lực lượng Liên Xô và Đức chạm mặt ở cự li ngắn, nơi tính linh động của những chiếc tăng T-34 trở nên rõ ràng.
Tướng Pavel Rotmistrov viết: "Có được lợi thế nhờ hỏa lực mà người Đức đã đạt được từ lúc bắt đầu cuộc chiến với các đội hình thiết giáp của chúng tôi, giờ đây quân Đức hoàn toàn bị động và kinh ngạc trước tăng T-34 từ khoảng cách xa".
Dù chịu thương vong nặng nề nhưng chí ít Hồng quân đã cản bước tiến của quân Đức, chiến thắng ở đầu cầu Prokhorovka trở thành một bước ngoặt lịch sử. Vào lúc kết thúc cuộc tấn công chiến lược Đức quốc xã, tình thế thay đổi và đổi luôn số phận của Berlin.
Tướng Đức, Paul Ludwig von Kleist ca ngợi T-34 là "chiến tăng lợi hại nhất thế giới" và đề xuất rằng nền Đệ tam nên sao chép nó thay vì tự chế tăng.
Mặc dù ý kiến của Kleist không lọt tai đám quan chức Đức quốc xã nhưng lớp giáp nghiêng của tăng T-34 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế hệ tăng kế tiếp của người Đức, Panther (Báo đen).
Viết về cuộc "đồ sát" thất bại thảm hại của Đức quốc xã ở Moscow vào năm 1941, tướng Đức, Friedrich von Mellenthin, ngậm ngùi viết: "Chúng tôi hoàn toàn không có gì để so sánh nổi. Chúng (tăng T-34) đã đóng vai trò to lớn trong việc cứu nguy thủ đô của nước Nga".
Những điểm yếu
Mặc dù tăng T-34 đã lập nên những chiến công giòn giã trên sa trường nhưng nó cũng để lại nhiều nhược điểm nghiêm trọng. Vì tháp pháo nhỏ chỉ đủ chỗ cho 2 người thế nên chỉ huy tăng phải kiêm nhiệm luôn vai trò của pháo thủ, lỗi này gây nên sự giới hạn nghiêm trọng trong nhận thức chiến đấu.
Khoang tăng cũng chật chội và các nhà phân tích quân sự Mỹ lấy làm lạ khi kíp lái tăng có thể mặc nguyên bộ đồ mùa đông khi vào trong khoang. Việc thiết bị giảm xóc kém đã gây khó cho kíp lái khi di chuyển đường trường và vì khoang cực kỳ ồn ào nên khiến người bên trong nhanh mệt mỏi.
Ở góc độ nhận thức chiến đấu, cả chỉ huy và kíp lái tăng đều chật vật nếu muốn nhìn thấy gì đó bên ngoài. Những chiếc tăng T-34 đời đầu còn thiếu cả máy vô tuyến, vì thế những tăng khác trong trung đội tăng chỉ liên lạc với nhau thông qua cờ hiệu hoặc đi sau chỉ huy.
Khi hộp số bị hỏng cũng gây khó cho hoạt động của bánh răng và kíp lái phải đem theo búa tạ phòng khi nó bị kẹt. Do kỹ thuật kém so với các loại tăng khác nên trong thời kỳ đó T-34 gặp nhiều trục trặc về cơ chế.
Trục trặc xảy ra liên tục nên kíp lái phải đem theo hộp số dự phòng khi chúng thường xuyên mắc lỗi. Các đường ray do được làm bằng kim loại nhẹ nên hay bị hư do thiệt hại chiến đấu hoặc chỉ đơn giản là bị hao mòn khiến cho kíp lái và xạ thủ hay bị mắc kẹt trên chiến trường.
Từ chiếc tăng mơ ước của các tướng lĩnh thì nay nó đã biến thành bẫy chết chóc cho lính tráng dưới quyền. Những chiếc tăng T-34 ban đầu chỉ có một cửa thoát trên tháp pháo nhưng oái oăm là nó lại rất nặng và khó mở. Nếu xe tăng bị bắn trúng, người bên trong khó thoát ra bên ngoài trước khi tăng cháy. Năm 1942, cánh cửa nặng nề đã được thay thế bằng hai cửa thoát nhẹ hơn.
Cơ chế bảo vệ cho tăng T-34 cũng không tốt. Một nghiên cứu luyện kim của quân đội Mỹ đã khám phá ra rằng lớp giáp của tăng T-34 dù có độ cứng cao nhưng lại giòn, nó dễ bị thủng sau đó bởi các hỏa lực pháo mạnh của quân Đức.
Nếu bị va chạm đủ mạnh, kim loại của lớp giáp sẽ bị bắn tung tóe đồng nghĩa nó là một cú đánh xuyên thấu khiến binh sĩ bên trong trúng những mảnh kim loại bị văng với tốc độ cao. Ngay cả các bình chữa cháy trong tăng T-34 cũng rất nguy hiểm.
Một phân tích của CIA cho thấy rằng bình chữa cháy sẽ làm đầy khoang tăng bằng thứ carbon tetrachloride độc hại, trong khi hệ thống thông gió không thể thoát khí nhanh chóng ra ngoài.
Một nghiên cứu khác của quân đội Mỹ về tăng T-34 đã hé lộ rằng chất lượng và vật liệu chế tạo bên trong tăng T-34 rất kém và đánh giá là nó kém hơn so với tăng Mỹ trong các khía cạnh về tính dễ lái, cơ động, độ tin cậy và bảo trì, hay nói vui là "một quả chanh giữa các xe tăng".
Di sản kéo dài
Kể từ thời kỳ sau Chiến thế giới 2, các nhà bình luận phương Tây đã chỉ trích tăng T-34 khi gọi nó là "loại tăng cường điệu quá đáng trong chiến tranh". Nhiều phân tích chi tiết đã tiết lộ rằng hiệu suất hoạt động của tăng T-34 không thật sự tốt.
Tuy vậy, sự thật là Hồng quân đã giành chiến thắng ở mặt trận phía Đông cũng nhờ sự góp sức của đông đảo tăng T-34. Trong suốt thời gian tồn tại của nó đã có hơn 84.000 tăng T-34 được chế tạo so với tổng số 1.347 tăng Tiger và 48.000 tăng Sherman của quân Đồng minh.
Cho đến cuối Thế chiến 2, nhiều xe tăng T-34 đã trở nên lỗi thời. Ngay cả loại tăng M4 Sherman của Mỹ cũng bị thay thế vào năm 1949. Mặc dầu vậy T-34 vẫn hoạt động trong nhiều thập niên, cho đến ngày nay loại tăng này vẫn nằm trong kho vũ khí của một số quốc gia như Namibia, Bosnia và Herzegovina, cũng như Lào. Di sản lớn nhất của tăng T-34 là thay đổi hướng thiết kế tăng.
Trong khi người Đức sở hữu những cỗ tăng hạng nặng như Tiger và mơ những loại tăng lớn hơn nữa thì thực tế tiến hóa đã chứng minh chúng đi vào ngõ cụt. 80 năm sau ngày chiếc tăng T-34 rời khỏi dây chuyền sản xuất, những loại tăng hiện đại vẫn tiếp nối công thức tốc độ, giáp nghiêng và pháo cực mạnh làm nền tảng.
Sau cùng, tăng T-34 là rất khủng và đáng gờm, mọi tranh cãi về nó được cho là sẽ kéo dài nhiều năm nữa.