Đào còn gọi là đào tử, mao đào, đào thực, hồng đào, mạy phăng (Tày), co tào (Thái), phiếu kiào (Dao)... Tên khoa học là Prunus persica (L.) Batsch., họ hoa hồng (Rosaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là nhân hạt (đào nhân), hoa, lá, nhựa và quả.
Thành phần trong thịt quả đào chứa chất màu, đường, axít hữu cơ, vitamin và ít tinh dầu. Đào còn là nguồn niacin, thiamin, kali và canxi tuyệt vời. Đào cũng có hàm lượng cao beta-caroten - một chất chống ôxy hóa chuyển thành vitamin A. Nó rất cần cho sức khỏe của tim và mắt. Người có chế độ ăn giàu hàm lượng vitamin A ít bị đục thủy tinh thể hơn. Lượng chất chống ôxy hóa trong quả đào cũng hỗ trợ duy trì hệ tiết niệu và tiêu hóa. Nó cũng được coi là một chất làm sạch và giải độc cho thận.
Ngoài ra, quả đào có hàm lượng chất xơ cao. Có 2 loại chất xơ: chất xơ không hòa tan (không tan trong nước) và chất xơ hòa tan. Chất xơ không hòa tan có lợi cho sức khỏe tim vì nó rút nước và làm tăng khối phân, giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng. Việc làm sạch thành ruột cũng làm tăng lượng chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thu và giải độc cho cơ thể. Chất xơ không hòa tan cũng giúp giảm nồng độ cholesterol.
Đông y cho rằng thịt quả đào vị ngọt chua, tính ôn, đi vào kinh can, trường vị. Có công năng sinh tân nhuận tràng, hoạt huyết tiêu tích, hạ huyết áp, chữa chứng khó thở, ho ra đờm, liễm phế, tiêu ứ. Chủ yếu dùng điều trị hen suyễn, viêm khí phế quản, cảm nắng sốt khát nước (thử nhiệt phiền khát), táo bón, bế kinh, chấn thương đụng giập, chứng táo bón, kinh nguyệt không đều, ho, khô mồm, khô lưỡi, cao huyết áp…
- Trị yếu phổi, hen suyễn, ra mồ hôi trộm: Dùng đào chín tươi một quả bỏ hạt, xay nhuyễn, thêm 50 g gạo tẻ, nấu thành cháo hoặc thành cơm, ăn với đường kính.
- Chữa bệnh phù thũng: Đào tươi ăn mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Dùng trợ tiêu hóa, kiện vị, nhuận tràng: Đào chín gọt vỏ bỏ hạt, thái lát, dùng đường trắng ướp ăn tráng miệng sau bữa ăn.
- Trị bế kinh, kinh ít, thông kinh: Đào chín 2 quả, nhân hạt đào 9 g, xirô 30 g. Đào gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt; xay nhỏ với đào nhân, thêm nước chưng cách thủy cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần.
- Dưỡng da, làm đẹp da: Ngày ăn 1 - 4 trái đào chín hoặc mứt đào khô.
- Chữa mất ngủ hay quên lẫn, đau lưng, sỏi đường tiết niệu: Đào nhân 50 g, đại mễ (gạo tẻ) 60 g. Nấu cháo cho ăn vào bữa sáng và bữa tối.
- Trị suy hô hấp thở gấp, hen suyễn mãn tính: Đào nhân 30 g, hạnh nhân 15 g. Nghiền nát trộn với nước gừng mật ong liều lượng vừa ăn.
Kiêng kỵ: Không nấu đào với thịt ba ba, rùa, xương truật, bạch truật. Người có cơ địa nóng, đái tháo đường, suy nhược cơ thể, trẻ em và phụ nữ có thai nên hạn chế dùng.