La liệt…chờ sản phụ đẻ
Không đông đúc, ngột ngạt ngày bình thường, bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) vắng tanh,lạnh lẽo trong ngày cuối năm. Tuy nhiên, ở khoa Sản số lượng sản phụ, người nhà sản phụ thì không hề giảm, thậm chí là còn tang bởi tâm lý chọn giờ sinh vào giao thừa.
Người nhà mang chiếu, chăn, đồ dùng lích kích ồ ạt xếp hàng chờ đến giờ vào thăm sản phụ từ cuối giờ chiều 31/12.
Ngay từ chiều, người nhà sản phụ đã tập trung kín dưới sảnh tầng 1 khoa sản để chờ đợi giờ vào thăm. Chiếu chăn rải la liệt ở khắp hành lang, ngõ ngách cầu thang, phòng chờ…người người đánh tạm giấc ngủ, tranh thủ ăn tạm chiếc bánh mì cầm cự chờ con đẻ.
Bác Hương, từ Nam Định lên đưa con gái đi đẻ từ sáng sớm nhưng vẫn chưa thấy sinh. Đứng ngoài lo lắng, chốc chốc đứng dậy ngó nghiêng vào phòng qua cửa sắt phòng chờ đẻ.
“Chẳng biết bao giờ nó đẻ. Bác sỹ dự sinh là hôm nay, tôi lo lắng nên ra ngoài này từ sáng sớm. Sáng nay cháu bị ra máu nên chồng cháu đưa ngay vào viện, giờ mới chỉ mở được 2 phân. Sốt ruột lắm!”, bác Hương thật thà kể.
Người nhà uể oải, tranh thủ nghỉ tạm chờ đợi bên ngoài phòng đẻ.
Ở tầng 3 khu đẻ, người nhà sản phụ uể oải chờ đợi, xôn xao trò chuyện nào là mở được mấy phân, cháu có đau bụng nhiều không, đẻ thường hay đẻ mổ….Không được vào trong, anh Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội) chốc chốc lại gọi điện hỏi vợ xem tình hình thế nào, có cần gì không, có ăn cháo không đói….
Tay cầm chiếu, chăn, còn tay kia cầm phích và các đồ đạc của vợ, anh Tuấn hấp tấp nói vội: “Vợ mình không khỏe, phải mổ đẻ nên chỉ mong “vợ tròn con vuông”, xác định đêm nay là ngủ đón tết trong viện. Còn ngủ đâu cũng chưa biết vì phải đợi xem thế nào”.
Đến 9h tối, số lượng không hề giảm. Người nhà bệnh nhân trải chiếu nghỉ tạm, xác định có khả năng thức cả đêm trong viện.
Đa số những người nhà sản phụ đều ở tỉnh lẻ, họ đã chuẩn bị sẵn chăn ấm, chiếu, đồ dùng cá nhân để túc trực ở bệnh viện cả đêm. Có lẽ, họ chẳng còn nghĩ gì đến tết dương, đến khoảnh khắc giao thừa, bởi sự quan tâm duy nhất của họ lúc này chỉ có con, cháu, vợ họ đang chờ sinh những thiên thần nhỏ vào đầu năm mới. Những tiếng khóc thất thanh, thong báo của nữ y tá sản phụ đẻ…chính là niềm vui, hạnh phúc nhất đón năm mới.
Không biết bệnh viện nghỉ tết dương
Nằm trong hốc nhỏ tối ở khu nhà khoa Sản, sau những chiếc xe hơi sang trọng là chỗ ngủ của gia đình anh Phạm Văn Thành (40 tuổi) ở Thọ Xuân, Thanh Hóa trong đêm nay.
Chia sẻ lý do ở lại viện, anh Thành nói rằng, anh đưa vợ lên khám bệnh chửa trứng. “Lần trước khám, bác sỹ cho về nghỉ phép, hẹn ngày khám lại. Hai vợ chồng nghĩ khám đầu tuần cho nhanh, ai ngờ…bệnh viện chẳng có người. Hỏi ra, mới ngỡ ngàng vì cán bộ nhân viên nhà nước nghỉ tết dương. Nên hai vợ chồng và con trai chờ đến thứ 4 mới khám được, đi lại bất tiện mà tốn kém nên tìm chỗ trải chiếu nằm tạm”, anh Thành nói.
Anh Phạm Văn Thành cùng vợ và đứa con trai nhỏ ngủ tạm trong góc nhỏ bên ngoài khu nhà khoa Sản để chờ đến thứ 4 khám bệnh.
Mặc dù trời rét lạnh, nhưng vợ chồng anh Thành không dám thuê nhà trọ ngoài 2 ngày đêm vì đắt. Anh Thành tiếp lời: “Tốn kém lắm mà nhà không có điều kiện. Mỗi tối 150 nghìn đồng/ người, mà ở ngoài này đắt đỏ chưa kể tết nhất này khéo tăng giá. Mỗi lần đưa vợ đi chữa bệnh ngót cũng 5 – 7 triệu đồng, ra ngoài này thuốc men không đắt mấy chủ yếu là đi lại, ăn uống, dịch vụ thôi”.
Quanh năm làm nghề đi biển, gia đình anh chẳng có tiền lại không có sổ hộ nghèo, nhắc đến những mong muốn vào dịp năm mới, anh Thành thành thật: “Tôi chẳng mong gì hơn, chỉ mong cho vợ khỏe, không bệnh tật gì”.
Bởi anh kể với tôi rằng bệnh chữa trứng nguy hiểm và khó chữa. Vợ chồng anh đã đi hết bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương để chữa hơn 3 tháng nay rồi.
Vào ngày cuối cùng của năm, mọi người đều quây quần bên nhau đầm ấm để chờ đón năm mới sang với nhiều lời chúc mừng, niềm vui…thì những người như anh Thành đang nằm trên chiếc chiếc mỏng trong góc nhỏ của bệnh viện trong thời tiết giá rét này để chờ đợi điều kỳ diệu đến với vợ chồng anh.