Những chuyện lượm lặt tại Bệnh viện Phụ sản trung ương

camnhung |

Có những câu chuyện về những hài nhi chưa kịp làm người đã chết, linh hồn bấu víu đầy trên những thân cây trong bệnh viện.

Người ta còn bảo có nhà ngoại cảm đã nhìn thấy những hài nhi đáng thương ấy, có hài nhi còn dứt khoát không chịu lên chùa vì: Mẹ cháu là sinh viên, mẹ cháu hứa sẽ quay về đón cháu.

Đó là hài nhi bị người mẹ trẻ vứt dưới gốc cây đến chết... Những câu chuyện không đầu, không cuối được “buôn dưa lê” và “tam sao thất bản” qua mỗi lần truyền đi như vậy không phải là hiếm ở chốn tưởng chỉ dành cho đàn bà này.

"Rình" ông viện trưởng

Ông Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ được tiếng là giỏi nghề, bình dị. Vì thế, mà ngày nào ông cũng bị "rình". Cứ tưởng, người "rình" ông phải có chút quen biết hay ít nhất cũng phải là dân thành phố, ấy vậy mà "điểm" qua gương mặt những "kẻ rình rập" này lại thấy nhiều gương mặt "nhàu nhàu, cũ cũ".

Hết giờ thăm bệnh nhân thì người nhà trải chiếu ở hành lang chờ đợi

Cứ người nọ ra viện lại truyền kinh nghiệm cho người kia, để đến nhờ bằng được ông viện trưởng mổ cho người nhà mình. Ông đi từ hướng nào đến, xe màu gì, biển số bao nhiêu, mặc quần áo màu gì, tất tật thông tin được loan báo hết. Đến mức, từng bước đi của ông, vào phòng số bao nhiêu, khoa nào, gặp những ai, gặp trong bao nhiêu phút, đều được thông tin cặn kẽ.

Có bà "rình" ông viện trưởng mấy ngày liền, đến ngày ông đi công tác về, cả buổi chầu chực không thấy, ấy thế mà chỉ đi vệ sinh có nhoáng một cái, mà "lọt lưới". Ra đến nơi, người khác đã thông báo: Ông ý vào phòng rồi. Đang tiếp bệnh nhân rồi.

Nịnh bảo vệ hơn nịnh bác sĩ

Hôm đi khám, tôi vào liên hệ gửi xe, anh bảo vệ hỏi: "Vào lâu không?". Tôi trả lời: "Xong thì về ạ", lập tức bị anh này gọi bằng "chị": "Tôi nói cho chị biết...". Tôi ù hết cả tai, trình bày: "Anh cứ làm như em muốn ở lại "nhà" anh lắm không bằng. Nhưng khám bao lâu, thì do bác sĩ, chứ anh hỏi là bao lâu, em biết trả lời đằng nào". Vào sân rồi, một anh đưa vợ đi đẻ bảo: "Đừng có "cương", vào viện này, phải nịnh bảo vệ hơn nịnh bác sĩ".

6h tối, tôi vào xin để xe qua đêm để trông người nhà mổ, anh bảo vệ cổng Tràng Thi nhất quyết: "Mang xe ra ngoài mà gửi".

Vòng xe sang cổng Triệu Quốc Đạt, anh bảo vệ cổng này giao kèo: "Để qua đêm thì sáng mai phải mang đi trước 6h sáng", còn giải thích thêm: Vì buổi sáng nhiều xe ô tô của nhân viên lắm. Trước 6h sáng mang sang Hỏa Lò mà gửi, đến 10h là giờ được thăm nuôi bệnh nhân thì lại mang vào. Nhưng muốn gửi qua đêm thì 8 rưỡi tối mới được mang xe vào, tôi năn nỉ một lúc, anh bảo vệ cũng đồng ý cho vào sớm, nhưng tính là 50.000đ.

Thôi đành vậy, được cho xe vào là mừng lắm rồi, không thì biết để vào đâu? Được cái anh bảo vệ cũng nhiệt tình, vào tận nơi đỗ xe để dặn: "Tự bảo quản đấy nhé". Tôi cũng chả hiểu cái "tự bảo quản" là cái quái gì, cứ vâng vâng rồi đi như chạy, chỉ sợ bị thay đổi ý kiến, anh bảo vệ còn dặn với theo: "Nhớ sáng mai 6h đấy nhé, đừng để anh phải gọi điện".

Sáng hôm sau, y hẹn, tôi mang xe ra phố Hỏa Lò gửi, 30.000đ với điều kiện mang xe đi trước 12h trưa. Lộn lại bệnh viện, thêm 20.000đ nữa. Vậy là một ngày 100.000đ tiền gửi xe.

Váy tụt

Một nữ bệnh nhân đang "tung tăng" đi ở tầng 1 nhà D thì bất thình lình váy... tụt. Theo quy định, váy phụ sản không có chun, có hai đầu dây để buộc, nhưng nhiều chị lần đầu mặc loại váy này, chưa có kinh nghiệm buộc, nên váy cứ thế tụt xuống tận gót chân.

Oái oăm thay, chị bị tụt váy này lại là bác sĩ sản, chuẩn bị mổ u nang. Chị cứ cười bảo: Mọi khi thấy bệnh nhân tụt váy mình cứ cười, bây giờ mới biết sử dụng loại váy này khó phết. May mà chị này còn "độn" chiếc quần bò bên trong chứ hôm sau, chúng tôi lại chứng kiến một trường hợp bệnh nhân bị tụt váy nữa, vì chuẩn bị đi mổ, không mặc "nội y". Mấy ông chồng đi chăm vợ đẻ gặp phải tình cảnh này, quay đi ngượng nghịu.

Em đi mua cái phong bì

Đến lúc đi mổ, y tá tìm không thấy bệnh nhân đâu, xuống đến hành lang tầng 1 thì thấy bệnh nhân ở đấy, hỏi chuẩn bị đi mổ tại sao lại ở đây, bệnh nhân thẽ thọt: "Em đi mua cái phong bì". Không biết chị y tá có nghe thấy câu trả lời của bệnh nhân không mà không thấy chị nói gì nữa. Còn ai nấy thì tủm tỉm cười.

Người nhà bệnh nhân chầu chực ngoài cửa

Tôi cũng thử một lần áp dụng một chiêu để có thể lọt qua anh bảo vệ lừ lừ ở tầng 1 nhà D, bằng cách bảo: "Em lên tầng 3 làm thụ thai nhân tạo. Anh bảo vệ nghe tôi trình bày, gật đầu cái rụp, ánh mắt tràn đầy sự chia sẻ, cảm thông. Tầng 3 chật người đứng ngồi chờ đợi trong sự thấp thỏm âu lo.

Tôi xuống tầng 2, đã gần đến giờ được thăm nuôi bệnh nhân, người nhà đã đứng bu đầy ngoài cửa khóa. Mỗi lần có vị bác sĩ, y tá nào mở khóa, "làn sóng" người nhà bệnh nhân lại ùa lên hòng chen lấn để "lọt" vào, bác sĩ, y tá lại phải "dỗ dành": Các bác chịu khó chờ thêm một lát nữa, chúng tôi đang tiêm cho bệnh nhân. Chịu khó giữ vệ sinh, tốt cho người nhà mình mà các bác.

Tam sao thất bản

Buôn dưa lê đúng là đã thành “bệnh”, đến nỗi, vào đến bệnh viện rồi, hiện tượng này vẫn tung hoành. Một người bệnh kèm theo 1, 2 người nhà, cứ thế, chuyện gì cũng lan truyền nhanh lắm.

Nào là chuyện phong bì cho bác sĩ ra làm sao, phổ biến cho nhau là mổ xong thì đưa, chứ đưa trước bác sĩ không nhận đâu, bác sĩ mổ thì 1 triệu đồng, bác sĩ phụ là 300.000đ, cả kíp mổ 500.000đ nữa, cứ thế mà làm, đấy là "giá" thấp nhất, còn ai có khả năng hơn, thì bồi dưỡng hơn.

Tối hôm trước có hai bệnh nhân kêu la suốt đêm, đến sáng hôm sau, đồn ầm lên là thai 5 tháng chết lưu, đến trưa đã thành: "Con đấy chửa 5 tháng rồi, thằng chồng nhất quyết không cho đẻ, bắt cho thai ra, lúc ra là cái thai bé trai", chỗ khác lại bảo: "Cái cô kêu suốt đêm đấy đẻ rồi, nhưng vừa đẻ ra đã chết". Trăm nghìn kiểu buôn dưa lê, nhưng chẳng biết cái tin nào đúng cái tin nào sai, vì đã bị tam sao thất bản.

Có mất tiền không bác sĩ ơi

Chị ô sin không may có cái u phải mổ. Vào làm thủ tục nhập viện, được yêu cầu đi làm các xét nghiệm, chị cứ giơ hết giấy chụp tim phổi đến giấy thử máu... ra hỏi: "Cái này có mất tiền không bác sĩ? Cái nào bác sĩ cũng trả lời: Có.

Nhưng được 5, 6 lần "Có" thì bác sĩ cũng phát cáu lên: Cái nào mà chẳng mất tiền, không có tiền ai người ta làm cho chị, chị làm gì có bảo hiểm đâu". Chị ô sin trần tình với mọi người: "Lúc nãy bác sĩ bảo mổ hết khoảng chục triệu đồng, em hãi quá. Giờ phải hỏi rõ xem xét nghiệm có mất tiền nữa không để còn xin nhà chủ một thể".

Ở cái nơi đụng vào đâu cũng thấy bệnh đàn bà này, trắng đêm, tôi không thể chợp mắt vì tiếng kêu la đau đớn của người phụ nữ. Dù là tiếng kêu rên, cũng không giấu được thanh âm trong trẻo của người còn rất trẻ tuổi.

Lẫn trong tiếng rên rỉ, thỉnh thoảng lại là những tiếng rú lên thất thanh. Ngoài khuôn cửa sổ kính, ánh đèn vàng vọt hắt lên những cành lá đu đưa, đu đưa... Cách cái hàng rào sắt thôi, ngoài kia, cuộc sống hối hả sắp lại bắt đầu với một sớm mai tinh khôi, tràn đầy sức sống...

Hai người đàn ông kết thân nhanh chóng trong bệnh viện. Hôm sau, một người đưa vợ và con về, một người lặng lẽ gạt nước mắt ở lại tiếp tục chăm người vợ bị thai lưu. Người đi cùng vợ con cũng lầm lũi đi, không dám chào tạm biệt người bạn mới quen.

Theo Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại