Những sai lầm nghiêm trọng trong xử lý sốt ở trẻ nhỏ

Thu Lê |

(Soha.vn) - Cần có một chương trình giáo dục sức khỏe phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, hành vi của các bà mẹ về việc xử lý sốt cao ở trẻ.

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, nhiều bà mẹ trẻ lại cho rằng, sốt là biểu hiện của cảm mạo thông thường do thay đổi thời tiết.

Nghiên cứu mới nhất về điều dưỡng nhi khoa do tập thể điều dưỡng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện, từ 1/9 đến 25/9/2012, với sự tham gia của hơn 100 bà mẹ đã chỉ ra rằng, chỉ có gần 37% bà mẹ có kiến thức đúng và gần 21% có hành vi đúng khi chăm sóc trẻ bị sốt.

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, nhiều bà mẹ trẻ lại cho rằng, sốt là biểu hiện của cảm mạo thông thường do thay đổi thời tiết.

Cụ thể, đa số các bà mẹ được phỏng vấn hiểu sai về định nghĩa sốt. Có những người không cặp nhiệt độ cho con mà chỉ khẳng định sốt qua cảm giác, cho rằng "sờ thấy ấm là sốt". Có người lại cho rằng nhiệt độ 37 mới là sốt. Thậm chí vẫn hơn 9% chị em cho rằng nhiệt độ 38,5 mới là sốt.

Trong khi đó sốt là tình trạng tăng nhiệt nhiệt độ của cơ thể trên mức giới hạn bình thường. Trẻ được định nghĩa là sốt khi thân nhiệt ở miệng là từ 37,5 độ C trở lên, ở nách là 37,2 độ C.

Phần lớn các chị em được hỏi đều có nguồn thông tin về chăm sóc và xử lý sốt. Tuy nhiên chỉ có gần 14% nhận thông tin trực tiếp từ cán bộ y tế. Cũng theo nghiên cứu này, hơn một nửa số bà mẹ được hỏi nghĩ sốt là biểu hiện của cảm mạo thông thường do thay đổi thời tiết, chỉ 6% nghĩ tới nguyên nhân là do bệnh truyền nhiễm.

Hành vi đúng của các bà mẹ khi chăm con bị sốt gồm: chườm nước ấm; cho trẻ uống thêm nước; cho uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5; cho con uống liều hạ sốt theo lứa tuổi; thời gian dùng hạ sốt cách 4-6 giờ. Thế nhưng, trong số các trẻ nằm viện, có đến gần 80% có hành vi xử trí không đúng.

Chỉ khoảng 1/3 bà mẹ cho trẻ uống hạ sốt khi nhệt độ trên 38,5. Chưa đến một nửa số người được hỏi cho con uống hạ sốt có thời gian cách 4-6 giờ, mà không lường trước hết được nguy cơ việc lạm dụng thuốc.

Đáng chú ý, 44% bà mẹ tự mua thuốc về uống cho con mà không cần đơn. Điều này rất nguy hiểm. Chẳng hạn, paracetamol là loại thuốc hạ sốt phổ biến. Tuy nhiên, cùng hoạt chất nay nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt efferalgan, lại uống thêm decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa paracetamol. Trẻ dễ bị ngộ độc nếu uống quá liều, thậm chí trường hợp nặng có thể tử vong.

Theo các chuyên gia cần có một chương trình giáo dục sức khỏe phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, hành vi của bà mẹ về sốt cao ở trẻ. Khi trẻ sốt nhẹ, 37,5-38,5 độ C thì chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cởi bớt quần áo, cho mặc quần áo lót mỏng, mềm, thoáng, rộng, cho uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc ở hậu môn.

Ngoài ra cần dùng khăn thấm nước ấm lau 2 hõm nách, 2 bẹn của trẻ hoặc lau người cũng góp phần làm hạ nhiệt độ của trẻ, chú ý không nên dùng nước đá hoặc đá chườm cho trẻ sẽ gây cho trẻ phản ứng không tốt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại