Bé trai 15 tuổi uống hàng trăm viên thuốc chống trầm cảm để tự tử

Thu lê |

(Soha.vn) - Bị bố mắng, S đã uống hơn 100 viên thuốc chống trầm cảm và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, kích động, rối loạn nhịp tim… và suy hô hấp nặng.

Suýt mất mạng vì thuốc chống trầm cảm

Chiều tối ngày 7/3, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn S, 15 tuổi ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, kích động, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp phải thở bằng máy. Các bác sĩ của Trung tâm đã làm các xét nghiệm lâm sàng và phát hiện có chất độc của thuốc chống trầm cảm trong nước tiểu của bệnh nhân.

Bác sĩ Đặng Quang Chung, người trực tiếp điều trị cho S kể: “Chiều ngày 6/3, S có nghỉ học đi chơi cùng bạn bè. Buổi tối về nhà bị bố trách mắng mấy câu. 22 giờ cùng ngày, S lên giường đi ngủ như bình thường. 7 giờ sáng ngày 7/3, mẹ S vào gọi nhưng lay mãi con trai mới mở mắt và chỉ nói thều thào được câu “con mệt lắm!”. Gia đình vội vàng đưa S đến Bệnh viện huyện.

Ngay lập tức S được điều chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê li bì và có biểu hiện kích động. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống phế quản và hô hấp nhân tạo rồi chuyển bệnh nhân lên thẳng Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu và điều trị.

Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu và có biểu hiện nguy kịch. Qua chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm, chúng tôi phát hiện thấy có các thành phần độc tố của thuốc chống trầm cảm trong nước tiểu của bệnh nhân. Tuy nhiên, liều lượng bệnh nhân uống bao nhiêu thì lại chưa thể tiên định được.”

Không ít người trẻ lạm dụng thuốc an thần, thuôc ngủ  để tìm đến với cái chết (ảnh Internet - minh họa)

Cũng theo bác sĩ Chung, bố bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần và thường xuyên phải dùng loại thuốc an thần chống trầm cảm. Lọ thuốc chống trầm cảm 1.000 viên mới sử dụng hết khoảng 1/2 số thuốc. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình có mang lọ thuốc đến Trung tâm. Các bác sỹ kiểm tra trong lọ chỉ còn 390 viên. Có khả năng bệnh nhân đã uống hơn 100 viên thuốc chống trầm cảm cùng 1 lúc để tự tử.

Qua cấp cứu và điều trị, tình trạng sức khỏe của S đã dần dần phục hồi. Hiện tượng rối loạn nhịp tim đã bắt đầu kiểm soát được. Đến nay, bệnh nhân đã dần tỉnh táo và nhận biết được xung quanh. Trong một vài ngày tới, khi các chức năng hô hấp, tuần hoàn có thể đảm bảo bình thường ở mức cho phép bệnh nhân có thể xuất viện.

Một trường hợp bệnh nhân khác tên Thắng, 21 tuổi, sinh viên năm thứ hai, ĐH Thái Nguyên, quê ở Thanh Hóa uống thuốc diệt cỏ tự tử đã tử vong ngay sau khi nhập viện.

Bác sĩ Chung cho biết: “Bệnh nhân này đã liền một lúc uống hai chai thuốc diệt cỏ mà bà con ở Thái Nguyên vẫn dùng để chăm sóc cây chè. Vì liều lượng vào cơ thể quá cao thêm vào đó là độc tố cực mạnh có trong thuốc diệt cỏ đã làm bệnh nhân tử vong rất nhanh sau đó.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bệnh nhân do mâu thuẫn với bộ mẹ trong chuyện có tiếp tục theo học đại học hay tạm nghỉ đã dại dột tìm đến cái chết. Nhà Thắng rất nghèo lại đông anh em, bố mẹ muốn Thắng bảo lưu kết quả 1 năm đi làm phụ giúp gia đình nhưng Thắng không chịu dẫn đến tranh cãi và mâu thuẫn. Trong lúc cùng quẫn, nghĩ không thông, Thắng đã tự kết liễu cuộc sống của mình…”

Gần đây, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân Hà Thị Huyền Tr, 18 tuổi, ở Hà Nội uống thuốc chuột tự tử vì chia tay bạn trai.

Thoát chết, bệnh nhân dễ trầm cảm nặng

Theo lời kể của các bác sĩ, Tr nhập viện trong tình trạng sốc thuốc rất nặng, co giật liên tục, nhịp tim rối loạn, suy hô hấp nặng. Người nhà bệnh nhân phát hiện có vỏ nhãn thuốc diệt chuột tại hiện trường nên đã ngay lập tức đưa bệnh nhân đến Trung tâm chống độc  - Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Do được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, Tr đã thoát cơn nguy kịch và xuất viện về nhà sau 15 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, Tr rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề, tinh thần dễ kích động, hoảng loạn.

Hầu hết những bệnh nhân tự tử vào cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đều dùng độc chất để kết liễu cuộc sống của mình. Người trẻ tử tự đang có xu hướng trẻ hóa cao hơn

Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Đặng Quang Chung cho hay: “Người có ý định tự tử có thể dùng bất cứ vật gì để kết thúc cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những bệnh nhân đã vào đến Trung tâm chống độc chủ yếu là sử dụng thuốc độc như các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, bả chuột, thuốc diện côn trùng, thuốc an thần chống trầm cảm, thuốc ngủ,… Với những loại thuốc độc như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, bệnh nhân có nguy cở tử vong cao hơn do độc tố mạnh dẫn đến sơ phổi, suy hô hấp,… Bệnh nhân tỉnh đến khi chết. Trong trường hợp có cứu sống được, bệnh nhân cũng phải gánh chịu những di chứng về hô hấp, bỏng thực quản, ảnh hưởng thần kinh trung ương…

Còn với những trường hợp sử dụng thuốc an thần, nguy cơ tử vong có giảm nhẹ hơn nhưng nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong như sử dụng các chất độc khác.”

Bác sĩ, TS. Hà Trần Hưng – Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Năm nào cũng có, thời điểm nào trong năm cũng xuất hiện các ca tự tử vì độc chất đến cấp cứu và điệu trị tại Trung tâm. Hầu hết bệnh nhân tìm đến cái chết trong tình trạng tâm lí bị kích động, hoảng loạn cao độ, mất niềm tin và không tìm thấy lối thoát cũng như ý nghĩa trong cuộc sống. Qua thực tế điều trị, chúng tôi có thể khẳng định được rằng, đối tượng người trẻ tự tử ngày càng trẻ hóa…”

Tự tử thiên về nữ giới…

Bác sỹ Chung cho biết thêm: “Số bệnh nhân nhập viện vì tự tử thiên về nữ giới hơn là nam giới. Hầu hết là do mâu thuẫn với bố mẹ trong sinh hoạt, học tập, yêu đương. Không ít bệnh nhân tự tử vì tình… Có nhiều trường hợp tự tử để dọa bố mẹ, khi được cứu sống thì rất sợ hãi và biết quý trọng cuộc sống hơn. Một số khác có ý định tự tử, khi được cứu sống thì hoang mang, chấn động tâm lí mạnh dẫn đến trầm cảm và tiếp tục có ý định tự tử. Chúng tôi lại phải vừa kết hợp điều trị vừa trị liệu tâm lí cho bệnh nhân…”

Việt Nam đang ghi nhận số ca tự tử nhiều nhất từ trước đến nay. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tự tử ở thanh, thiếu niên là do xung đột gia đình. Có tới 87,8% trong tổng số trẻ tự tử đang sống với cha mẹ và hầu hết các em tìm đến cái chết ngay tại nhà. Chỉ 14,6% trẻ tự tử có thái độ xa lánh mọi người.

Tổng hợp từ 5 nghiên cứu về vấn đề tự tử ở Việt Nam từ năm 2001 đến nay cho thấy, có khoảng 2,6 đến 25,4% người từng có ý định tự tử, khoảng 1,1-15,6% số người từng có kế hoạch tự tử, trong đó số người thực hiện hành vi tự tử là 0,4-4,2%. Độ tuổi tự tử nhiều nhất là 15-30 tuổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại