Thủ phạm là ký sinh trùng
Bệnh nhân mới nhất vừa được bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận và đang điều trị là bé H (tám tuổi, ngụ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị viêm màng não do ăn ốc sên nướng sơ sài.
Theo lời kể của gia đình, ở ao gần nhà có nhiều ốc nên H lội xuống bắt ốc lên nướng ăn. Hai ngày sau, bé H có biểu hiện sốt, nhức đầu, được người nhà đưa đến khám tại nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Sau đó, bé H được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Một trường hợp nhập viện do ăn ốc sên nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis. Viêm màng não vì ăn ốc sên
Sau khi chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), các bác sĩ nhận thấy não bệnh nhi bị tổn thương lan tỏa. Sau đó, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tuỷ và kết quả xét nghiệm cho thấy, trong hệ thần kinh trung ương của bệnh nhi có sự xâm nhập của ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis.
Một trường hợp khác nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis phải sống thực vật một thời gian dài là bệnh nhân L.T.Đ, sinh viên một trường kỹ thuật trú tại Tiền Giang.
Trước đó, Đ cùng bạn ngồi nhậu, thấy ốc sên bò ngoài sân và bắt vào nướng. Sau khi bắt ốc ma lên nướng để nhậu, cả hai đã bị ký sinh trùng tấn công lên não gây hôn mê. Bạn của Đ may mắn đã bình phục. Còn Đ trước đó là thanh niên cao to. Sau khi bệnh, trở nên xanh xao, mắt lờ đờ, không nhận ra người thân của mình và sống đời sống thực vật.
Theo các bác sĩ điều trị tại khoa nhiễm Việt - Anh, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Đ đã bị ký sinh trùng cư trú trong ốc sên gây viêm màng não.
Qua điều tra dịch tễ các trường hợp điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đều ghi nhận liên quan đến việc ăn ốc sên nướng chưa chín kỹ hoặc ăn ốc sên sống chấm mù tạt…
Cảnh báo ổ ký sinh trùng từ rau sống và hải sản
Một loại ký sinh trùng ẩn dưới da được điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TPHCM.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Angiostrongylus cantonensis là loại giun tròn sống ký sinh ở động mạch phổi của chuột, trứng giun theo phân chuột ra ngoài sống ký sinh trên các loại ốc trên cạn và dưới nước, hoặc cua tôm, biến thành ấu trùng giai đoạn 3.
Người bị nhiễm khi ăn phải ốc, cua, tôm nấu không chín hoặc ăn phải rau sống bị con sên Limace có chứa ấu trùng bò lên, ấu trùng có thể bám vào lá rau. Khi vào đến ruột non ấu trùng sẽ đi xuyên qua thành ruột vào máu, thường đi lên màng não gây bệnh cảnh viêm màng não nước trong. Ngoài ra ấu trùng còn chui vào ổ mắt, nằm lại trong dịch tiền phòng ở nhãn cầu gây tăng áp lực nhãn cầu, mù mắt.
Bệnh viêm màng não nước trong hay xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử ăn nhậu thuỷ sản sống như ốc bươu, ốc sên, ốc trên cạn, cua, tôm… hoặc ăn rau sống.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đa số bệnh nhân thường khai rằng đã ăn ốc bươu tái chanh hoặc ốc bươu nấu không chín trong các bữa nhậu.
Thời gian từ lúc ăn phải thức ăn có chứa ấu trùng cho đến khi có biểu hiện triệu chứng thường từ 2-3 tuần. Bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội, nôn ói, uống thuốc nhức đầu nhiều ngày không giảm, có khi mờ mắt, cứng cổ, có khi liệt mặt nhẹ…
Bệnh viêm màng não nước trong là bệnh khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam, hàng năm có khoảng vài chục trường hợp nhập viện bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Tuy nhiên do khó chẩn đoán nên số bệnh nhân bị bệnh trong cộng đồng rất nhiều mà không được khám và điều trị đúng chuyên khoa.
Để phòng ngừa không chỉ loại ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis mà cho cả nhiều loại ky sinh trùng khác, người dân nên thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, ăn rau sạch hoặc phải rửa rau thật sạch dưới vòi nước.
Khi thấy triệu chứng nhức đầu dữ dội, nôn ói sau khi ăn thuỷ sản tái, sống trước đó 2-3 tuần thì nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.