Đó là nhấn mạnh của bác sĩ Phạm Cao Kiêm – phó Khoa Lazer - Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương về phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ.
Không hút mỡ quá 3 lần/năm, hút quá 2 lít mỡ/lần ra khỏi cơ thể
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Kiêm cho biết: “Hút mỡ hay bơm mỡ là một dạng phẫu thuật thẩm mỹ theo yêu cầu. Chi phí phẫu thuật khá đắt đỏ, dao động từ 20 – 60 triệu, tùy thuộc vào từng đối tượng hút mỡ và cơ sở phẫu thuật. Hút mỡ được xếp vào dạng trung phẫu và không phải bác sĩ nào cũng có thể tiến hành làm loại phẫu thuật này. Hút mỡ cũng dễ để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu quá trình phẫu thuật không tuân thủ đúng quy trình…”
Đối tượng hút mỡ chủ yếu là chị em phụ nữ trong độ tuổi trung niên bị thừa cân, béo phì do lười vận động, ăn uống quá độ,… và phát tướng sau sinh đẻ. Họ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, bất chấp chi phí đắt đỏ để lấy lại dáng vóc thon thả, tránh bệnh tật do thừa cân, béo phì.
“Bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm toàn thân trước khi hút mỡ. Khi tất các các chỉ số cho phép, bệnh nhân mới được hút mỡ. Sát khuẩn, tiêm thuốc gây tê để co mạch là thao tác đầu tiên của bất cứ ca phâu thuật nào. Có hai cách làm tan mỡ là dùng ống tan mỡ và máy siêu âm lazzer làm tan mỡ. Tùy theo lượng mỡ của từng bệnh nhân, tùy theo lượng mỡ tích tụ tại từng bộ phận mà quyết định hút đi lượng mỡ cụ thể như thế nào…” bác sĩ Kiêm nói.
Hút mỡ tiền mất tật mang, khổ vì những biến chứng khôn lường
Cũng theo bác sĩ Kiêm, bản chất của mỡ là sự phân bố không đồng đều. Những vùng như bụng, mông, đùi, bắp tay, ngực,… là những chỗ mỡ tích tụ nhiều nhất. Tuy nhiên, dù bệnh nhân ở bất cứ thể trạng nào cũng không thể phẫu thuật hút vượt quá 2 lít mỡ/lần ra khỏi cơ thể. Sau hút mỡ, thể trạng có tăng trọng trở lại do quá trình ăn uống, không tập luyện thể dục thể thao hoặc sự vận động cần thiết cũng không nên lại tiến hành hút mỡ. Hút mỡ quá 3 lần/năm sẽ để lại những di chứng và ảnh hưởng sức khỏe vô cùng khôn lường.
Coi chừng nhiễm khuẩn huyết, tụ dịch, tụ huyết vì… hút mỡ
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm cho biết: “Hút mỡ là dạng trung phẫu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm lại viện ít nhất 24 giờ để được theo dõi xem có biến chứng.
Hút mỡ không đúng quy trình dễ dẫn đến những biến chứng như: Nhiễm khuẩn huyết, tụ huyết, tụ dịch trong đó biến chứng nhiễm khuẩn huyết là nặng nề và khó điều trị nhất…”
Nhiễm khuẩn huyết có nguyên nhân do dụng cụ phẫu thuật chưa đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, do sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân kém, thao tác của bác sĩ không đảm bảo vệ sinh, quá trình thay băng, cắt chỉ không tuân thủ đúng yêu cầu hoặc do chính bệnh nhân khi về nhà không làm tốt vệ sinh vết mổ.
Tụ máu, tụ dịch có nguyên nhân do xuất tiết của cơ thể. Thời điểm dịch tiết nhiều dễ gây tụ dịch. Dưới da có những mạch máu, hút mỡ không đúng quy cách làm đứt mạch máu thêm vào đó khả năng cầm máu, đông máu của bệnh nhân kém nên rất dễ gây ra hiện tượng tụ máu.
“Người mắc bệnh truyền nhiễm, tim mạch, gan thận, các bệnh về máu, người bị béo phì quá lớn không nên làm các phẫu thuật hút mỡ. Những người bị các chứng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần, tâm thần yếu… cũng chống chỉ định với phẫu thuật hút mỡ.
Vết thương phẫu thuật cần phải băng chặt, dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống phù nề. 2-3 tuần sau phẫu thuật cần đi massage vùng bụng để chống xơ cứng, lấy lại sự mềm mại, đàn hồi cho vùng bụng. Muốn duy trì thể trạng sau khi phẫu thuật hút mỡ cần có chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi, luyện tập phù hợp.
Bệnh nhân cần tìm hiểu và tìm đến những cơ sở chuyên khoa, bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình có uy tín và kinh nghiệm lâu năm để được khám và tiến hành phẫu thuật nhằm giảm những tai biến không đáng có…”, bác sĩ Kiêm khuyến cáo.