Sức ép Nga dâng cao, quân lực Thụy Điển "không yên" tại Baltic

An Bình |

Các tân binh trẻ trên đảo Gotland đang đi đầu trong nỗ lực của Thụy Điển củng cố quân đội trước những lo lắng về ý định của Nga ở châu Âu và Baltic.

Dưới làn mưa lạnh lẽo, những người lính Thụy Điển mặc đồ ngụy trang cúi mình sau một đống gỗ tròn, nhắm súng máy của họ về phía Biển Baltic và, theo lệnh của của sĩ quan, đã nổ súng xuống một khu vực phủ đầy tuyết.

Cách đó vài km, một nhóm khác mặc áo khoác mùa đông dày, áo giáp và mũ bảo hiểm bắn tên lửa chống tăng khi các giáo viên hướng dẫn theo dõi hỏa tiễn được phóng ra.

Đây là huấn luyện thường xuyên cho các tân binh trẻ trên đảo Gotland của Baltic. Những đội quân này đang đi đầu trong nỗ lực của Thụy Điển củng cố quân đội khi Stockholm lo lắng về những ý định của Nga ở châu Âu và Baltic.

Theo AFP, sau khi Crimea bị sáp nhập, tình hình cuộc xung đột ở Ukraine, sự cố máy bay phản lực của quân đội Nga được cho là tiếp cận máy bay Thụy Điển quanh vùng Baltic và năm 2014 có một con tàu ngầm bí ẩn – bị nghi ngờ là của Nga, nhưng Moscow đã bác bỏ - di chuyển gần Stockholm, Thụy Điển đã tăng cường sức mạnh cho quân đội – vốn bị cắt giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Quốc gia Bắc Âu này, không tham chiến trong hai thế kỷ, đã tái áp dụng chế độ tòng quân bắt buộc trong năm 2017, đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng và đặt một đơn vị đồn trú tới Gotland vào tháng 1 năm 2018.

Trong thời gian nghỉ ngơi tại trường bắn, Ida Delin, một binh lính trẻ đến từ Gothenburg, một thành viên của lực lượng đồn trú mới, đã lạc quan về việc có mặt trên đảo.

"Mọi người đều cảm thấy điều đó rất quan trọng, những gì chúng tôi đang làm thực sự quan trọng đối với Thụy Điển", cô chia sẻ trong khi kéo cao cổ áo của chiếc áo khoác ngụy trang lên tai để chống lại cái lạnh.

Xây dựng lại cơ sở đồn trú

Vị trí của Gotland ở Baltic từ lâu đã mang lại cho nơi này một giá trị chiến lược cao, mang lại cho chủ sở hữu khả năng kiểm soát đường hàng không và đường biển gần đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói.

Nhưng những diễn biến trong khu vực, từ căng thẳng năm 2008 của Nga với Georgia đến việc sáp nhập Crimea năm 2014 và tình hình cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, đã khiến cho Thụy Điển suy nghĩ lại.

Hultqvist nói với AFP: "Tôi không nói về mối đe dọa trực tiếp với Thụy Điển. Tôi nói về tình hình an ninh căng thẳng hơn 10 năm trước". "Vì điều đó, chúng tôi đã nâng cấp năng lực quân sự quốc gia."

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từ lâu đã chỉ trích "huyền thoại về mối đe dọa từ Nga" ở châu Âu và cáo buộc các cường quốc phương Tây gây bất ổn cho lục địa này.

Đi dọc con đường sau khi ra khỏi trường bắn, trung đoàn ở đây diễu hành kỷ niệm ngày thành lập đơn vị đầu tiên trên đảo vào năm 1811.

Theo AFP, vào thời điểm gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi Thụy Điển –một quốc gia không liên kết nhìn nhận Liên Xô một cách thận trọng và hải quân của họ đuổi theo các tàu ngầm Liên Xô bị nghi ngờ đến gần vùng biển của họ và đã duy trì một đội quân được cho là theo dõi vùng biên giới này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Thụy Điển đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng, loại bỏ trung đoàn của mình trên Gotland vào năm 2005 và bán đất doanh trại của mình.

Nhưng với cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Liên minh châu Âu EU, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu ủng hộ đưa quân đội trở lại hòn đảo một lần nữa vào năm 2016.

"Chúng tôi có một nước Nga mạnh mẽ có nhiều hoạt động quân sự hơn trước và chúng tôi thấy những gì đang xảy ra ở Ukraine, vì vậy chúng tôi thấy tình hình an ninh xấu đi," Mattias Ardin – chỉ huy lực lượng tại đây nói.

Gần đó, máy ủi và máy đào hoạt động để xây dựng cơ sở mới cho 282 binh sĩ đồn trú toàn thời gian và sẽ có nhà chứa cho vài chục xe tăng và xe bọc thép ở đó.

Quyết định của Thụy Điển về tăng cường sự hiện diện ở Baltic cũng có thể được coi là một thông điệp cho các nước láng giềng.

NATO đã triển khai quân đội tới các quốc gia Baltic và Ba Lan như một phần phản ứng với Nga trước các cáo buộc Moscow có can dự vào Ukraine. 

Và mặc dù Thụy Điển không phải là thành viên của liên minh, nước này cũng đã tăng cường hợp tác với NATO, điều động các binh sĩ tham gia tập trận quân sự chung Na Uy vào tháng 11 năm ngoái.

"Quan điểm chính thức là nếu có bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra ở khu vực Baltic, thì tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng", Robert Dalsjo thuộc Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển cho biết.

Những bức tường đá cao xung quanh Visby - thủ phủ thời trung cổ của hòn đảo là minh chứng cho lịch sử hỗn loạn của Gotland – nơi đã diễn ra xung đột giữa những người Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và người Giecmanh và thậm chí còn cả người Nga trong thời gian ngắn giữa các cuộc chiến Napoleon.

Tin tức về sự trở lại của quân đội cũng đã dấy lên một số sự phản đối từ cộng đồng dân cư, nhưng những người dân khác tỏ ra lạc quan hơn.

Bên ngoài văn phòng của mình - trên một con đường dẫn lên các bức tường của thành cổ, Niclas Bylund, một người quản lý dự án, đã nhìn thấy những điều tích cực bất ngờ cho hòn đảo.

"Chúng tôi có những người chuyển đến đây cùng gia đình, nhiều người hơn để tiêu tiền trong các cửa hàng," ông chia sẻ. "Hòn đảo sẽ sống động hơn vào mùa thấp điểm," ông mỉm cười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại