Sự ưu việt của vũ khí Nga dưới góc nhìn của chuyên gia quân sự Mỹ

Tuấn Sơn |

Trong thời gian gần đây, nhiều tạp chí quân sự tại Mỹ thường xuyên nói về sự vượt trội của các loại vũ khí do Nga phát triển. Một điểm đáng chú ý là những thông tin đó được đăng tải trên nhiều ấn phẩm quân sự có uy tín và ảnh hưởng rộng.

Thực tế, dù có ngân sách quốc phòng ít hơn nhiều lần so với Mỹ, nhưng Nga đã xây dựng được các hướng phát triển vũ khí mũi nhọn để từ đó cân bằng lợi thế chiến lược với Mỹ.

Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon

Theo thông tin được công bố, Nga đang giành ưu thế lớn nhất so với phía Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa và thiết bị bay siêu thanh mới. Trong số những chương trình vũ khí siêu thanh đáng chú ý của Nga hiện nay, chương trình phát triển tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Zircon là đáng chú ý nhất.

Các chuyên gia phân tích thuộc Tạp chí quân sự Mỹ War Is Boring đánh giá, Moscow đang có những chương trình phát triển vũ khí siêu thanh có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Nếu các thông tin về tên lửa Zircon được xác nhận, thì đây là dòng vũ khí rất uy lực với khả năng siêu cơ động và tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh – Mach 5 (theo nguồn tin từ phía Nga là Mach 8). Tên lửa Zircon sẽ được biên chế cho Quân đội Nga trong vài năm tới.

Đối với Mỹ, việc tên lửa Zircon đưa vào trang bị thực sự là vấn đề lớn. Thiết kế của tên lửa Zircon cho phép nó trang bị trên nhiều dòng chiến hạm khác nhau, kể cả các loại tàu có lượng choán nước nhỏ khoảng vài trăm tấn.

Như vậy, bất kỳ chiến hạm nào của Nga cũng có thể tung ra các đòn tấn công chết người vào đối phương ở khoảng cách 800-1.000km, gấp 3 lần so với tầm bắn của tên lửa diệt hạm Harpoon Hải quân Mỹ đang sử dụng. Cùng với đó, sự nguy hiểm của tên lửa Zircon là khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện có với tốc độ bay lớn và siêu cơ động của nó.

Với tên lửa Zircon, Nga đã tạo ra vũ khí bất đối xứng lợi hại khi sử dụng đạn tên lửa với chi phí thấp để tiêu diệt các chiến hạm đắt tiền của đối phương trên biển. Không chỉ được trang bị trên hạm, Zircon sẽ sớm có các biến thể trang bị trên bộ, trên không để mở rộng phạm vi chiến đấu của dòng vũ khí lợi hại này.

Ra-đa phát hiện mục tiêu tàng hình Struna-1

Trong khi đó, Tạp chí Mỹ National Interest nhấn mạnh, Nga đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực ra-đa và tác chiến chống tàng hình. Mới đây, Quân đội Nga đã đưa vào trang bị hệ thống ra-đa cảnh giới mới Struna-1.

Dựa trên nền công nghệ ra-đa Struna được chấp nhận vào trang bị từ năm 1999, Struna-1 có hiệu quả đặc biệt phát hiện và theo dõi các mục tiêu tàng hình. Struna-1 có thể coi là khắc tinh của các dòng máy bay tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ.

Sự ưu việt của vũ khí Nga dưới góc nhìn của chuyên gia quân sự Mỹ - Ảnh 1.

Hệ thống ra-đa cảnh giới Struna-1.

Điểm đặc biệt của ra-đa Struna-1 so với các hệ thống ra-đa cảnh giới thông thường là khả năng tổng hợp thông tin từ các từ nhiều trạm thu phát khác nhau để định vị mục tiêu. Nếu trên các hệ thống ra-đa truyền thống, tín hiện về mục tiêu sẽ gián đoạn khi nó không còn trong búp sóng giám sát, thì ra-đa Struna-1 vẫn có thể giám sát được mục tiêu nhờ khả năng đặc biệt của mình.

Không chỉ đối phó tốt với các mục tiêu tàng hình, ra-đa Struna-1 có khả năng giám sát các mục tiêu có tiết diện phản xạ ra-đa nhỏ như tên lửa hành trình và thiết bị lượn siêu thanh.

Tuy nhiên, do chưa các thông tin thực tế, khả năng này của ra-đa Struna-1 vẫn chưa được xác nhận rõ ràng. Tạp chí National Interest đánh giá, ra-đa Struna-1 đang tạo ra mối đe dọa lớn khi có khả năng phát hiện máy bay tàng hình vốn là ưu thế của Quân đội Mỹ từ trước tới nay.

Vô hiệu hóa hệ thống vệ tinh quân sự

Các chuyên gia quân sự và giới chức Không quân Mỹ đang đau đầu tìm phương án bảo vệ các vệ tinh quân sự trước nguy cơ bị đối phương bắn hạ. Đánh giá về vấn đề này, tạp chí Mỹ Defense Tech nhấn mạnh, Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho kịch bản "chiến tranh giữa các vì sao" với kịch bản Nga triển khai các đơn vị vũ khí tấn công trên vũ trụ.

Tại căn cứ Nellis, bang Nevada, 70 phi công thuộc Không đoàn số 527 đang tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt với mục tiêu bảo vệ các mục tiêu trên quỹ đạo của Mỹ chống lại các đợt tấn công bằng tên lửa và tác chiến điện từ.

Sự ưu việt của vũ khí Nga dưới góc nhìn của chuyên gia quân sự Mỹ - Ảnh 2.

Vệ tinh quân sự đang đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ.

Mục tiêu chính của đợt huấn luyện trên là đào tạo kỹ năng của các đơn vị đặc biệt của Mỹ có khả năng ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra trên vũ trụ nhằm vào lợi ích của nước Mỹ. Đánh giá về tầm quan trọng của chương trình, một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết:

"Nếu hệ thống định vị toàn cầu GPS xảy ra vấn đề, Quân đội Mỹ sẽ mất đi lợi thế của mình ở phạm vi toàn cầu". Thực tế, Nga đã không giấu giếm chiến lược rõ ràng rằng, nếu xảy ra xung đột, hệ thống GPS của Mỹ sẽ bị ngăn chặn ở quy mô rộng lớn, thậm chí các vệ tinh của Mỹ sẽ bị bắn hạ.

Rõ ràng, kể từ Liên Xô tan vỡ, Nga đã trở lại với vị thế là một siêu cường quân sự, lĩnh vực kỹ thuật đặc biệt không thể xây dựng được trong ngày một, ngày hai. Những công nghệ quân sự kế thừa từ thời Liên Xô và được phát triển mới của Nga thực sự đã nhận được đánh giá cao từ giới học giả quân sự quốc tế, trong đó có cả Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại