Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua

B.T sưu tầm, Sách Việt Nam phong tục |

Ngày mồng ba tháng Ba là Tết Hàn thực. Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh. Theo tục xưa, người ta hạn chế nấu nướng và thường ăn đồ nấu sẵn.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

TỨ THỜI TIẾT LẬP

2. Tết Hàn thực

- Ngày mồng ba tháng Ba là Tết Hàn thực. Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh. Điển này nguyên ở Tàu: Về đời Xuân Thu, vua Văn Công nhà Tấn, còn khi long đong trốn nạn, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở.

Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Có một hôm, vua đi đường thiếu lương đói quá, bọn đầy tớ không thể kiếm lương vào đâu được, Giới Tử Thôi phải cắt thịt đùi mình ra, nấu nướng ngon lành, dưng lên vua xơi. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám cảnh vô cùng.

Theo trong mười chín năm giời, trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Đến lúc Văn Công lại được giở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công trong khi tòng vong, nhỡ quên mất công của Giới Tử Thôi.

Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua - Ảnh 2.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đem mẹ vào ẩn ở núi Điền Sơn. Sau vua nhớ ra, sai người vào núi tìm không được. Vua sai đốt rừng ấy cho ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu ra, đành hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền.

Hôm ông ấy chết là ngày mồng năm tháng Ba. Người xứ đó thương ông, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì cấm đốt lửa ba ngày mà bắt đầu từ hôm mồng ba, chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn mà thôi.

Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua - Ảnh 3.

 Ta nhiễm theo tục ấy, thành ra ăn Tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi. Mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì.

3. Tết Thanh minh

Trong khoảng tháng Ba, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là giời độ ấy mát mẻ quang đãng. Tục Tàu hôm ấy, giai nhân, tài tử, đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Đạp thanh.

Ta không ăn Tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên.

4. Tết Đoan ngọ

- Mồng năm tháng Năm, gọi là Tết Đoan ngọ, hay là Đoan dương.

Tết này ta hay lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ, mà trừ ra ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm hôm ấy, ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, đào, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn, hoặc hồng hoàng, gọi là giết sâu bọ. Trẻ con ăn xong thì bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.

Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho con trẻ. Bùa chỉ kết bằng chỉ ngũ sắc, và lấy những mụn lụa mụn the kết hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt, v.v. Lại may áo lụa đem đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý để trừ tà ma cho khỏi quấy.

Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua - Ảnh 4.

 Giữa buổi trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì, bạ gặp lá gì cũng hái, mà nhất là hay hái lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối, v.v. Đem về ủ rồi phơi cho khô, về sau đem nấu uống, cho rằng uống thế thì lành.

Tục hái lá do tự điển Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Tấn. Hôm mồng năm hai gã vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp tiên bởi thế thành tục.

Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tùy năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo, v.v. Kết đoạn treo giữa cửa, để trừ sự bất tường, và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc tốt lắm.

Tục này không rõ nguyên ủy từ đâu, có người cho là do từ đời Xuân Thu. Bấy giờ nước Sở có một vị trung thần tên là Khuất Nguyên, vì can ngăn vua Hoài Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà tự vận.

Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua - Ảnh 5.

 Hôm ấy chính là ngày mồng năm tháng Năm, xứ ấy thương tiếc người trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì làm bánh đường bánh ngọt, quấn chỉ ngũ sắc ở ngoài rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng ông ấy. Cuộn chỉ ngũ sắc là có ý làm cho cá sợ khỏi đớp mất.

Vậy Tết ấy là một ngày kỷ niệm ông Khuất Nguyên, mà ta thì thấy người Tàu ăn Tết cũng theo. Nhưng theo thì theo chớ không cúng gì Khuất Nguyên.

5. Tết Trung nguyên

- Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy.

Tục đốt mã do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế. Đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường, thấy dùng tiền phí lắm, mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đến đời Đường Túc Tôn, ngươi Vương Dữ làm quan tù tế sứ, giữ riêng về việc tế tự dùng toàn bằng tiền giấy để cúng cấp rồi đốt đi. Đời Ngũ Đại lại chế thêm ra áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.

Sự tích tết Hàn thực và người hiền sĩ tự xẻ thịt mình để nấu cho vua - Ảnh 6.

 Trong sách Mộng hoa lục nói rằng: Ngày Trung nguyên mua đồ mã, áo mã cúng cấp, dùng cái giường vu lan làm bằng tre, có ba chân, rồi treo tiền của và đồ vàng mã lên trên giường mà đốt. Lục Du lại nói rằng: Tục cứ ngày rằm tháng Bảy, làm một mâm cỗ đơn sơ, cúng thần Tiên chức (thần sinh ra sự dệt cửi) rồi dùng tiền giấy mà đốt.

Xét các điều trên này, chắc là tục đốt mã của ta cũng bởi đó mà ra.

CÒN TIẾP...

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại