Trong những ngày Tết, nói đến thứ vũ khí hủy diệt này, cũng không thích hợp lắm. Nhưng với hy vọng là vũ khí hạt nhân sẽ vẫn chỉ là loại vũ khí kiềm chế, sẽ không bao giờ được sử dụng lại lần nữa, xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về tiềm lực hạt nhân của một quốc gia ngoài Mỹ, Nga, Trung. Đó là nước Anh.
Sức mạnh hạt nhân Anh đã và vẫn đang kém sức mạnh hạt nhân Liên Xô (Nga) và Mỹ hàng chục lần.
Tuy vậy, Anh vẫn có một tiềm lực hạt nhân đủ để gây cho đối phương những tổn thất không chịu đựng nổi.
(Xin đi lạc lề một chút: khái niệm "tổn thất không thể chịu đựng nổi" (hoặc "tổn thất không thể chấp nhận được" hiện vẫn chưa có cách hiểu thống nhất – nhưng diễn giải một cách nôm na nhất thì đó là những tổn thất mà một quốc gia sẽ phải gánh chịu sau đòn tấn công hạt nhân trả đũa của đối phương vào các mục tiêu quân sự, công nghiệp, cơ quan điều hành quân sự và hành chính tối cao của mình và với mức tổn thất đó thì quốc gia này không còn khả năng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho dân chúng và khả năng tiến hành các hoạt động quân sự quy mô chiến lược trong một thời gian dài.
Đã từng có tiêu chí định lượng về mức "tổn thất không thể chịu đựng nổi" đối với Liên Xô – đó là mất 1/3 dân số và 2/3 tiềm lực công nghiệp sau đòn tấn công hạt nhân – theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, năm 1967).
Trong quá trình thiết kế, chế tạo và hoàn thiện vũ khí hạt nhân, Anh dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của Mỹ. Mỹ cũng chưa từng công khai giúp nước nào trong phát triển và tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân, ngoài Anh.
Hiệu lực của Thỏa thuận Mỹ - Anh về hợp tác trong lĩnh vực này (Mutual Defence Agreement – MDA ) ký năm 1958 đã được gia hạn và có hiệu lực đến năm 2024.
Ý tưởng sở hữu vũ khí hạt nhân được Thủ tướng Anh Churchill thông qua tháng 12/1941, một tháng sau khi ông này nhận được đề nghị của Tổng thống Mỹ Roosevelt về việc cùng thiết kế vũ khí hạt nhân.
Hai bên đã nhất trí cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nhau, giữ bí mật về vũ khí hạt nhân trước nước thứ ba và các nhà khoa học Anh trực tiếp tham gia Dự án "Manhattan" (dự án chế tạo bom nguyên tử).
Tuy nhiên, một năm sau khi dự án được thực hiện thành công, sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này bị gián đoạn và vào năm 1947, theo sáng kiến của Thủ tướng mới của Anh lúc đó là Clement Attlee, Anh bắt đầu tự triển khai dự án hạt nhân.
"Dòng Danube xanh" và "Mặt trời vàng"
Với tiềm lực khoa học – công nghệ hàng đầu của mình cùng kinh nghiệm tham gia dự án "Manhattan", Anh đã tiến hành thử nghiệm nguyên tử lần đầu tiên ngay vào ngày 3/10/1952 trên vùng biển phía Tây Bắc nước Úc.
Nếu như Mỹ và Liên Xô trong các lần thử nghiệm đầu tiên đã cho nổ các đầu đạn hạt nhân trên các tháp chuyên dụng , thì người Anh cho nổ đầu đạn hạt nhân trong khoang chiếc khinh hạm đang neo "Plym". Cũng chính chiếc khinh hạm đã từng kinh qua chiến tranh này chở "lô hàng siêu bí mật" từ Anh đến vùng biển trên để "tự sát".
Công suất vụ nổ là 25 Kt và kết quả thử nghiệm cho thấy các nhà khoa học người Anh đã hoàn thành nhiệm vụ không tồi, so với các kỹ sư Mỹ ở Alamogordo và các công trình sư Xô Viết ở trường bắn Semipalatinsk, chút nào.
Ngày 28/4/1958, chiếc máy bay ném bom chiến lược của Không quân Hoàng gia Anh "Valiant" (Người can đảm) đã ném xuống đảo Giáng sinh của Quần đảo Polynesia quả bom nhiệt hạch đầu tiên (chiến dịch "Grapple Y". Sức công phá của quả bom này lên tới 2Mt .
Trong các năm từ 1952 đến 1991, Anh đã tiến hành 45 vụ thử nghiệm hạt nhân: 21 vụ – tại Úc và trên Thái Bình Dương, còn 24 vụ khác – trên lãnh thổ Mỹ.
Trong số đó, có những vụ thử rất đặc biệt, cụ thể: ngày 9/10/1957, tại bãi thử Maralling trên lãnh thổ Úc, Anh cho nổ đầu tác chiến hạt nhân công suất 25 Kt treo dưới 3 khinh khí cầu ở độ cao gần 300m (Chiến dịch "Antler" (Gạc nai).
Các quả bom hạt nhân hàng không đầu tiên được đưa vào trang bị cho Không quân chiến lược Anh là "Blue Danube " (Danube xanh) công suất 15Kt (các biến thể mới nhất của loại bom này có công suất tới 40 Kt).
Đó là bom hạt nhân có kết cấu tương tự "Fat Man" của Mỹ ném xuống Nagasaki. Tuy nhiên, bom hạt nhân Anh được coi là có độ chính xác cao hơn. Tất cả có 20 quả "Blue Danube" đã trực chiến cho đến năm 1962.
Sau "Blue Danube" là loại bom mới hoàn thiện hơn – "Red Beard" (Râu đỏ) công suất 5-20 Kt (trong các năm 1961 -1971 trong kho vũ khí của Không quân và Không quân hải quân Ạnh có 110 quả bom kiểu này) và bom nhiệt hạch công suất 400 Kt "Yellow Sun" ( Mặt trời vàng ) Mk1.
Tuy nhiên, số lượng Mk1 (chủ yếu được xuất xưởng trong năm 1958 ) không nhiều vì lúc đó đã có biến thể mới là "Yellow Sun" Mk2 sức công phá tới 1Mt. Đã có gần 150 quả bom "Yellow Sun" Mk2 được đưa vào trang bị năm 1961 và trực chiến đến năm 1972.
Sau đó, bắt đầu từ năm 1966, chúng dần được thay thế bằng bom nhiệt hạch WE177 với sức công phá khác nhau và dao động trong khoảng từ 0,5 đến 450Kt. Bom WE 177 có các phiên bản chiến thuật, chiến lược và chống ngầm.
Bom WE177 trực chiến trong 32 năm. Một số chuyên gia cho rằng có nhiều khả năng nguyên mẫu của WE177 là bom hạt nhân B61 và B57 của Mỹ.
Khó qua lưới lửa phòng không Xô Viết
Các phương tiện mang (máy bay) mang bom hạt nhân hàng không của Anh trong những năm 1950 là các máy bay ném bom cận âm turbin phản lực họ V – "Valiant" (Người can đảm), " Victor" (Người chiến thắng) và "Vulcan".
Tốc độ của "Vulcan" hiện đại nhất trong số đó đạt 1.200/h, trần bay thực tế - 19.000 m, cự ly bay tối đa – 7.650 km. Tuy nhiên, tiềm lực của Lực lượng phòng không Xô Viết lúc đó khiến cho các máy bay này gần như không có cơ hội tiếp cận mục tiêu để ném bom.
Chính vì thế, các kỹ sư Anh đã thiết kế tên lửa có cánh "Blue Steel" lớp "không đối đất" tầm bắn 200 km mang đầu đạn hạt nhân kiểu Mk28 cho máy bay ném bom "Victor" và "Vulcan".
Các chuyên gia quân sự Anh tính toán rằng các máy bay "Victor" và "Vulcan", mỗi chiếc mang một quả tên lửa "Blue Steel" sẽ phóng tên lửa ở cự ly ngoài vùng phòng không của đối phương và các tổ hợp tên lửa phòng không S-25 và S-75 Xô Viết sẽ bất lực.
Tuy nhiên, dù được trang bị "Blue Steel" để phóng ở tuyến ngoài tầm bắn của S-25 và S-75, nhưng lại xuất hiện một mối đe dọa khác đối với "Victor" và "Vulcan" - giữa những năm 60, Liên Xô đã đưa vào trực chiến các máy bay đánh chặn tuần tiễu siêu âm tầm xa Tu-128 trang bị tên lửa "không đối không" R-4 có thể tiêu diệt các máy bay ném bom Anh trước khi chúng bay đến tuyến phóng tên lửa.
Trong các năm 1962 – 1972, Không quân Ạnh đưa vào trang bị 40 quả "Blue Steel".
Các phương tiện mang vũ khí hạt nhân đường không khác của Anh thời kỳ đó như máy bay ném bom chiến thuật tốc độ dưới âm "Canberra" và máy bay cường kích hạm "Buccaneer" cũng dễ bị lực lượng phòng không Xô Viết bắn hạ.
Thực tế đó đã buộc người Anh phải xem xét lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân kiềm chế - tập trung vào việc chế tạo tên lửa đạn đạo.
Phương án tối ưu – tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
"Xuất phát từ tình hình thực tiễn", London quyết định ưu tiên chọn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Chính tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được coi là thành tố khó bị tổn thương nhất trong lực lượng kiềm chế hạt nhân.
Có tới 4 chiếc tàu ngầm kiểu "Resolution" đã được đóng trong các năm 1967-1968, mỗi chiếc mang 16 quả tên lửa đạn đạo tầm trung "Polaris" A3T với 3 khối tác chiến hạt nhân tự tách công suất 200Kt của Mỹ. Tổng cộng đã có tới 144 khối tác chiến được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân kiểu "Resolution".
Sau đó, người Ạnh thực hiện một chương trình mật mang tên "Chevaline" - nội dung chủ yếu của chương trình là thay các đầu tác chiến kiểu W58 của những tên lửa này ("Polaris" A3T ) bằng 6 khối tác chiến tự dẫn TK-100 với các đầu đạn công suất từ 50 -100 Kt.
Các chuyên gia Anh cũng thiết kế riêng cho các đầu tự dẫn này phương tiện chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho thủ đô Matxcova. Các tên lửa hiện đại hóa này có tên là "Polarris" A3TK (tầm bắn:3.500 đến 4.000 km).
Để thay thế các tàu lớp "Resolution", Hải quân Anh tiếp nhận 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân kiểu "Vanguard" mang tên lửa đạn đạo. Mỗi tàu mang 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm "Trident-II D-5" của Mỹ với bán kính tác chiến 9.000 km.
Tên lửa "Trident-II D-5" của Mỹ nhưng mang 8-12 khối tác chiến nhiệt hạch do Anh tự chế tạo với công suất dao động trong dải 0,3 – 10 – 100 – 500 Kt rất thích hợp cho việc lựa chọn mục tiêu cần tiêu diệt có các mức độ kiên cố và diện tích khác nhau.
Nói ngắn gọn để kết luận – Lực lượng vũ khí hạt nhân Anh hiện nay đủ khả năng gây ra những tổn thất không thể chịu đựng nổi cho đối phương.