Kỳ cuối: Phát hiện chấn động
Nhà hải dương học Robert Ballard (phải) ăn mừng sự kiện phát hiện ra xác tàu Titanic với nhiếp ảnh gia Emory Kristof vào năm 1985.
Cả hai chiếc tàu ngầm đều bị vỡ vụn khi chìm, các mảnh vỡ văng ra trên một khu vực rộng lớn dưới đáy biển. Do dòng hải lưu, những mảnh vụn này có dạng một chiếc quạt lớn giống như đuôi sao chổi. Những mảnh lớn hơn, nặng hơn rơi gần xác tàu chính và những mảnh nhỏ hơn, nhẹ hơn nằm ở xa hơn.
Ông Ballard nhận ra rằng vụ đắm tàu Titanic có thể đã tạo ra một mảnh vỡ tương tự, trở thành một mục tiêu lớn hơn và dễ tìm hơn nhiều so với chính xác tàu.
Mặc dù sonar không thể phân biệt các vật thể nhân tạo với vật thể tự nhiên, thì mắt người có thể. Vì vậy, thay vì để tàu Le Suroit thực hiện lại khảo sát sonar, ông Ballard quyết định quét đáy đại dương bằng thiết bị Argo và lần theo mảnh vụn đến tận nơi xuất phát.
Trong gần một tuần, tàu Knorr đi qua đi lại lại các khu vực tìm kiếm, thực hiện nhiều ca giám sát camera của Argo 24 giờ một ngày. Ngày này qua ngày khác, các camera không thấy được gì ngoài thứ bùn kỳ lạ và khi thời hạn 12 ngày sắp kết thúc, Ballard bắt đầu lo sợ rằng mình lại thất bại một lần nữa.
Nhưng rồi, vào buổi sáng sớm 1/9/1985, một vật thể lớn xuất hiện trên màn hình: đó là một nồi hơi hàng hải, giống hệt những thứ được lắp đặt trên tàu Titanic. Ngày hôm sau lúc 2 giờ 20 sáng - thời điểm chính xác tàu Titanic bị chìm, nhóm nhìn thấy mũi tàu. Một tiếng reo hò vang dội trong thủy thủ đoàn: sau 73 năm, con tàu Titanic cuối cùng đã được tìm thấy.
Tuy nhiên, tâm trạng hân hoan nhanh chóng tan biến. Ông Ballard kể: “Chúng tôi nhận ra mình đang nhảy múa trên mộ của ai đó và chúng tôi rất xấu hổ. Tâm trạng, giống như ai đó lấy công tắc trên tường và bấm. Và chúng tôi trở nên tỉnh táo, bình tĩnh, tôn trọng và chúng tôi đã hứa sẽ không bao giờ lấy bất cứ thứ gì từ con tàu đó và đối xử với nó một cách hết sức tôn trọng”.
Sự kiện này trở thành chủ đề chính trên báo chí khắp thế giới và biến ông Ballard trở thành một người nổi tiếng. Hải quân Mỹ lại thấy lo lắng. Ông Ballard kể: “Hải quân không bao giờ mong tôi tìm thấy Titanic, và vì vậy khi điều đó xảy ra, họ thực sự lo lắng vì sự việc được công khai. Nhưng mọi người quá tập trung vào truyền thuyết về con tàu Titanic mà không bao giờ kết nối các sự việc với nhau”.
Nhà thám hiểm Ballard và nhóm của ông quay lại Titanic vào năm 1986 để chụp ảnh từng cm trên xác tàu. Ảnh: Viện Hải dương học Woods Hole
Mãi đến năm 2018, sứ mệnh của Hải quân Mỹ mới được giải mật và ông Ballard được phép tiết lộ mối liên hệ quân sự với khám phá vĩ đại nhất của ông. Kể từ đó, ông Ballard đã thừa nhận rằng ông từng tham gia vào nhiều nhiệm vụ bí mật khác của Hải quân Mỹ, nhưng không thể thảo luận về chúng cho đến khi chúng cũng được chính thức giải mật.
Năm 1986, ông Ballard trở lại xác Titanic trên tàu lặn sâu Alvin, trở thành người đầu tiên nhìn thấy con tàu này trong gần 3/4 thế kỷ. Cuộc thám hiểm này đã tiết lộ một số chi tiết bất ngờ liên quan đến con tàu và việc nó bị chìm.
Trong khi hầu hết các nhà sử học cho đến thời điểm đó tin rằng Titanic đã chìm trong trạng thái còn nguyên, thì ông Ballard đã phát hiện ra xác tàu gồm hai phần nằm cách nhau 600 mét. Điều này ủng hộ khẳng định của nhiều nhân chứng rằng khi Titanic chìm ở mũi tàu, đuôi tàu nhô lên khỏi mặt nước và oằn mình dưới sức căng, xé con tàu làm đôi trước khi chìm.
Một bất ngờ khác là tình trạng của xác tàu. Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng đáy biển ở độ sâu như vậy là một vùng đất hoang cằn cỗi, nhiệt độ thấp, thiếu oxy và không có sinh vật biển nào làm hỏng xác tàu, từ đó suy đoán con tàu sẽ trong tình trạng gần như nguyên sơ. Nhưng trước sự ngạc nhiên của ông Ballard, xác tàu tràn ngập sinh vật sống, từ hải quỳ và sao biển đến cua và nhiều loại cá.
Xác tàu cũng không còn nguyên vẹn: các động vật thân mềm đã ăn hết boong tàu và các đồ gỗ khác, trong khi một loài vi khuẩn chưa được phát hiện trước đây đang dần ăn mòn vỏ sắt, tạo ra cho con tàu những khối giống như thạch nhũ mà ông Ballard gọi là “rỉ sét”. Các cuộc thám hiểm tiếp theo cũng tiết lộ rằng tảng bằng trôi không hề tạo ra một vết nứt lớn như người ta vẫn tin trước đây. Thay vào đó, tảng băng trôi chỉ làm móp các tấm thân tàu, khiến nước tràn vào qua các mép.
Trong khi ông Ballard cố gắng chụp ảnh xác tàu càng nhiều càng tốt, ông đã cẩn thận để không chạm vào bất cứ thứ gì. Ông nói: “Mọi vụ đắm tàu, nhìn chung đều có người chết. Bạn không nhặt đồ… Đó là lý do tại sao tôi để mọi thứ nguyên trạng ở Titanic. Nhặt bất cứ thứ gì lên là hoàn toàn thiếu tôn trọng… Chúng tôi đã đưa con tàu trở lại ánh sáng, nhưng ngoại trừ việc đưa thiết bị Alvin trên boong phụ vẫn còn vững chắc của tàu, chúng tôi hầu như không chạm vào tàu, trừ khi vô tình. Tôi có lý do để hy vọng rằng những người khác sẽ làm theo chúng tôi”.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Kể từ lần lặn đầu tiên của ông Ballard vào năm 1986, hàng chục đoàn thám hiểm đã đến thăm xác tàu Titanic. Trong khi một số, chẳng hạn như ba lần lặn của nhà làm phim James Cameron vào năm 1995, 2001 và 2005, chỉ nhằm mục đích quay phim và khám phá xác tàu, thì những lần khác có tính chất tiêu cực hơn khi người ta trục vớt hàng nghìn vật từ đáy biển, bao gồm cả một phần của xác tàu nặng 20 tấn còn nguyên các ô cửa sổ, đang được trưng bày tại khách sạn và sòng bạc Luxor Las Vegas.
Những hoạt động như vậy đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt giữa những người theo chủ nghĩa bảo tồn như Ballard và những người theo chủ nghĩa bảo vệ - những người này cho rằng nên trục vớt và giữ càng nhiều phần xác tàu càng tốt trước khi nó biến mất hoàn toàn.
Trong thực tế, với tốc độ phân hủy hiện tại của xác tàu và tốc độ này tăng nhanh đáng kể do thiệt hại mà các hoạt động trục vớt gây ra, người ta ước tính rằng đến năm 2040, Titanic sẽ không còn gì ngoài một vết rỉ sét lớn dưới đáy biển. Nhưng theo một cách nào đó, con tàu Titanic đã được bảo tồn, trong vô số bức ảnh và hàng giờ quay phim về xác tàu đắm. Những ghi chép này sẽ tồn tại rất lâu sau khi bản thân xác tàu đã tan thành cát bụi.
Do đó, nhờ có một cặp tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh, nhờ một nhà hải dương học đầy quyết tâm như ông Ballard và nhờ một số may mắn kỳ lạ, ký ức về Titanic sẽ còn mãi.