Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Phát biểu tại Dresden vào ngày 27 tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu đang phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, đồng thời nói thêm rằng EU cần tăng ngân sách ít nhất hai lần để đáp ứng các thách thức về chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng.
Jacques Sapir, giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội (EHESS) ở Paris, nói với tờ Politico:
"Bài phát biểu ở Dresden là sự tiếp nối các quan điểm theo chủ nghĩa liên bang mà ông Emmanuel Macron luôn bảo vệ. Thật sự rất khó để xây dựng một Liên minh châu Âu liên bang chừng nào ngân sách còn thấp như vậy.
Ở các quốc gia liên bang ngày nay (Đức, Brazil, Ấn Độ, Mỹ, Nga, v.v.) chi tiêu liên bang chiếm ít nhất 50% tổng chi tiêu, và có khi lên tới 65-70% nhưng chúng ta vẫn cần đạt được sự nhất trí".
Giám đốc Sapir cho rằng trong khi một số quốc gia EU nhỏ có thể đồng ý với kế hoạch lớn của ông Macron, người ta có thể mong đợi sự miễn cưỡng đáng kể không chỉ từ Ba Lan, Hungary và Slovakia, mà còn từ Đức và Ý.
Tờ Politico đưa tin rằng Đức và cái gọi là Bộ tứ tiết kiệm - một nhóm gồm các quốc gia EU bảo thủ về mặt tài chính bao gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển - không muốn đi theo sự dẫn dắt của Pháp.
Ngân sách dài hạn của EU (2021-2027) bao gồm 1,2 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ USD) theo khuôn khổ tài chính đa năm (MFF).
Ngoài ra, MFF 2021-2027 đã được tăng thêm 64,6 tỷ euro (70,24 tỷ USD) để giải quyết các vấn đề xung đột, di cư và hành động đối ngoại ở Ukraine.
Nhìn chung, ngân sách EU phần lớn không đổi ở mức khoảng 1% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của khối kể từ cuối những năm 1980.
Giám đốc Sapir tiếp tục: "Ông Macron cam kết với một ý tưởng mà ông ấy biết là không thể chấp nhận được, nhưng ông ấy hy vọng rằng trong trường hợp bị từ chối, ông ấy sẽ có thể nói: 'Nếu họ lắng nghe tôi…'".
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Pháp kêu gọi tăng gấp đôi ngân sách của khối. Phát biểu tại Đại học Sorbonne ngày 25/4, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng chi tiêu của EU để khôi phục nền kinh tế Lục địa già.
Chuyên gia Sapir giải thích rằng công cụ khả thi duy nhất để thực hiện kế hoạch của Tổng thống Macron là thông qua khoản vay với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dưới dạng bảo lãnh.
"Nhưng Đức, vốn đã phản đối ý tưởng như vậy về mặt chính trị, sẽ phản đối nhiều hơn về phương pháp này và sẽ nói rằng ông Macron muốn EU lâm vào cảnh nợ nần giống như Pháp.
Đây là một trong những lý do tại sao sáng kiến này, ít nhất là ở dạng hiện tại, không có cơ hội thành công", học giả nhận xét.
Theo học giả Sapir, ông Macron theo đuổi ba mục tiêu trong những tuyên bố gần đây của mình:
- Đầu tiên, về mặt chính thức, ông muốn nâng cao tính chất liên bang của EU vì ông biết rằng khía cạnh này đang bị cả các quốc gia thành viên EU và phần lớn người dân Pháp tranh cãi gay gắt.
- Thứ hai, về mặt chính trị, ông tìm cách khẳng định mình là người châu Âu nhất trong số những người châu Âu và là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất có tầm nhìn thực sự về tương lai của EU.
- Thứ ba, về mặt chiến thuật, có lẽ ông ấy đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tương lai của mình với tư cách là "Tổng thống Châu Âu", một vị trí chưa tồn tại nhưng dường như ông ấy mong muốn tạo ra.
Học giả Sapir nhấn mạnh: "Nỗi lo sợ lớn nhất của ông Macron là EU, cả dưới tác động của áp lực bên ngoài và áp lực bên trong, sẽ tan rã trong 10 năm tới".
Tổng thống Macron đã đưa ra ý tưởng về một "Châu Âu vĩ đại" ít nhất là từ năm 2017. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền của nhà lãnh đạo Pháp (Renaissance, MoDem, Horizons và UDI) chỉ giành được 15,5% phiếu bầu vào tuần trước, theo cuộc thăm dò của Elabe.
Ngược lại, danh sách Rassemblement National (RN) cực hữu, do MEP người Pháp Jordan Bardella dẫn đầu, nhận được 32% sự ủng hộ của công chúng.
Báo chí Pháp đã gọi lời kêu gọi EU tăng chi tiêu của tổng thống Pháp là một phần trong chiến dịch Nghị viện châu Âu (EP) của ông. Cuộc bầu cử cho EP sẽ diễn ra vào ngày 6-9 tháng Sáu.