SCMP: Sự kiện ví như nhát dao đâm vào thịt, nỗi "sỉ nhục" khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược quốc phòng

Minh Khôi |

Kể từ khi 5 quả bom nặng gần 1 tấn từ oanh tạc cơ B-2 của Mỹ rơi xuống Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Serbia) năm 1999, chính sách quốc phòng của Bắc Kinh đã thay đổi mãi mãi.

Minh họa: SCMP

Minh họa: SCMP

"Vụ đánh bom như nhát dao đâm vào da thịt"

Mỹ nói đây là một sai lầm nhưng với Trung Quốc, đó là một hồi chuông cảnh tỉnh. Với Trung Quốc, hành động trên như một sự phô trương sức mạnh và là chất xúc tác cho các cải cách hiện đại hóa quân sự của nước này, cho thấy nhu cầu cấp thiết của Bắc Kinh về phát triển công nghệ.

Ba người đã thiệt mạng khi quả bom rơi xuống đại sứ quán vào lúc nửa đêm ngày 7/5/1999 trong chiến dịch không kích của NATO do Mỹ dẫn đầu chống lại Nam Tư lúc bấy giờ, và 25 năm sau đó, giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ sẽ khó có thể quên sự kiện được coi là vết nhơ khó phai mờ.

SCMP: Sự kiện ví như nhát dao đâm vào thịt, nỗi "sỉ nhục" khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược quốc phòng- Ảnh 1.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Serbia bị trúng bom năm 1999. Ảnh: Reuters

Từ năm 1999, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đã trải qua hơn một thập kỷ tăng trưởng hai con số và tiếp tục tăng mỗi năm với mức GDP cao hơn. Mức chi tiêu khổng lồ này đã biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Nenad Stekić, nhà nghiên cứu về quân đội Trung Quốc tại Viện Chính trị và Kinh tế Quốc tế (IIPE) của Serbia, cho biết: "Vụ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng ngân sách quân sự của Trung Quốc sau đó".

Ông lưu ý rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chứng kiến sự cắt giảm quy mô và ngân sách trong những năm 1980 và 1990, giống như các đối tác của họ ở Nam Tư.

Sau đó, cuộc chiến Kosovo và vụ đánh bom ở Belgrade được coi như một lời cảnh tỉnh, khiến Bắc Kinh ưu tiên hiện đại hóa quân đội và phân bổ nguồn lực lớn hơn để cải thiện khả năng phòng thủ, Stekić nói thêm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Đại tá PLA đã nghỉ hưu Yue Gang kể lại rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị sốc trước vũ khí công nghệ cao được sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và đã phát động nỗ lực chuyển đổi quân đội thành một lực lượng hiện đại.

Tuy nhiên, những khó khăn tài chính trong thập kỷ này đã khiến ngân sách của PLA chạm mức thấp lịch sử vào năm 1997, chỉ còn 1,03% GDP.

Theo ông, vụ tấn công đại sứ quán là một yếu tố làm thay đổi tình hình. "Vụ đánh bom như một nhát dao đâm vào da thịt chúng tôi. Cảm giác nhục nhã có thể biến thành lòng dũng cảm và nó đã đẩy nhanh quá trình cải cách một cách đáng kể", Đại tá Yue Gang lý giải.

Bên cạnh đó, vụ đánh bom đã làm dấy lên các cuộc biểu tình rộng rãi trên khắp Trung Quốc và kể từ đó đã được tưởng nhớ như một phần của "sự sỉ nhục quốc gia" và một nỗi đau lịch sử, tờ SCMP cho hay.

Stekić cho biết, chủ nghĩa dân tộc được sự kiện này thúc đẩy mạnh mẽ, làm tăng sự ủng hộ của công chúng đối với một quân đội mạnh mẽ hơn và lập trường chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Bắc Kinh nhận ra tầm quan trọng của vũ khí dẫn đường chính xác

Ni Lexiong, một nhà quan sát quân sự ở Thượng Hải, cho rằng sự kiện đánh bom, sau Chiến tranh vùng Vịnh, đã góp phần khởi động sớm hơn, nhanh chóng và toàn diện quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Màn phô trương sức mạnh của chiến dịch đã làm rung chuyển thế giới với việc sử dụng B-2, ở giai đoạn đó là máy bay ném bom tàng hình liên lục địa B-2 tiên tiến nhất thế giới và vượt xa sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Một phần tư thế kỷ sau, Bắc Kinh vẫn đang phát triển máy bay ném bom tự chế đầu tiên có khả năng di chuyển xuyên lục địa.

Theo Yue, PLA đặc biệt ấn tượng với các loại vũ khí dẫn đường chính xác, bao gồm cả đạn tấn công trực tiếp chung của B-2, đã xuyên thủng nhiều tầng của tòa nhà đại sứ quán từ nhiều góc độ khác nhau, thậm chí cả đến tầng hầm.

Ông nói: "Vũ khí được dẫn đường chính xác mạnh đến mức Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng phải sở hữu chúng".

Yue cho biết thêm, việc nâng cấp toàn bộ hệ thống phòng không của Trung Quốc cũng được ưu tiên - các vệ tinh cảnh báo sớm, mạng lưới giám sát, đánh chặn tên lửa hành trình, radar chống tàng hình và các tên lửa đất đối không tiên tiến hơn.

Theo Stekić, vụ đánh bom đại sứ quán ở Belgrade cũng làm thay đổi sâu sắc nhận thức của Trung Quốc về tình hình an ninh tổng thể của quốc gia.

Cách tiếp cận mới của Trung Quốc thể hiện rõ qua việc tăng cường hiện diện quân sự và tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, nỗ lực chống khủng bố và các diễn đàn an ninh khu vực.

Bắc Kinh cũng theo đuổi một chương trình nghị sự ngoại giao chủ động, xây dựng các mối quan hệ đối tác và liên minh chiến lược để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và thúc đẩy tầm nhìn về một trật tự thế giới đa cực.

Theo Aleksandar Mitić, nhà nghiên cứu tại IIPE, vụ việc ở Belgrade cũng là một "bước ngoặt" trong mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, làm dấy lên sự ngờ vực và nghi ngờ lẫn nhau.

"Lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ đó chưa bao giờ trở lại như xưa. Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc thành lập 'các liên minh' có thể dẫn đến những hành động can thiệp trực tiếp, hay như nguy cơ can thiệp của phương Tây vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc hoặc khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Aleksandar Mitić nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại