Pháp cử thêm hàng trăm cảnh sát đến New Caledonia dẹp bạo loạn
Hãng tin Reuters ngày 18/5 đưa tin, tại New Caledonia - lãnh thổ hải ngoại nằm ở Thái Bình Dương của Pháp, những phần tử bạo loạn tức giận với cải cách bầu cử đã đốt phá các cơ sở kinh doanh, đốt ô tô, cướp phá các cửa hàng và dựng rào chắn trên đường, cắt đứt khả năng tiếp cận thuốc men và thực phẩm của người dân.
Vụ bạo loạn này đã khiến 4 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt.
Cao ủy Pháp Louis Le Franc tại New Caledonia cho biết, trước tình hình này, lực lượng chi viện của cảnh sát Pháp bắt đầu đổ đến vào 17/5 nhằm giành lại quyền kiểm soát thủ đô Noumea.
Dưới sự tăng cường của chính phủ Pháp, số lượng cảnh sát và hiến binh trên hòn đảo do Pháp quản lý đã tăng từ 1.700 binh sĩ lên 2.700 binh sĩ vào tối 16/5.
Ông Louis Le Franc tiết lộ, sau ba đêm biến động, đêm 16/5 tương đối yên tĩnh và những lời kêu gọi hoà bình bắt đầu được chú ý, dù vậy tình hình bế tắc vẫn tiếp diễn ở một số khu vực của thủ đô Noumea.
Nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình, quan chức Pháp cho hay: "Lực lượng tiếp viện sẽ đến ồ ạt, ngay lập tức và sẽ được triển khai để kiểm soát các khu vực đã thoát khỏi tầm kiểm soát của chúng tôi trong những ngày gần đây…, để giành lại tất cả các khu vực đô thị mà chúng tôi đã mất".
Trung Quốc có thể trở thành "ngư ông đắc lợi"
Theo Reuters, tình trạng bất ổn ở New Caledonia có thể làm phức tạp kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của Pháp ở Thái Bình Dương của Tổng thống Emmanuel Macron. Đây là khu vực mà Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh quyền lực.
"Bạo lực và sự xuất hiện của hàng trăm cảnh sát từ Paris đang làm dấy lên sự nhạy cảm trong khu vực đối với chủ nghĩa thực dân", hãng tin Anh nhận định.
Nhà phân tích Graeme Smith thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, cuộc trấn áp của cảnh sát Pháp ở Noumea có thể thúc đẩy việc Trung Quốc vũ khí hóa di sản thuộc địa của các quốc gia phương Tây ở Thái Bình Dương, bao gồm cả việc thử nghiệm hạt nhân của Pháp và Mỹ.
"[Cuộc bạo loạn] sẽ phát huy hiệu quả rất tốt vì Trung Quốc đã khám phá ra một phần lịch sử thuộc địa ở Thái Bình Dương", chuyên gia Australia nói.
Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ an ninh với các quốc gia trên hòn đảo ở Thái Bình Dương, nằm ở vị trí chiến lược giữa Mỹ và châu Á, và đạt được nhiều thành công khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi đạt được hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm 2022 khiến Mỹ lo ngại, Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận thương mại và an ninh trên toàn Thái Bình Dương.
Do đó, Trung Quốc chuyển sự chú ý và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên thuộc Nhóm Mũi nhọn Melanesian gồm Vanuatu, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Fiji và New Caledonia, được thành lập vào năm 1986 để hỗ trợ quá trình phi thực dân hóa.
Các lãnh đạo của Nhóm Mũi nhọn Melanesian đã gặp nhau vào tháng 8/2023 để xem xét hợp tác an ninh với Trung Quốc.
15/5, Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai với tư cách là Chủ tịch luân phiên của nhóm đã đưa ra tuyên bố chỉ trích Pháp về tình trạng bạo loạn và yêu cầu nước này từ bỏ cải cách bầu cử.
Các thành viên Papua New Guinea, Fiji, Vanuatu và Quần đảo Solomon, là trung tâm của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của nước này, bao gồm cả Australia và Pháp.