Với thế hệ đi trước, tiết kiệm là một khoản gần như bắt buộc phải có để có thể chuẩn bị cho mọi đại sự trong gia đình hay cho các bất trắc không đoán trước. Tuy nhiên, người trẻ bây giờ không phải ai cũng ưa thích phương thức quản lý chi tiêu này vì cho rằng đồng tiền nằm im là đồng tiền chết.
Một báo cáo dữ liệu gần đây cho biết 60% người dân Mỹ không thể xuất ra 400 USD (khoảng 9 triệu đồng) trong quỹ khẩn cấp mình có. Tuy nhiên, người dân Mỹ được tha thứ vì điều này, bởi lẽ là một quốc gia phương Tây phát triển, Mỹ luôn chủ trương tiêu dùng nhiều hơn gửi tiết kiệm. Học theo xu thế này, giới trẻ đương đại cũng răm rắp tuân theo chủ nghĩa "tiêu dùng tiên tiến", vì người ta chỉ sống một lần, tích tiền chẳng để làm gì.
Tuy nhiên, sự kiện "thiên nga đen" năm 2020 đã khiến người dân toàn cầu phải bất ngờ. Cuộc khủng hoảng quy mô lớn này khiến người ta nhận ra bất kể già hay trẻ, tiền tiết kiệm đều vô cùng quan trọng.
01
Tôi có quen 2 người bạn, cùng đi làm với mức lương khởi đầu là 10 triệu đồng. Trong số đó, A tự nhận mình là thanh niên thời đại mới, thái độ của A với chuyện tiền bạc chỉ có 1 từ duy nhất, đó là: Tiêu. Về phần B, cũng mới đi làm nhưng ngay từ lúc khởi đầu, B đã đặt cho mình mục tiêu là tiết kiệm được 700 triệu đồng.
Thâm niên tăng lên, tiền lương của cả hai cũng tăng lên, đến mốc 20 triệu. Lúc này, B đã có thể tiết kiệm 12 triệu/ tháng, trong khi đó A vẫn đắm chìm trong mô hình tiêu dùng tiên tiến, quyết không để nợ nần nhưng rất tiếc là cũng không có con số thặng dư.
Sau 5 năm, khoảng cách giữa 2 người có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt thường. Vừa đảm bảo được mức sống, mỗi tháng lại tích góp được 12 triệu nên mục tiêu kiếm 700 triệu trong 5 năm của B đã hoàn thành. Còn A, không vay nợ nhưng lại có rất ít tiền tiết kiệm. Là người theo trường phái lạc quan, chính A cũng không biết tiền của mình đã tiêu vào đâu.
Trong 5 năm, một người tiết kiệm được 700 triệu và một người có số dư gần như bằng 0. Lấy sự kiện "thiên nga đen" làm ví dụ, khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, tình trạng người lao động mất việc làm còn tăng thì người có tiền tiết kiệm có thể đương đầu với việc ở nhà chơi cả năm còn những người tiêu xài hoang phí thì mức sống của họ sẽ giảm mạnh trong chỉ 2 tháng mất việc là điều đương nhiên.
02
Nhiều người trẻ khá kiên định trong việc cho rằng ở thời buổi này, thật ra có tiền tiết kiệm và không có tiền tiết kiệm không khác gì nhau. Bởi giá đất, giá nhà liên tục tăng, vật giá cũng vậy, làm gì có ai đủ khả năng tiết kiệm. Thà rằng cứ tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống còn tốt hơn.
Nhưng trên thực tế, những người chọn tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ thoạt nhìn có vẻ phải sống kham khổ nhưng tương lai của họ có mục đích và kế hoạch rõ ràng hơn. Càng nhiều năm về sau thì số tiền tiết kiệm sẽ càng giúp cuộc sống của họ kéo dài khoảng cách hơn so với những người có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.
Cùng lúc đó, những người theo chủ nghĩa YOLO có thể tiếp tục vui nếu môi trường làm việc của họ ổn định nhưng chỉ cần công việc bất ngờ gặp trục trặc thì công cuộc hưởng thụ của họ nhất định sẽ bị ngắt quãng. Khi đối diện với các tình huống khẩn cấp, người không có tiền tiết kiệm sẽ trở nên luống cuống, khó nghĩ ra cách đối phó hơn người có tiền tiết kiệm. Cái kết là họ có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả tương đối nghiêm trọng.
Có câu: "Từ cuộc sống tiết kiệm, giản dị chuyển sang cuộc sống xa hoa giàu có thì dễ nhưng đã sống đời xa hoa rồi mà bắt sống tiết kiệm là chuyện cực kì khó". Điều này đúng với những người vốn theo chủ nghĩa ăn tiêu xả láng. Khi đột ngột rơi vào tình trạng phải ăn uống cần kiệm, khả năng cao là họ sẽ sẵn sàng đẩy mình vào vòng xoáy vay nợ để có thể đáp ứng các nhu cầu của bản thân, bất chấp cái giá phải trả.
03
Với con gái, sự khác biệt giữa việc có tiền tiết kiệm và không có tiền tiết kiệm càng lớn hơn. Người ta nói: "Độc lập về kinh tế là thế mạnh của cuộc đời người phụ nữ, hy vọng chúng ta sẽ luôn giữ được sự độc lập đó, bất kể là lúc bình thường, lúc yêu đương hay khi kết hôn".
Khi bạn có cho mình một khoản tiền dư ra ngoài kế hoạch, đồng nghĩa với việc bạn nắm trong tay quyền tự chủ và cảm giác an toàn cũng theo đó mà gia tăng.
Trước khi ly hôn với chồng, Dương Mịch từng nhận được câu hỏi phỏng vấn thế này: "Nếu bạn muốn mua nhà cho bố mẹ mình, bạn có cần thông qua sự đồng ý của chồng không?".
Dương Mịch đã thẳng thắn đáp: "Tại sao tôi lại phải cần đến sự đồng ý của anh ấy. Tự tôi cũng mua được mà".
Câu trả lời chắc nịch của Dương Mịch đã một lần nữa khẳng định sự độc lập về tài chính có thể mang đến vị trí và quyền được lên tiếng cũng như sự tôn trọng cho phái nữ trong cuộc sống gia đình.
Vậy cụ thể thì sự khác nhau sẽ được biểu hiện như thế nào?
Lúc đang yêu
Con gái có tiền tiết kiệm:
Tự bạn có đủ cơ sở vật chất và không cần phải dựa dẫm vào bất kì người đàn ông nào để sống. Bạn độc lập kinh tế, không ăn bám, không làm tụt lùi một người đàn ông nên bạn hoàn toàn không có ý tưởng phải lấy chồng giàu, phải cưa cẩm đại gia nào đó. Bạn có thể tự mua những gì mình muốn. Tình yêu đối với bạn đơn thuần là yêu và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như tiền tài, nhà cửa của đối phương.
Con gái không có tiền tiết kiệm:
Bạn không có tiền nhưng lại muốn có một cuộc sống đủ đầy, cách duy nhất là phải lấy một ông chồng giàu. Khả năng tài chính của đối phương luôn là điều bạn quan tâm đầu tiên. Người ta nhận xét về bạn không bằng từ "thực tế" mà buộc phải dùng từ "thực dụng".
Sau khi kết hôn
Con gái có tiền tiết kiệm:
Sau khi kết hôn bạn sẽ không bị nhà chồng coi thường. Bạn vừa có khả năng kiếm tiền lại vừa có thể giúp đỡ nhà đẻ mình. Bạn cũng không dễ bị bắt nạt, bạn đã làm gì là đều làm đến đầu đến đuôi.
Con gái không có tiền tiết kiệm:
Sau khi kết hôn, bạn phải chạy vạy lo toan chuyện cơm áo gạo tiền. Bạn vất vả vì gia đình nhưng không phải lúc nào gia đình cũng hiểu. Vì kinh tế không đủ nên bạn phải nhờ vào chồng, kết quả là vì đồng tiền nên phải nhìn mặt người khác mà sống, địa vị trong gia đình cực kì thấp.
Lúc ly hôn
Con gái có tiền tiết kiệm:
Dẫu có ra đi thì bạn vẫn có thể dứt áo ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu. Bạn vẫn có thể sống tốt, vẫn có thể tự mình nuôi nấng con cái bởi nền tảng tài chính bạn luôn có. Thậm chí nhờ làm việc chăm chỉ kết hợp với số tiền vốn có, ly hôn còn giúp bạn và con cái bạn có một cuộc sống tốt hơn.
Con gái không có tiền tiết kiệm:
Bạn phải cân nhắc đủ thứ trước khi ly hôn. Một là bạn có đủ khả năng để giành quyền nuôi con hay không, thứ hai là sau khi ly hôn liệu bạn có bị gia đình, bạn bè chê cười hay không, thứ ba là bạn không có đủ điều kiện tài chính để có thể tự tin nuôi dạy con thật tốt.
Sau khi ly hôn
Con gái có tiền tiết kiệm:
Bạn sống vui vẻ, tự tại không gò bó, dành hết tâm sức cho công việc, tự kiếm chút tiền mở một cửa hàng nhỏ. Nếu trái tim còn rộng mở thì bạn sẽ tìm kiếm hạnh phúc mới còn không thì bạn vui vẻ với đời độc thân bên những đứa con của mình.
Con gái không có tiền tiết kiệm:
Sau khi ly hôn, bạn chịu đủ thứ thua thiệt. Trước nhất là bạn phải nhờ vào sự giúp đỡ của nhà mẹ đẻ sau đó mới từ từ tìm việc. Vật lộn với cuộc sống mưu sinh và chăm lo cho con cái, bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Kết quả là bạn muốn nhanh chóng tìm được một người đàn ông khác để có thể giao phó cuộc đời mình.
04
Có câu nói vui vui thế này: "Điều đau khổ nhất của đời người là người còn sống mà tiền thì đã hết".
Kiếm tiền vốn không hề dễ nên tiêu tiền cần phải cẩn thận. Đừng vì những món lợi nhỏ nhoi trước mắt mà khiến bản thân rơi vào khó khăn còn tiền bạc thì rơi vào túi người khác. Và nên nhớ rằng hãy tiết kiệm khi có thể, bởi có tiền tiết kiệm nghĩa là bạn có thêm rất nhiều sự lựa chọn đấy!
Ảnh minh họa: Pinterest