Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng, tuyên bố hồi tuần trước của ông Trump về việc rút Mỹ ra khỏi INF là một động thái mang tính bất ngờ và không hề thông báo trước cho các đồng minh ở châu Á. Hành động của ông Trump đã làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Mỹ trong vai trò là đối tác quốc phòng ở khu vực.
“Mối nghi ngờ từ các đồng minh của Mỹ không phải đến từ năng lực quân sự mà chính là những cam kết mà Mỹ đưa ra. Việc không hề thông báo trước cho các đồng minh về những quyết định lớn khiến họ mất niềm tin vào Mỹ”, SCMP dẫn lời bà Aoki.Bà Naoko Aoki, nhà nghiên cứu tại tổ chức Rand Corporation nhận định, uy tín của Mỹ dựa vào 2 trụ cột là “năng lực và giải pháp”.
Cũng theo bà Aoki, nếu các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ý nghi ngờ về những lời cam kết của Washington, chắc chắn họ cũng sẽ đặt câu hỏi đối về mối quan hệ liên minh với Mỹ.
“Nếu các đồng minh nhận ra rằng, lời cam kết bảo vệ họ trước những mối đe dọa an ninh mà Mỹ từng đưa ra không còn đáng tin cậy, họ sẽ đánh giá lại mối quan hệ liên minh với Mỹ. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không may bùng nổ xung đột ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan”, ông Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình an ninh quốc gia thuộc Viện Lowy ở Sydney chia sẻ.
Thậm chí, theo Phó Giáo sư Eunjung Lim tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, việc ông Trump dọa rút khỏi INF còn là tín hiệu xấu dễ gây hiểu lầm cho Triều Tiên.
Nói cách khác, Bình Nhưỡng hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về những cam kết mà Washington đưa ra trong trường hợp Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.
Ông Yasuhiro Matsuda, cựu chuyên gia tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định trong hoàn cảnh này, Nhật Bản cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ liên minh với Mỹ. Bởi “những quốc gia đồng minh của Mỹ không sở hữu vũ khí hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia hiện không còn chịu sức ép ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ”, ông Matsuda nói.
Về phần mình, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Trump.
“INF đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ căng thẳng trong các mối quan hệ quốc tế và tiến tới quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo vệ cán cân chiến lược và sự ổn định trên toàn cầu. Hành động đơn phương rút khỏi INF sẽ tạo ra những tác động xấu. Chúng tôi hy vọng Mỹ trân trọng những thành tựu mà khó khăn lắm mới đạt được trong những năm qua, đồng thời có phương án giải quyết vấn đề phù hợp thông qua đối thoại và tham vấn. Mỹ nên suy nghĩ kỹ trước khi rút khỏi INF”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Bùng nổ chạy đua vũ trang
Một số chuyên gia cho rằng, lời đe dọa rút Mỹ ra khỏi INF của ông Trump không liên quan tới những cáo buộc Washington từng đưa ra về việc Nga vi phạm hiệp ước này, mà thực tế Mỹ có ý định tiến hành một cuộc đua vũ trang ở sân sau của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo của Nga được trưng bày ở Luga, ngoại ô thành phố St Petersburg.
Điều quan trọng là nếu Mỹ rút khỏi INF, cả Nga và Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng cho mở rộng kho hạt nhân. Hành động này sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cho tình hình an ninh của toàn châu Á.
INF được ký kết vào năm 1987 bao gồm việc cấm các nước thành viên sản xuất, sở hữu và thử nghiệm các loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km."INF bị hủy bỏ là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Nhật Bản. Hiệp ước này đóng vai trò quan trọng đối với nền hòa bình, ổn định của khu vực cũng như kiểm soát vũ khí và giải giáp hạt nhân", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga chia sẻ hôm 22/10.
"Châu Á là nơi hội tụ của những cường quốc hạt nhân mới gồm Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Mỹ chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington tin rằng, Bắc Kinh muốn thế chân Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu châu Á.
Do đó, khả năng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên tranh đấu sức mạnh giữa Mỹ - Trung ở châu Á. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thực sự muốn tham gia cuộc chiến này trong thời gian dài và liệu rằng lợi ích của Mỹ ở châu Á có đủ lớn để Mỹ tiến tới đối đầu với Trung Quốc kể cả phát động chiến tranh hạt nhân", ông Roggeveen nhận định.
Nếu INF bị phá bỏ, cuộc đua vũ trang hạt nhân hoàn toàn có thể xảy ra giữa Mỹ - Trung – Nga. Nhưng với Mỹ, vấn đề lớn nhất là làm thế nào để thuyết phục các nước đồng minh ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc chấp nhận để quân đội Mỹ đưa lực lượng tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung hiện diện trong lãnh thổ.
Tuy nhiên không loại trừ khả năng, nếu Mỹ rút khỏi INF, đây sẽ là cơ hội để Mỹ - Trung – Nga tiến tới thảo luận về một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Song vấn đề này được cho không xảy ra trong "một sớm một chiều".