Mỹ rút khỏi INF: Nga phản đối cũng vô hiệu, Trung Quốc mới là "biến số" quyết định

Thi Anh |

Mỹ và Nga từng là những nước duy nhất có tên lửa hành trình tầm trung, nhưng giờ Trung Quốc cũng có rất nhiều và họ đang "rảnh tay" để tiếp tục chế tạo.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Washington sẽ tiếp tục thực hiện ý định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), bất chấp sự phản đối từ phía Nga và châu Âu. Ông Bolton cho biết, Mỹ vẫn chưa ra thông báo chính thức nhưng sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Sputnik đã có cuộc trao đổi với học giả Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về chuyến thăm của ông Bolton tới Moscow. Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả cuộc gặp giữa ông Bolton với Tổng thống Putin và các quan chức Nga?

Ralph Cossa: Tôi nghĩ là không có bất ngờ thực sự nào từ cuộc gặp này.

Ông Bolton, tất nhiên, vốn nổi tiếng là người giữ quan điểm cứng rắn và ông ấy thể hiện đúng như vậy; Tổng thống Putin thì không dễ bị lấn át và ông ấy chắc chắn cũng không như thế trong tình huống này. Tôi nghĩ cả hai người họ đều có lập trường rõ ràng và thể hiện quan điểm của mình rõ ràng.

Ông nghĩ tinh thần chung của cuộc gặp là gì? Ông có nghĩ rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ tiến triển một lần nữa, chẳng hạn liên quan tới cuộc gặp có thể sẽ diễn ra giữa ông Trump và ông Putin?

Ralph Cossa: Rất khó để đánh giá. Tổng thống Trump liên tục nói rằng ông ấy và Tổng thống Putin rất hòa hợp; tôi nghĩ rằng ở phạm vi cá nhân thì có một mức độ phản ứng nào đó, giúp cho mối quan hệ ấy nằm trong giới hạn.

Rõ ràng, có những khó khăn giữa 2 nước chúng tôi, những cáo buộc tại Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và tất nhiên, với hiệp ước INF, tất cả đều dựa trên những lo ngại từ phía Mỹ về khả năng Nga lừa gạt mình kể từ năm 2014.

Có bao nhiêu bằng chứng về việc Nga lừa gạt? Tôi tin rằng phía Nga đã đề xuất giải quyết bất kỳ lo ngại nào có thể có giữa hai bên; ông nghĩ rằng có hy vọng nào về một giải pháp không? Chúng ta có thể giữ cho hiệp ước này nguyên vẹn trong bất kỳ trường hợp nào cho tới khi đạt được sự nhất trí, có thể là một hiệp ước lớn hơn, gồm cả Trung Quốc và các nước khác không?

Ralph Cossa: Tôi nghĩ là bạn đã nhận ra rồi đó. Mỹ vẫn chưa rút lui khỏi hiệp ước, ông Bolton và ông Trump nói rằng họ định làm việc này "vào thời điểm phù hợp", dù là thời điểm nào đi nữa. Điều này đã để ngỏ khả năng thảo luận.

Tuy nhiên, "biến số khó lường" thực sự trong toàn bộ chuyện này là Trung Quốc, bởi trong khi Mỹ tuân thủ hiệp ước và Nga khẳng định là mình tuân thủ hiệp ước, chắc chắn không vi phạm trên quy mô lớn, thì người Trung Quốc đang chế tạo chính những tên lửa tầm trung ấy, và chuyện này trở thành một vấn đề an ninh đối với Mỹ ở châu Á.

Ông có nghĩ Trung Quốc là nhân tố chính, mang ý nghĩa quyết định trong INF không? Trung Quốc còn không phải là một phần của hiệp ước này.

Ralph Cossa: Tôi nghĩ là có khả năng.

Tôi nghĩ rằng trên thực tế, từ phía Mỹ, có bằng chứng thuyết phục về việc người Nga có một hệ thống - chúng tôi gọi là SSC8, tôi nghĩ nó được gọi là tên lửa hành trình 9M729 ở Nga - nhưng có bằng chứng khá chắc chắn, thậm chí châu Âu, vốn không hâm mộ ông Trump lẫn quyết định rút khỏi INF, cũng cho rằng bằng chứng khá chắc chắn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc điều này hợp lý là một mối lo ngại thật sự về an ninh, khi mà Mỹ và Nga từng là những nước duy nhất có tên lửa hành trình tầm trung, nhưng giờ Trung Quốc cũng có rất nhiều và họ đang "rảnh tay" để tiếp tục. 

Mỹ không thoải mái với chuyện đó và tôi không chắc Nga thoải mái với chuyện đó ở mức nào.

Có vẻ cả Mỹ và Nga đều cố đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, và có lẽ là cả một số nước khác nữa - như Nhật Bản hay Hàn Quốc, không phải ư? Nhiều quốc gia khác có khả năng sở hữu công nghệ này hoặc có thể phát triển nó rất nhanh chóng.

Ralph Cossa: Tôi nghĩ là ít nhất Mỹ muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Tôi nghĩ rằng cũng có một số nước khác - Hàn Quốc đã phát triển một số tên lửa, Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa với nhiều tầm bắn khác nhau.

Nhưng nếu nói về cạnh tranh giữa các cường quốc thì sẽ là Nga, Mỹ và Trung Quốc, và mặc dù Trung Quốc không phải là một nhân tố khi hiệp ước này được đưa ra ban đầu, nhưng giờ thì họ đã là một nhân tố rồi và điều này chắc chắn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại