Hai "tử huyệt" trên lãnh thổ Mỹ
Trả lời RT, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov - Chủ tịch Học viện Các Vấn đề Địa chính trị - cho rằng Nga cần phải phát triển năng lực hủy diệt nước Mỹ bằng một đòn tấn công chớp nhoáng nếu Moskva muốn thuyết phục Washington kết thúc cuộc chạy đua vũ trang và quay trở lại bàn đàm phán.
Trong một bài viết, ông Sivkov khẳng định Moskva không nên tranh đua với Washington về số lượng đầu đạn hạt nhân.
Thay vào đó, ông Sivkov cho rằng một "phản ứng bất tương xứng" sẽ là giải pháp tốt hơn. Tức là, Nga nên đầu tư cho chất thay vì lượng trong bối cảnh Moskva có thể sản xuất vũ khí hạt nhân với đương lượng nổ lên tới 100 megaton (tương đương sức nổ của 100 triệu tấn TNT).
"Nếu các vùng địa chất có tính chất đặc biệt nguy hiểm ở Mỹ (như Siêu núi lửa Yellowstone hay Đứt gãy San Andreas) bị tấn công bởi những đầu đạn mạnh như vậy, thì chắc chắn nước Mỹ sẽ không còn là một quốc gia nguyên vẹn".
Theo các số liệu, một khi phun trào, siêu núi lửa Yellowstone có khả năng hủy diệt môi trường sống của con người và sinh vật khắp vùng Tây Duyên hải Mỹ.
Độ dày của tro bụi khi núi lửa Yellowstone phun trào. Ảnh minh họa: USGS
Ngoài ra, lượng tro bụi núi lửa cực kì khổng lồ có thể lan tới tận bờ Đông nước Mỹ, phủ đen bầu trời trong nhiều ngày và phá hủy toàn bộ hệ sinh thái. Về mặt lý thuyết, nếu bom hạt nhân phát nổ trong núi lửa Yellowstone, thì toàn bộ lục địa Bắc Mỹ sẽ không còn toàn vẹn.
Cụ thể, trang Vox dẫn thông tin của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, cảnh tượng phun trào của siêu núi lửa Yellowstone "không phải là chuyện có thể đùa".
Đợt phun trào này có thể chôn vùi các bang Wyoming, Montana, Idaho và Colorado dưới 90cm tro bụi và phủ kín toàn vùng Trung Tây của Mỹ. Tro núi lửa gây hại và giết chết thực vật, động vật, phá hủy nhà cửa và các thiết bị điện.
Theo các số liệu, một khi phun trào, siêu núi lửa Yellowstone có khả năng hủy diệt môi trường sống của con người và sinh vật khắp vùng Tây Duyên hải Mỹ. Ảnh minh họa: Inquisitr
Không chỉ có vậy, với độ dày chỉ vài cm, tro bụi cũng phá hoại mùa màng, đường xá, gây bệnh hô hấp, làm tắc nghẽn đường thoát nước và khiến các dịch vụ di chuyển hàng không phải hủy bỏ.
Siêu phun trào còn có ảnh hưởng không nhỏ tới biến đổi khí hậu. Khi bầu trời bị che phủ, mặt đất sẽ không hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời, qua đó làm giảm nhiệt độ toàn khu vực. Dù hiệu ứng này chỉ xảy ra trong giai đoạn ngắn nhưng cũng có thể để lại ảnh hưởng lớn.
Đứt gãy San Andreas
Trong khi đó, đứt gãy San Andreas là đứt gãy dài khoảng 1.300km với nhiều nguy cơ tiềm tàng về mặt địa chất. Động đất mạnh cấp 8 có thể phá hủy 3,5 triệu ngôi nhà ở bang California, khiến hàng chục nghìn người chết và đẩy hàng triệu người vào cảnh nguy hiểm. Chi phí tái thiết quanh khu vực động đất có thể lên tới gần 300 tỉ USD.
Nếu bom hạt nhân nổ tại đứt gãy San Andreas, hàng loạt trận động đất liên tiếp sẽ được "kích hoạt" và gây ra thảm kịch lớn với lãnh thổ và người dân nước Mỹ.
Hình ảnh minh họa cho thấy cơn địa chấn giả định từ Đứt gãy San Andreas tới Lòng chảo Los Angeles. Vùng màu vàng biểu thị "rung lắc mạnh"; màu cam là "rung lắc rất mạnh" và màu đỏ là "rung lắc cực đại". Nguồn: USGS.
Theo chuyên gia Sivkov, việc tạo ra khoảng 40-50 siêu đầu đạn cho tên lửa đạn đạo xuyên lục đại (ICBM) là đủ để đảm bảo rằng ít nhất một số đầu đạn tới được mục tiêu.
"Viễn cảnh đó sẽ giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và giảm tỉ lệ xảy ra chiến tranh xuống bằng không," ông Sivkov nói.
"Nếu Nga sở hữu kho vũ khí như vậy, Washington sẽ buộc phải đàm phán và từ bỏ các chính sách cấm vận đối với Nga."
Hôm 22/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Nga và Trung Quốc rằng Washington sẽ tiếp tục chế tạo kho vũ khí hạt nhân cho tới khi "mọi người đều hiểu chuyện".
Trong những năm gần đây, Moskva và Washington đã cáo buộc lẫn nhau vì vi phạm thỏa thuận INF năm 1988. Trong khi Mỹ cáo buộc Nga phát triển tên lửa bị cấm, Nga cũng phản pháo rằng hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở Đông Âu có thể được dùng để phóng tên lửa tầm trung.