Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu hôm 22.10: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, trong đó có các tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin, sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc gia hạn hiệu lực Hiệp ước sau năm 2021 khi giai đoạn 10 năm đầu tiên kết thúc".
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Madagascar Eloi Dovo, nhà ngoại giao hàng đầu Nga nhấn mạnh, Nga sẵn sàng cho cuộc đối thoại với Mỹ về những điều cần làm để thực hiện việc này.
"Chúng tôi đã định hình được cách tiếp cận khá lâu dài và cụ thể cho cả Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF và Hiệp ước START mới" - Ngoại trưởng Lavrov nói và bày tỏ mong muốn sự trao đổi từ phía Mỹ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nhấn mạnh, Mátxcơva hy vọng Washington sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình trong khuôn khổ Hiệp ước INF và Hiệp ước START mới.
"Chúng ta chịu trách nhiệm về sự ổn định toàn cầu. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ không từ bỏ trách nhiệm của mình" - ông Lavrov nói.
Ngày 20.10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Đồng thời, ông không loại trừ việc ký một thỏa thuận mới về các lực lượng hạt nhân tầm trung với Mátxcơva và Bắc Kinh nếu Nga và Trung Quốc bảo đảm ngăn chặn sự phát triển của những loại vũ khí này.
Tờ Financial Times ngày 21.10 dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, Mỹ đang cân nhắc phương án sửa đổi Hiệp ước START mới.
Hiệp ước START mới có hiệu lực vào ngày 5.2.2011. Văn kiện này quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên không được vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược.
Thêm vào đó, hiệp ước này quy định, các bên không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn trong triển khai ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược. Đồng thời chỉ được sở hữu tổng số 800 bệ phóng ICBM, bệ phóng SLBM và máy bay ném bom chiến lược.
Hiệp ước START mới cũng quy định bắt buộc các bên phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và tàu sân bay mỗi năm 2 lần.
Hiệp ước START mới có hiệu lực trong vòng 10 năm, đến năm 2021, trừ khi được thay thế bằng thỏa thuận khác. Nó có thể được gia hạn trong thời gian không quá 5 năm (tức là đến năm 2026) khi được các bên đồng thuận.